Theo chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đến năm 2015 phải có hàng ngàn ngôi trường an toàn, hàng triệu ngôi nhà an toàn; 50% trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% trẻ em lứa tuổi THCS biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối...
Mới đây, rủ nhau ra sông chụp hình nhân bế giảng năm học, 3 nữ sinh ở tỉnh Quảng Ngãi bị chết đuối thương tâm. Chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, đã có hàng chục vụ chết đuối trên cả nước.
Dồn dập tai nạn
Tại tỉnh Quảng Trị, trước đó không lâu, đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 5 trẻ tử vong. Cả nhóm 5 em rủ nhau ra sông tắm, đến tối, người thân phát hiện chỉ thấy dép còn lại trên bờ. Gần đây, tại các tỉnh khác như Thái Bình, Thanh Hóa, An Giang… đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước. Đa số nạn nhân là học sinh, ra sông tắm vào ngày hè, thiếu sự giám sát của người lớn.
Tại TP.HCM, một bé trai 6 tuổi học lớp lá ở một trường mầm non tại quận 9 trong lúc được dẫn đi tham quan thì tử vong do không may bị cánh cửa bê-tông nơi tham quan đổ sập, đè trúng. Hay như trò chơi lái xe dành cho trẻ em tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến một bé gái bị dập tụy, phải đưa vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 cấp cứu...
Khoa cấp cứu của các bệnh viện nhi thường tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn. |
Gần đây, các BV thường xuyên tiếp nhận cấp cứu không ít trẻ em bị tai nạn. Ca mới nhất vừa được BV Nhi Đồng 1 cấp cứu là bé gái 14 tuổi, thủng hóc mắt do bị bạn học dùng bút đâm. Được phẫu thuật thành công song trước đó, các bác sĩ Trần Châu Thái (Trưởng Đơn vị Mắt) và Bạch Thiên Phương (Khoa Tai Mũi Họng) đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều về tương lai của bé gái nếu phải bỏ đi một mắt. May mắn là dị vật không làm tổn thương nhãn cầu, các bác sĩ đã giữ lại được “cửa sổ tâm hồn” cho bệnh nhân này.
Một trường hợp khác: Bé 5 tuổi, ngụ Tiền Giang, bị thủng hậu môn do cọc tre đâm phải trong lúc chơi xích đu. Bé được mổ cấp cứu, khâu vết thương trực tràng, làm hậu môn nhân tạo tạm thời trong khi chờ vết thương trực tràng lành trở lại.
Cách đó không lâu, tại BV Nhi Đồng 2 cũng đã diễn ra ca phẫu thuật cấp cứu cho một bé trai 6 tháng tuổi bị chị gái của mình dùng súng săn tự chế bắn vào đầu…
Phút chủ quan, ngàn ân hận
Theo các bác sĩ cấp cứu, có vô vàn tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ nhưng thường dồn dập rơi vào những ngày hè. Những tai nạn dễ gặp nhất là chết đuối, bị côn trùng đốt, rắn cắn, chấn thương do té ngã, ngộ độc, phỏng lửa, nước sôi, điện giật, sét đánh.
Kết quả khảo sát về tai nạn thương tích cho thấy mỗi năm nước ta có khoảng 35.000 người tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 8.000 trẻ em trong độ tuổi từ 0-18. Chết đuối là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất. Chỉ riêng BV Nhi Đồng 1 mỗi năm tiếp nhận cấp cứu cho khoảng 1.200 trẻ bị tai nạn. Điều đáng nói là tai nạn xảy ra ở trẻ là do sự bất cẩn của người lớn.
Đưa ra mô hình “Ngôi nhà an toàn”, Tổ chức Bảo vệ quyền trẻ em thế giới tại Việt Nam (UNICEF) khuyên người lớn hãy luôn để mắt đến trẻ nhỏ. Những vị trí và vật dụng dễ gây tai nạn là: giếng, bể nước, bếp lửa, các vật dễ cháy nổ (gas, xăng, cồn, đèn, diêm...), ổ điện, các vật sắc nhọn, tủ thuốc gia đình, dụng cụ đựng hóa chất…
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi Đồng 1, cảnh báo mùa hè thường xảy ra nhiều tai nạn ở trẻ. Để tránh những tai nạn đau lòng, người lớn cần quan tâm chăm sóc và giám sát chặt chẽ con em, tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ. Không cho trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm như bếp lửa, bếp gas; không cho sờ nắm những vật sắc nhọn, hóa chất, bếp điện… “Trẻ bị nạn có thể cứu sống được nhưng một số trường hợp để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sống và tương lai của trẻ sau này” - bác sĩ Tiến lưu ý.
Những mục tiêu vì trẻ em Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 gồm có: giảm tỉ lệ trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích từ 20,8/100.000 xuống dưới 19/100.000 trẻ em; 3 triệu ngôi nhà có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 5.000 trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn”; 200 xã, phường đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn”; giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010; ít nhất 50% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% số trẻ em lứa tuổi THCS biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối; ít nhất 70% số trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% số bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn; 100% số bến vận chuyển khách ngang sông, bến tàu được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn... |