Cống hiến những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở về quê hương khi đã “quá lứa nhỡ thì”, ốm đau triền miên… 15 nữ thanh niên xung phong của Thái Bình đã nương nhờ cửa Phật, sống cuộc sống của một người tu hành trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Duyên số

Ở cái tuổi gần 70, sức khỏe yếu đi nhiều vì nhưng hễ cứ đi viện về, sư thầy Thích Đàm Phương lại tụng kinh, niệm phật để cầu mong cho linh hồn các đồng đội của mình được siêu thoát.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vũ Thư – Thái Bình, tham gia TNXP năm 1965, khi mới 17 tuổi, đến năm 1972 khi vừa tròn 24 tuổi thì buộc phải trở về địa phương vì sức khỏe suy giảm 3/4, mái tóc chỉ còn được vài sợi lơ thơ vì sốt rét biết bao lần giữa đại ngàn Trường Sơn, cô TNXP năm ấy chưa một lần nghĩ đến hạnh phúc riêng tư bởi trong tâm trí cô lúc ấy chỉ đau đáu một điều duy nhất là dù trở về hậu phương nhưng phải tiếp tục làm gì đó để giúp sức cho miền Nam bởi chiến tranh lúc ấy đang ác liệt quá. Cũng vì lẽ ấy mà suốt 13 năm sau khi trở về từ chiến trường cô TNXP ấy đã tiếp tục tham gia công tác tại xã với cương vị bí thư đoàn thanh niên kiên kỹ thuật viên giống cây trồng.

Chủ tịch Hội TNXP Thái Bình  thay mặt một tác giả ở Plieku gửi tặng sư thầy Thích Đàm Phương bài thơ “Giọt hồng”.

Thời gian thấm thoắt trôi, cô bí thư đoàn thanh niên xã Vũ Hội ngày nào đã đến tuổi tứ tuần, thân hình xanh xao. Cô nhất định xin với mẹ đi tu dù mẹ phản đối bởi bà lo cô không đủ sức khỏe, cha mất sớm, các em cũng đều tham gia quân ngũ cả, rồi mai đây ai sẽ gánh vác việc gia đình. Chắc hẳn có nhiều lý do để cô TNXP ngày ấy tìm đến cửa Phật nhưng khi được hỏi về lý do thì sư thầy một mực nói rằng: “Tất cả là duyên số chú ạ”.

Sư thầy Thích Đàm Phương nhớ lại: “Tôi nói với mẹ rằng, con là con gái, nếu giả sử con không đi tu thì một mai đây nếu con xây dựng với ai đó thì cũng chẳng thể giúp gì được cho mẹ, ý nguyện của con là được trở thành người của nhà Phật, đấy cũng là cách để con báo hiếu mẹ. Nói mãi rồi mẹ tôi cũng phải đồng ý. Thế rồi tôi xin vào tu tại chùa Cau Đẻ - xã Vũ Hội - huyện Vũ Thư”.

Không chỉ gắn bó với ngôi chùa này mà bản thân sư thầy Thích Đàm Phương còn vận động xây dựng thêm 3 ngôi chùa nữa trên địa bàn tỉnh Thái Bình để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, có ngôi chùa mà bản thân sư thầy phải tự tay đóng từng viên gạch bởi kinh phí ít ỏi. 

Sư thầy Phương trao đổi về phật học với sư Thích Diệu Ngọc.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng sư thầy cũng sẵn sàng nhận và giúp đỡ những người có nhu cầu, nguyện vọng được vào đường tu và đến nay đã giúp đỡ được 3 người. Trong đó sư cô Thích Diệu Ngọc là người mà thầy tự hào nhất bởi hiện tại sư Ngọc đã tốt nghiệp cử nhân phật học loại giỏi và tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc học cao hơn. Sư Ngọc nói: “Sư thầy tôi là một nhà tu hành nhưng cũng là một người chiến sĩ. Điều mà tôi học được nhiều nhất từ sư thầy là tấm lòng vị tha, độ lượng, đã làm việc gì thù quyết tâm làm bằng được cho dù khó khăn đến mấy”.

Cùng đường thì đi tu

Chúng tôi muốn nói nhiều hơn đến Sư thầy Thích Diệu Đoán – Tiểu đội 3 – Đại đội 895 (Đội TNXP tỉnh Thái Bình) người trực tiếp tham gia vào trận đánh bi thương ở Ga Gôi – nơi tập kết hàng chi viện cho chiến trường vào ngày 20 tháng 8 năm 1966, 13 đồng đội của bà đã hi sinh trong gang tấc. Và cũng chính trận đánh ấy đã khiến bà bị nhiễm độc nặng, tai điếc, trái nắng trở trời thì lại lăn đùng ra đất, bọt mép sùi ra, chạy chữa mãi thì cũng chỉ đỡ chứ chẳng khỏi được.

