Tháng 5/2018, cảnh sát Thái Lan đã đột kích 4 ngôi chùa và bắt giữ một số nhà sư cùng các tín đồ cầm đầu. Đây có thể nói là hoạt động lớn nhất năm 2018 nhằm thẳng tay nghiêm trị các giao dịch tài chính bất hợp pháp ở nhiều ngôi chùa của đất nước này.

Các cuộc đột kích là nỗ lực của chính quyền Thái Lan nhằm làm thanh sạch giới Phật giáo - tôn giáo được hơn 90% người dân của đất nước 69 triệu dân đi theo. Tuy nhiên, uy tín của đạo Phật đã bị làm hoen ố bởi những bê bối liên quan đến tình dục và tiền bạc của các nhà sư nước này.

{keywords}
Phra Phrom Dilok, 72 tuổi, một thành viên của cơ quan cao cấp nhất quản lý các nhà sư Thái Lan đang được cảnh sát dẫn tới trụ sở Phòng Cảnh sát chống tội phạm ở Bangkok ngày 24/5/2018. Ảnh: Reuters

Hơn 100 cảnh sát đã đột kích vào 4 ngôi chùa ở thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Pathom vào sáng sớm một ngày tháng 5/2018.

Trong số những người bị bắt có Phra Buddha Issara, 62 tuổi, một nhà sư, nhà hoạt động cầm đầu các cuộc biểu tình đường phố vào năm 2014. 

'Phra Phrom Dilok, 72 tuổi, một thành viên của Hội đồng tối cao Tăng Già Thái Lan - cơ quan cao cấp nhất quản lý các nhà sư ở Thái Lan - cũng bị bắt trong chiến dịch này vì các cáo buộc biển thủ công quỹ của nhà chùa', cảnh sát cho hay.

2 nhà sư cấp cao khác - là Phra Sri Khunaporn và Phra Wichit Thammaporn, trợ lý trụ trì chùa Núi Vàng của Bangkok - cũng bị bắt vì những cáo buộc tham ô.

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan cho biết, những vụ bắt giữ này nhằm mục đích truy tìm chân tướng sự thật trong những cáo buộc trên.

Những ngôi chùa ở Thái Lan - nơi nhận được hàng tỷ đô la tiền công đức mỗi năm - còn liên quan tới các bê bối khác như tình dục, ma tuý, chi tiêu mờ ám.

Dưới áp lực của chính quyền, cơ quan quản lý các nhà sư Thái Lan đã nỗ lực chấn chỉnh lại nhân sự của mình từ năm 2017 bằng cách thi hành kỷ luật cứng rắn hơn với hơn 300.000 nhà sư đang tu hành trong nước. 

Trước đó, tháng 9/2017, chính quyền Thái Lan cũng cáo buộc 4 nhà sư có liên quan đến một vụ tham ô làm chấn động đất nước Chùa Vàng.

Cảnh sát nghi ngờ rằng từ năm 2012 đến năm 2017, 4 nhà sư này - bao gồm 2 vị trụ trì và 2 vị trợ lý trụ trì - cùng với 15 đồng phạm khác đã chi dùng sai khoảng hơn 4,2 tỷ USD tiền công đức của 23 ngôi chùa bằng cách chuyển số tiền này vào tài khoản cá nhân của các quan chức nhà nước.

Các cơ quan chức trách đã đột kích 14 địa điểm để tìm kiếm bằng chứng củng cố cho các cáo buộc. Họ cũng phát hiện ra số vàng thỏi nặng khoảng 1,2kg, trị giá khoảng 52.818 USD tại nhà của một trong hai vị trụ trì.

Như một nỗ lực nhằm lấy lại sự thanh sạch cho giới Phật giáo Thái Lan, chính quyền   nước này từng lên kế hoạch giới thiệu một đạo luật yêu cầu hơn 40.000 ngôi chùa bắt buộc phải kê khai tài sản và hồ sơ tài chính của mình. Tuy nhiên, sau những phản đối mạnh mẽ từ giới tăng lữ, dự án này đã được rút lại và Pongporn, người khởi xướng giải pháp này, đã bị sa thải.

Theo truyền thống, các nhà sư rất được tôn trọng ở Thái Lan và việc chống lại họ từng bị coi là điều cấm kị trong lịch sử. Tuy nhiên, những bê bối gần đây đã buộc các nhà chức trách phải suy nghĩ lại về cách thức mà họ đang xử lý các cáo buộc chống lại các nhà lãnh đạo Phật giáo.

Bản án 114 năm tù cho nhà sư rửa tiền, lừa đảo phật tử

Bản án 114 năm tù cho nhà sư rửa tiền, lừa đảo phật tử

Toà án Thái Lan từng kết tội một nhà sư nước này 114 năm tù vì các tội danh lừa đảo, rửa tiền, gian lận.

Nguyễn Thảo (Theo Reuters, OCCRP)