- Nhiều phim bị giới phê bình đập cho cho lên bờ xuống ruộng hay giành vô khối giải mâm xôi cho phim dở tệ vẫn thu bộn tiền.

Vừa ăn khách vừa chiều lòng giới phê bình

Xưa nay chuyện một bộ phim được giới phê bình tán tụng và giành hàng chục giải thưởng điện ảnh danh giá nhưng ế khách vẫn xảy ra. Chuyện một bộ phim kinh phí thấp thu hàng trăm triệu đô la không còn là mới. Và chuyện một bộ phim bị giới phê bình chê ỏng chê eo vẫn kéo khán giả ùn ùn đến rạp vẫn diễn ra.

Trên thực tế, có những bộ phim vừa được khen ngợi về mặt nghệ thuật lại vừa ăn khách. Đó là trường hợp của Avatar (2009) và Titanic (1997) đều của đạo diễn James Cameron, những bộ phim được xếp vào hàng bom tấn với doanh thu trên 200 triệu đô la. Đây cũng là hai cái tên đang nắm hai vị trí đầu trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất mọi thời với doanh thu lần lượt là 2,78 tỉ đô la và 1,84 tỉ đô la.

Cảnh trong phim "Avatar"

Cả Avatar và Titanic đều được giới phê bình cho điểm A, 1 phim giành 3 giải Oscar, phim còn lại đã được trao 11 tượng vàng danh giá. Avatar không chỉ là bộ phim mở ra kỷ nguyên mới trong công nghệ làm phim 3D của Hollywood với đột phá về mặt hình ảnh và kỹ xảo mà còn là tác phẩm điện ảnh riêng lẻ ăn khách nhất từ trước đến nay.

Ngoài James Cameron, Hollywood gần đây nổi lên cái tên Christopher Nolan. Một đạo diễn trên 40 tuổi nhưng liên tiếp cho ra những bộ phim do anh viết kịch bản vừa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, vừa có doanh thu cao ngất ngưởng. Năm 2008 là 'The Dark Knight', bộ phim được giới phê bình cho điểm A, giành 2 tượng vàng Oscar cho Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất đồng thời thu 1 tỉ đô la trên toàn cầu. Năm 2010, Nolan lại gây chú ý với bộ phim bom tấn hoành tráng khác là Inception. Không chỉ giành 4 tượng vàng Oscar 2011, Inception còn thu về hơn 800 triệu đô la. 

Cảnh trong phim "Inception"

Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng đứng vững cả hai chân: nghệ thuật và doanh thu. Thường thì mỗi bộ phim chỉ làm tốt được một vế. Đạo diễn "Salt", Philipe Noyce nói nguyên tắc làm phim của ông là: "Làm sao để người ta xem phim mình, dù phim đó có ngân sách lớn hay nhỏ". Và đa phần các bộ phim thương mại của Hollywood đều chỉ quan tâm đến chuyện bán vé bất kể giới phê bình nói gì hay giá trị nghệ thuật bị đánh điểm 0.

Bị "đập" tơi tả vẫn đắt hàng

Theo thống kê của trang boxofficemojo, 3 bộ phim dẫn đầu doanh thu của năm 2011 tại Bắc Mỹ tính đến thời điểm này là Transformers: Dark of the Moon, The Hangover Part II và Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides. Và cả ba phim này đều được giới phê bình cho điểm C.

Cảnh trong phim "Titanic"

Với series phim Transformers, nếu như phần 1 được giới phê bình cho điểm B thì 2 phần sau phim đều nhận được đánh giá chung là điểm C. Tuy nhiên, điều này dường như không hề ảnh hưởng đến chuyện bán vé của Transformers. Bằng chứng là phần 3 dù có bị các cây viết lớn chê tơi tả trên các trang báo chính thống thì nó vẫn thu về tới gần 800 triệu đô la sau gần 1 tháng công chiếu (29/6). 

"Cướp biển Caribbean 4" cũng vậy. Công chiếu từ tháng 5, Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides đã cán mốc tỉ đô la doanh thu dù chỉ được giới phê bình chấm điểm C. Cũng giống như Transformers 3, Pirates of the Caribbean là tập đầu tiên được làm với công nghệ 3D nhưng điều đó cũng không giúp cho bộ phim tăng giá trị về mặt nghệ thuật. Tuy vậy, phớt lờ mọi nhận xét cay nghiệt của giới phê bình, khán giả vẫn móc hầu bao mua vé vào xem phim.

Cảnh trong phim "Twilight"

Tương tự với series phim Chạng vạng (Twilight Saga). Cả ba phần đã phát hành đều được nhận điểm C của giới phê bình. Các diễn viên chính thì liên tục có mặt trong danh sách đề cử giải mâm xôi vàng cho những vai diễn dở tệ. Mặc dù vậy, Twilight Saga vẫn đắt khách không ngờ. Kinh phí cho cả 3 phần (Twilight, New Moon, Eclipse) chỉ vỏn vẹn 155 triệu đô la nhưng đến nay nó đã mang về cho Summit, một hãng phim vô danh trước đó, tới gần 1,8 tỉ đô la trên toàn cầu. Cộng với 2 phần của tập cuối Breaking Dawn sẽ lần lượt ra mắt vào tháng 11/2011 và tháng 11/2012, doanh thu của series phim này chắc chắn sẽ còn cao ngất.   

Không chỉ có người xem mà chính các hãng phim cũng đang phớt lờ giới phê bình. Hãng Paramount đã từng quyết định đưa bộ phim "G.I. Joe: The Rise of Cobra" ra rạp mà không cần chiếu ra mắt báo giới cũng như giới phê bình trước như thông lệ. Bởi họ biết, nếu chiếu ra mắt thì cũng sẽ nhận được những lời bình chẳng ra hay ho gì. Paramount nói rằng sở dĩ họ làm vậy là vì không muốn phải nhận những lời chỉ trích bất lợi như Transformers 2 đã gặp phải trước đó. Do vậy, chiến lược hút khách vẫn là quảng bá cho bộ phim thật hoành tráng để kéo người xem đến rạp.


Cảnh trong phim "The Dark Knight"
Số đông khán giả đang ngày càng ít để ý đến quan điểm của giới phê bình và độc lập hơn trong việc bỏ tiền mua vé xem phim.

Hạnh Phương