Gần 50 năm đã trôi qua thế nhưng hễ cứ nói đến cái thời khắc đau thương ấy thì nước mắt lại trào ra. Thương mình một, bà thương đồng đội mười bởi chiến sĩ còn sống đến ngày hôm nay người thì không còn khả năng làm mẹ, người thì lấy chồng , lấy vợ sinh con nhưng con cái đứa thì dị dạng, đứa thì hóa điên, hóa dại, có đứa đến bốn năm chục tuổi đầu mà trí nhớ như trẻ lên ba.

Sư Đoán vừa khóc vừa nói: “16h chiều, cả đoàn tàu trúng bom, chúng tôi xông lên cứu hàng, toa đầu tiên là toa gạo, toa thứ 2 là toa đạn, toa thứ 3 toàn những cái chai rất đẹp, bên trong màu trắng như màu nước gạo ấy. Lúc bấy giờ không biết nó là thuốc sâu đâu, chỉ biết là phải vác các thùng đó lên vai. Nước ở trong những cái chai vỡ chảy ướt hết người, mùi nồng nặc. Một lúc, tôi thấy trời đất quay cuồng, ngất đi… Tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở bệnh viện”.

Sư thầy Thích Diệu Đoán và đồng đội nhớ lại trận đánh ở Ga Gôi khiến 13 đồng đội hi sinh.

Ít lâu sau bà được xuất viện. Mắt mờ. Tai ù nghe người ta nói thì phải nhìn miệng mới hiểu được. Năm 1969, bà không còn đủ sức phục vụ trong đội hình TNXP nữa và được chuyển ngành về bệnh viện ở Thái Bình. Bà nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở bệnh viện nhưng được 2 tháng thì mất vì một trận ốm. Tấm giấy khai sinh giờ bà vẫn còn giữ.

Ít lâu sau bà nhận được quyết định thôi việc vì chẳng lãnh đạo nào lại chấp nhận một nhân viên tai ù ù như bị điếc, thỉnh thoảng lại lên cơn ngã lăn đùng, bọt mép sùi ra. Người ta cho rằng bà giả vờ điên loạn. Bà đi bế con, làm ô sin nhà người ta nhưng rồi cũng phải bỏ vì ai dám giao con cho “bà điên” trông nom. Dân làng thì gọi bà là “Đoán điên”.

“Không nghề nghiệp, ốm đau, bệnh tật, người đời nhạo báng. Tôi đã khổ nhưng Đoán còn khổ hơn. Đoán khóc. Khóc nhiều lắm bởi mọi cánh cửa của cuộc đời đã khép lại. Lần nào Đoán đến gặp tôi là lần ấy y rằng có chuyện không hay xảy ra với Đoán, hai chị em lại ôm nhau khóc”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kiều – Tiểu đội trưởng Tiểu Đội 895 nhớ lại.

Bố mẹ thương con nhưng biết làm sao được, đành ngậm ngùi để nước mắt chảy vào trong và càng thương nữa khi con gái có lứa có thì. Bạn bè cùng trang lứa có chồng có con hết cả, rồi mai đây bố mẹ khuất núi, thân gái biết trông cậy vào ai.

Khi bố mẹ đã quy tiên, làm tròn chữ hiếu, bà đã làm đơn gửi Mặt trận Tổ quốc huyện Hưng Hà xin được nương nhờ một ngôi chùa nào đó trong huyện. Thế là bà được gửi vào chùa Văn. Lúc ấy sư thầy trụ trì tuổi đã cao lại ốm đau phải nằm liệt một chỗ. Mặc dù sức yếu nhưng bà cố gắng chăm nom thuốc thang cơm cháo hầu hạ người. Được 8 năm thì sư thầy viên tịch. Kể từ đó đến nay, sư Đoán ở lại và trông nom ngôi chùa.

18h30, mặt trời đỏ lự phía sau mái chùa cong cong. Mấy thửa ruộng sát nhà chùa, hai vợ chồng bác nông dân đang nhổ nốt đám mạ để kịp gieo cấy vụ mùa. Xa xa, đám trẻ mục đồng giục nhau dắt trâu về, mấy cột khói bếp mịt mùng hòa vào khói lam chiều. Trong nhà thờ Tổ, sư Đoán dù chưa khỏi hẳn sau trận ốm nhưng vẫn gượng dậy tụng kinh, niệm phật.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 29.700 TNXP trong đó có 15 nữ TNX quy y cửa phật. Nay tất cả đã ở cái tuổi 60, 70, sức khỏe sa sút ghê gớm nhưng nhiều người không hề được hưởng bất một chế độ nào. Mỗi con người là một số phận, mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, chỉ có một điểm chung duy nhất là họ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Hải Đăng