Tất cả các máy móc đều dán giấy ghi chờ thẩm định để chứng minh chúng chưa hề hoạt động. Phòng khám này còn nhanh nhảu đến mức dán luôn giấy “chờ thẩm định” lên chiếc quạt máy.
Các loại máy trị liệu được quảng cáo tại Phòng khám đa khoa Trung Nam. Ảnh: Bảo An.
Tất cả không hoạt động, chờ…thẩm định
Chiều ngày 22/6, nhóm phóng viên tiếp tục theo chân đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM đi kiểm tra các phòng khám Trung Quốc trên địa bàn.
Khi tới Phòng khám đa khoa Trung Nam (đường 3/2, phường 16, quận 11, TP.HCM) thanh tra Sở Y tế cũng phải bật cười vì sự chuẩn bị đối phó của cơ sở này quá…chu đáo.
Phòng khám Trung Nam bắt đầu hoạt động từ ngày 31/12/2011, vậy mà khi đoàn thanh tra tới, từ tầng trệt đến tầng 8 của tòa nhà vắng ngắt không bóng dáng một bác sĩ, bệnh nhân. Phòng ốc đều sạch sẽ không một hạt bụi, ngay cả các thùng rác cũng…rất sạch.
Điều đặc biệt ở đây nhiều máy móc được trưng bảng quảng cáo với chức năng rửa phụ khoa bằng ozone, máy điều trị nam khoa, máy tính…đều được dán giấy đề nội dung đang “chờ thẩm định”, dù máy móc này đều đã cũ, còn giấy dán thì mới tinh.
Không hiểu trong lúc quá vội vàng hay quá chu đáo mà luôn cả chiếc quạt máy bụi bặm cũng được dán luôn nội dung…chờ thẩm định.
Dù đại diện cơ sở trình bày với đoàn thanh tra rằng máy móc chưa hề sử dụng mà chỉ...“đắp chiếu” chờ thẩm định nhưng P.V VietNamNet ghi nhận tấm áp phích quảng cáo của Phòng khám đa khoa Trung Nam với nội dung đang tiến hành hoạt động chăm sóc sức khỏe công ích, miễn phí và ưu đãi với các thiết bị máy móc trị liệu tiên tiến.
Truyền dịch kháng sinh…chui ?
Khu vực truyền dịch của cơ sở Trung Nam rất hoành tráng, bệnh nhân được bố trí truyền dịch kiểu ngồi với hàng trăm băng ghế, thiết kế như rạp chiếu phim.
Khi thanh tra đến máy móc đều được dán giấy chờ thẩm định. Ảnh: Bảo An.
Tuy nhiên, thanh tra ghi nhận các bệnh nhân đến truyền dịch chỉ được ghi tên và dung dịch truyền vào sổ tay, không hề có chỉ định của bác sĩ.
“Ví dụ trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Phương Thảo và Tường Thanh Trung (26 tuổi, thiếu địa chỉ) truyền dịch kháng sinh không có chỉ định của bác sĩ. Loại kháng sinh 2 bệnh nhân này truyền rất đắt tiền, chỉ bệnh viện tuyến thành phố mới có, đòi hỏi trước khi truyền phải được hội chẩn và chỉ định kỹ càng.” - một thành viên trong đoàn thanh tra cho biết.
Khi bị thanh tra chất vấn dồn dập, bác sĩ Phạm Tấn Vũ, chịu trách nhiệm quản lý khu truyền dịch lắc đầu ấp úng: “Không rõ..”. Còn ông Thọ, đại diện cơ sở trả lời: “Cái này người ta đem dịch đến nhờ truyền giúp thôi, ngay cả tôi cũng còn mua dịch rồi nhờ y tá về nhà truyền có sao đâu?”
Cơ sở chu đáo tới mức dán luôn giấy chờ thẩm định cho chiếc quạt máy. Ảnh: Bảo An.
