Thói nghiện rượu không chừa bất cứ ai, kể cả các chính trị gia đang lên "như diều
gặp gió". Rượu cũng là tác nhân khiến không ít các quan chức cấp cao ở nhiều nước
phải từ giã sự nghiệp mà họ phải tốn bao công sức mới gây dựng được.
TIN BÀI KHÁC:
Tướng Ralph Baker
Một trong những vụ đình đám gần đây nhất thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới là Thiếu tướng Lục quân thuộc Bộ Chỉ huy Mỹ ở châu Phi bị cách chức vì những tố giác liên quan đến rượu và tình dục hồi đầu tháng 4.
Thiếu tướng Ralph Baker, Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp đặc nhiệm Sừng châu Phi (Horn of Africa) bị giải nhiệm và bị trừ một phần tiền lương theo lệnh của Tướng Carter Ham, tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi vì tướng Ham không còn tin tưởng vào khả năng chỉ huy của tướng Baker nữa.
Từ lâu, nước Mỹ đã chứng kiến rất nhiều chính trị gia hoặc tướng lĩnh quân đội bị "ngã ngựa" vì rượu.
Năm 1989, Thượng nghị sĩ John Tower (Texas) không được Thượng viện phê chuẩn cho giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ vì rượu.
Tower bị nhà hoạt động Paul Weyrick chứng thực "không đạt tiêu chuẩn về đạo đức" để phục vụ trên cương vị lãnh đạo Lầu Năm Góc vì quá nghiện rượu và mê gái. Trong nỗ lực cai nghiện, ông Tower công khai cam kết sẽ từ rượu nếu được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng song vẫn bị từ chối với tỷ lệ phiếu 53/47.
Vào năm 1980, cựu nghị sĩ Cộng hòa Robert Bauuman của Maryland cũng dính vào một bê bối tình dục mà ông này đổ lỗi do bia rượu. Kết quả là ứng viên này đã bị đánh bại bởi đối thủ Cộng hòa Roy Dyson cùng năm.
Năm 1995, Thượng nghị sĩ Bob Packwood của Đảng Cộng hòa ở bang Oregon cũng buộc
phải từ chức do uống quá chén mà nổi "máu dê" với một số phụ nữ.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết ông đã học được nhiều từ những sai lầm của mình.
Ngay cả Tổng thống George Bush cũng bị "tố" là từng bị bắt vì lái xe trong lúc say rượu hồi năm 1976. Khi chuyện này bị khui ra trong chiến dịch tranh cử của ông, Bush thừa nhận ông đã dính vào nhiều vấn đề liên quan đến rượu song ông đã đứng dậy được bằng chính đôi chân của mình.
"Tôi đã phạm phải nhiều sai lầm trong đời, nhưng tôi tự hào nói với các bạn rằng tôi đã rút ra được bài học từ những sai lầm đó", ông Bush nhấn mạnh.
Không chỉ ở Mỹ, nạn rượu chè còn khá phổ biến trong giới chính khách ở nhiều nước.
Nhật báo Chosun của Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái đưa tin chính quyền Bình
Nhưỡng đã tử hình Thứ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang Triều Tiên Kim Chol cùng
một số sỹ quan cấp cao trong quân đội nước này vì đã uống rượu trong thời gian
để tang cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Shoichi Nakagawa khi còn làm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản.
Nhật Bản hồi năm 2009 cũng từng chứng kiến Bộ trưởng Tài chính Shoichi Nakagawa
phải từ chức vì bị dư luận lên án là xuất hiện tại hội nghị G7 ở Rome trong tình
trạng say xỉn. Nakagawa nói rằng ông bị như vậy là do uống thuốc trị cúm song
cũng thừa nhận đã uống rượu trước khi gặp gỡ báo chí.
Còn ở Anh, cựu Ngoại trưởng George Brown hồi thập niên 1960 cũng là một đệ tử lưu linh. Tâm trạng chán nản do bị mất mặt cộng với hơi men đã khiến chính khách này thường xuyên phản ứng tiêu cực và chửi rủa người khác. Sau khi từ chức, Brown trở nên nổi tiếng hơn trong vai trò một kẻ nghiện rượu.
Charles Kennedy, sinh năm 1959 tại Scotland, từng là nghị sĩ trẻ nhất của Hạ viện Anh (23 tuổi). Tuy nhiên, những lời đồn đại về tật say sưa của ông lan truyền rộng rãi và sự nghiệp chính trị của ông tiêu tan khi chính trị gia này buộc phải thừa nhận từng điều trị chứng nghiện rượu.
Thanh Hảo (Tổng hợp)