- Để lấy được “món nợ khó đòi”, nhiều chủ nợ và những tay đòi nợ thuê không ngần ngại dùng “luật rừng” để xử nạn nhân. Chúng sẵn sàng bắt cóc, đánh đập thậm chí là xả súng, hành hung con nợ…phớt lờ sự bức xúc dư luận và coi thường pháp luật.

Chiều ngày 14/12, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt khẩn cấp Đỗ Xuân Hùng, tức Hùng “máu” ở TP Thanh Hóa, một trong những ông trùm tín dụng đen ở xứ Thanh.

Hùng “máu” chỉ là một trong số nhiều đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi hiện nay. Trước đó, hàng loạt vụ án xuất phát từ các món nợ khó đòi đã khiến dư luận hết sức lo lắng, bất bình.

Khủng bố bằng “bom bẩn”

Hơn 3 năm qua, gia đình ông Đào Văn Đức (70 tuổi) ở P.Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội luôn phải sống chung với mùi hôi, thối nồng nặc.

Các đối tượng xấu dùng mắm tôm, dầu luyn, xỉ than, thậm chí cả phân người…liên tục ném vào tận trong phòng làm toàn bộ căn nhà ông Đức bị ô nhiễm trầm trọng.

Đang đêm gia đình ông Đức phải dậy rửa nhà vì vừa dính "bom bẩn" - (Ảnh: VietNamNet)

Sau đó, những đối tượng này còn đập phá chuông nhà, khóa trái cửa khiến gia đình ông phải nhờ đến lực lượng 113 phá khóa.

Được biết, nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ món nợ 200 triệu đồng của con trai ông Đức vay một số đối tượng nhưng nhiều năm nay chưa trả được.

Cũng như gia đình ông Đức, nhà anh Hà Ngọc Long (SN 1964), ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng bị kẻ xấu đổ chất bẩn như nhựa đường, mắm tôm, phân… vào nhà.

Phòng thờ của bố mẹ anh Long gần đó cũng bị gài chất nổ làm hư hỏng cửa ra vào. Đây không phải là lần đầu tiên gia đình này bị tấn công bằng “bom bẩn”.

Được biết, trước đó, em gái của anh Long vay tiền của đối tượng Nguyễn Đình Thụy (SN 1987), trú tại Hà Đông, Hà Nội. Sau đó, em gái của anh Long không còn khả năng thanh toán đã bỏ trốn.

Thấy vậy, Thụy đã lên kế hoạch gây sức ép với anh Long, buộc em của anh phải “xuất đầu lộ diện”.

Không chỉ khủng bố bằng bom bẩn, các nhóm đòi nợ thuê còn có những “chiêu độc” đủ làm các “con nợ” phải rùng mình, sợ hãi.

Để thúc giục anh D. ở Đan Phượng, Hà Nội trả tiền, Khúc Văn Việt (SN 1977) trú tại xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội còn mang cả tiểu sành, vòng hoa đám ma, nước thải để ở cửa nhà "con nợ".

Vòng hoa và tiểu sành (ảnh nhỏ)  đối tượng Việt đã gửi đến nhà anh D. để thúc nợ - (Ảnh: An ninh thủ đô)

 

Sau đó, Việt tiếp tục gọi điện thoại đe dọa Dũng "nếu không mang tiền đến trả thì sẽ ném lựu đạn cho nổ tung nhà”.

Được biết, Việt là đối tượng đòi nợ thuê, từ tháng 8/2012 đối tượng này đã nhiều lần đến nhà anh D. để đòi tiền cho đến khi bị cơ quan công an tạm giữ vào tháng 10/2012.

Bắt cóc, hành hung để “siết nợ”

Những chiêu trò của các đối tượng đòi nợ thuê luôn làm các con nợ phải thất kinh. Bởi, không chỉ dừng lại ở các hành vi quấy rối cuộc sống người dân mà những đối tượng này còn sẵn sàng gây thương tích thậm chí là bắt cóc, đánh đập nạn nhân nhằm lấy được tiền nợ một cách nhanh chóng nhất.

Chị Lan (ở phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là nạn nhân của một vụ đòi nợ thuê đáng sợ.

Được biết, con trai chị là Hoàng Đăng Nam (22 tuổi) nhiều lần vay nặng lãi để ăn tiêu khiến làm gia đình bao phen khốn đốn, chạy vạy để trả nợ thay.

Gần đây, Nam nhờ Phạm Việt Hưng (28 tuổi) vay mượn giúp 20 triệu đồng. Không có tiền trả, Nam luôn bị chủ nợ gọi điện thoại thúc ép.