Chức năng của phòng khám không được lưu bệnh quá 24 h nhưng qua hồ sơ bệnh án thanh tra nghi ngờ cơ sở này có lưu bệnh qua đêm. Cụ thể có bệnh nhân nội trú được ghi là nhập viện ngày 1/4 và xuất viện ngày 4/4.
Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện trường hợp bệnh nhân Trần Duy Cường nhập viện lúc 16 h ngày 8/4, được phẫu thuật trĩ ngoại thuyên tắc lúc 16 h 30 phút ngày 8/4. Như vậy vừa nhập viện là 30 phút, bệnh nhân đã bước lên bàn mổ ?
“Bệnh nhân không được làm xét nghiệm và hội chẩn, đây là điểm sai cơ bản về chuyên môn. Còn nếu làm thì chẳng nhẽ mổ xong mới tiến hành hay sao ?” – một thanh tra viên cho biết.
Phòng khám đa khoa Trung Nam có 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng nhưng tại thời điểm thanh tra chẳng thấy bác sĩ nào, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau mới thấy bác sĩ Vũ tới. Vị bác sĩ này chẳng nắm được tình hình gì, mọi thứ đều đổ lỗi do ghi chép sai, hoặc “tôi không rõ lắm”.
Thanh tra Sở Y tế đã đề nghị cơ sở che hết những tấm quảng cáo máy móc và không được sử dụng máy khi chưa có kết quả thẩm định, hẹn chủ cơ sở bổ sung hồ sơ pháp lý tại Sở Y tế để tiếp tục xử lý.
Bị niêm phong, vẫn mở cửa hoạt động ?
Như VietNamNet đã thông tin, trong mấy ngày qua, trên địa bàn TPHCM, đã có 4 phòng khám Trung Quốc được thanh tra Sở Y tế tới kiểm tra. Các phòng khám nói trên mắc phải các sai phạm chủ yếu như hoạt động vượt quá chức năng cho phép, có bác sĩ người nước ngoài khám, chữa bệnh nhưng chưa được phép của Bộ Y tế, quảng cáo sai sự thật…
Phòng truyền dịch của cơ sở Trung Nam. Ảnh: Bảo An.
Cùng ngày, P.V VietNamnet đã quay trở lại Cơ sở chẩn trị y học cổ truyền Đông Phương tại số 762 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình (cơ sở này vừa bị thanh tra Sở Y tế niêm phong một phần vì không có chức năng hoạt động về Tây y).
Tuy nhiên, hôm nay cơ sở Đông Phương vẫn mở cửa và hoạt động bình thường. PV ghi nhận có một bệnh nhân tên K. tới khám bệnh, được bảo vệ đưa vào trong.
Khi chị K. trở ra cho biết mình một người phụ nữ tên Phấn đón tiếp mình. Chị K. trình bày muốn khám bệnh mồ hôi tay chân nên tìm đến chữa theo lối Đông y thì bà Phấn bảo cơ sở này chỉ chuyên về mổ trĩ và tai mũi họng. Chị K. ngỏ ý muốn đưa con đến khám tai mũi họng thì bà Phấn đã lưu lại tên và số điện thoại của chị, đồng thời cho chị K. số điện thoại của mình. Bà Phấn nói bác sĩ có việc bận đi vắng, khi nào bác sĩ về, bà sẽ chủ động gọi điện thoại để chị K. mang con đến.
Điều này chứng tỏ các phòng khám sai phạm sau khi bị thanh tra sờ gáy chỉ tạm nằm im chờ thời, vẫn lén lút hẹn bệnh.
Sự chuẩn bị kỹ càng của Phòng khám đa khoa Trung Nam để đối phó với thanh tra cho thấy, đã có hiện tượng “bứt dây, động rừng”. Nếu tiếp tục thực hiện thanh tra, kết quả thu được chắc chắn sẽ rất hình thức và thiếu chính xác.
Bảo An