Ngày 2/12, Hưng đến nhà chị Lan để tiếp tục đòi nợ. Sau một lát đôi co, bất ngờ Hưng cầm một chiếc ruột phích bên trong nhét áo phông tẩm đầy xăng ném về phía chị.

Ngọn lửa bùng lên cao hơn 2 mét, thiêu cháy quần và áo khoác của chị Lan khiến người phụ nữ này la thất thanh kêu cứu. Hậu quả là người mẹ khốn khổ đã phải chịu đau đớn vì đôi chân bỏng nặng.

Chiêu thức đòi nợ phổ biến nhất của các chủ nợ là tiến hành bắt cóc con tin ép gia đình nạn nhân phải trả nợ thay. Để “thuyết phục” gia đình bị hại, các chủ nợ sẵn sàng hành hung, đánh đập con nợ không tiếc tay.

Đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Tú (SN 1988, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có vay của Nguyễn Hoài Nam (SN 1985, ở Tiền Hải, Thái Bình) 150 triệu đồng. Do Tú không trả tiền như đã hẹn nên chiều 7/12, Nam mượn xe ô tô rồi cùng đồng bọn bắt cóc anh Tú để buộc gia đình nam thanh niên này phải “chạy” tiền.

 

Đối tượng Đỗ Hoài Nam (ảnh phải) và đồn bọn (Ảnh: Công an TP HCM)

 

Nam và đồng bọn đã đánh đập anh Tú đồng thời hắn còn cố tình bật loa ngoài để cho gia đình “con nợ” nghe thấy tiếng con mình đang bị đánh đập nhằm tạo sức ép bắt gia đình nạn nhân trả nợ thay.

Nợ hơn 700 triệu đồng, 1 giám đốc 44 tuổi ở Hải Phòng còn bị nhóm giang hồ đất Cảng bắt giữ, đánh đập rồi lấy tông đơ gọt đầu thành… 3 chỏm hình trái đào. Chúng còn chụp ảnh, dọa sẽ tung lên mạng nếu không chịu trả nợ.

Vị giám đốc này là ông Hoàng Văn Bình (SN 1968, Giám đốc nhà máy nước Tân Phong (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông Bình có vay nợ của bà Hoàng Thị Bình (SN 1976, ở xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy) trên 700 triệu đồng nhưng khất nợ nhiều lần chưa trả.

Đến 8 giờ ngày 30/11/2012, khi nhóm giang hồ đòi nợ thuê đang giam giữ ông Bình tại 1 khách sạn để chờ gia đình mang tiền đến trả nợ thì lực lượng Công an đã vào giải thoát cho nạn nhân.

Nói chuyện bằng “hàng nóng”

Hành vi đòi nợ của các đối tượng côn đồ không đơn giản là đe dọa mà còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Gia đình ông Nguyễn Văn Năng (ở xã Phú Diễn, Từ Liêm) cũng đã phải hứng đạn khi đang ăn cơm vì món nợ của con trai. Sau loạt đạn từ nhiều phía, 3 người đã bị thương trong đó có con dâu ông Năng đang mang thai.

Theo ông Năng, con trai ông vay của 1 nhóm thanh niên 50 triệu đồng. Vì chậm thanh toán tiền nợ, ngày 10/7/2012, các đối tượng trên đã đến nhà ông Năm “xả súng” uy hiếp con nợ. Hơn một tháng sau, thủ phạm Nguyễn Văn Tùng (24 tuổi), Đào Văn Tuấn (22 tuổi) cùng 4 người khác đã bị bắt giữ.

Từ những vụ án trên, dư luận phải thắc mắc nguyên nhân nào khiến những vụ án liên quan đến việc đòi nợ ngày càng gia tăng? Được biết, trong một lần bị bắt, Nguyễn Thị Kim Yến (43 tuổi, ngụ ở Bình Tân, TP.HCM) là đối tượng cho vay nặng lãi, giải thích: "Khi vay tiền họ nói ngon nói ngọt lắm, vậy mà mới có mấy ngày đã bỏ trốn, không xử đẹp thì làm sao họ trả".

Một số ý kiến cũng đồng tình khi cho rằng, trong những vụ án này lỗi một phần xuất phát từ phía nạn nhân. Nếu như các nạn nhân không chấp nhận vay nặng lãi thì họ đã không phải chịu sự hành hạ của các chủ nợ.

Bên cạnh đó, những người chủ nợ khác tuy không phải cho vay chuyên nghiệp nhưng vì tiếc của khi bị quỵt nợ cũng đã liều mình bỏ tiền, thuê giang hồ đòi nợ. Tuy nhiên, khi dùng "luật rừng" để "trị" con nợ, chủ nợ cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi vừa mất tiền lại vừa phải đối mặt vào vòng lao lý.

L.Lan (Tổng hợp)