- Cách đây 3 năm, Bộ GD-ĐT đề nghị một số trường đại học trọng điểm xây dựng phương án tuyển sinh riêng, nhưng đến nay mới chỉ có ĐHQG Hà Nội dự kiến phương án sẽ thực hiện trong năm 2014.

Còn lại gần 20 đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ trong thời gian qua là của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Ngoài công lập muốn tự chủ

Những trường ĐH có phương án thi riêng gồm các trường: ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH CNTT Gia Định, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Bắc Hà…

Theo đề án gửi về Bộ, năm học 2014-2015 Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM (UEF) tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển.

Bộ tiêu chí xét tuyển UEF đưa ra bao gồm: Tiêu chí số 1 là điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ GD-ĐT chiếm tỉ trọng 40%, điểm tối đa 40. Tiêu chí số 2 là điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ trọng 30%, điểm tối đa là 30. Tiêu chí số 3 là kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ phổ thông trung học) chiếm tỉ trọng 30%, điểm tối đa là 30.

Đối với những thí sinh có điểm thi tuyển sinh dưới điểm sàn của Bộ nhưng trúng tuyển theo phương pháp xét tuyển của nhà trường sẽ được yêu cầu học dự bị 6 tháng sau đó vào học chính thức chương trình đào tạo. Trường mong muốn được tổ chức hai đợt xét tuyển mỗi năm. Đợt 1 từ ngày 15/7-30/9, đợt 2 từ ngày 1/10-31/1.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng đã đưa phương án không tổ chức thi tuyển mà tuyển sinh theo hình thức xét tuyển với các tiêu chí là kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ theo đề chung, điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp THPT, tổng điểm trung bình học tập năm học cuối cấp (lớp 12) của 3 môn học tương ứng với khối thi và ngành xét tuyển. Trường đưa ra cách tính cả trong trường hợp kết quả kỳ thi tuyển sinh theo “3 chung” không bằng điểm sàn của Bộ…

Các trường CĐ cũng khá hào hứng trong việc tự chủ tuyển sinh.

Trong số các trường CĐ mong muốn tuyển sinh riêng có CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM, CĐ ASEAN, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM…

Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM xây dựng căn cứ xét tuyển dựa trên hai tiêu chí là kết quả tham dự các kỳ thi quốc gia (điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức) và kết quả quá trình học tập 3 năm cuối cấp học phổ thông.

Ngoài ra sẽ phỏng vấn trực tiếp đối với những ngành nghề đào tạo có yêu cầu riêng. Phương thức tính điểm xét tuyển: Với kết quả dự thi các kỳ thi quốc gia được tính trong thưòi hạn 24 tháng đến thưòi điểm xét tuyển, tiêu chí này chiếm trọng số 60%. Kết quả học tập 3 năm THPT, lấy điểm bình quân 3 môn thuộc khối thi vào ngành xét tuyển, tiêu chí này chiếm trọng số 40%.

Trường cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung đối với đối tượng chưa đạt điểm sàn CĐ nhưng có kết quả học tập 3 năm THPT đạt điểm khá tốt, với tiêu chí xét tuyển như phương thức trên, tuyển từ điểm cao xuống thấp và không dưới điểm sàn CĐ…

Có “hài lòng” Bộ?

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL nhận xét: Hầu hết các phương án mà những trường NCL đưa ra đều dựa trên quan điểm tuyển sinh đa tiêu chí, vừa dựa vào các kỳ thi quốc gia (tuyển sinh và tốt nghiệp), vừa dựa vào học bạ của trường phổ thông, kèm một số tiêu chí khác như năng lực tư duy, kỹ năng mềm, tiếng Anh... Đây là xu thế tiến bộ đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, thay vì chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất như hiện nay.

Ba tiêu chí quan trọng mà hầu hết các trường đều sử dụng là: Kết quả của các kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp hoặc tuyển sinh hoặc cả hai); Học bạ THPT của thí sinh (lớp 10, 11, 12 hoặc chỉ năm cuối). Và các yếu tố liên quan đến tác phong, đạo đức, và kỹ năng (tư duy, kỹ năng mềm, tiếng Anh…) của thí sinh.

"Cách làm này cho phép đánh giá thí sinh một cách toàn diện, vừa đánh giá được khả năng tối đa của thí sinh thể hiện qua các kỳ thi quan trọng, vừa đánh giá được sự nỗ lực bền bỉ của thí sinh trong suốt thời gian học trung học, đồng thời không chỉ chú trọng kiến thức hàn lâm mà còn chú trọng về tác phong, đạo đức và kỹ năng của thí sinh" - GS Quân quả quyết.

Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga mới cho biết, Bộ sẽ ban hành các tiêu chí, điều kiện cụ thể trong tuyển sinh, sẽ có quy định cứng về tỷ lệ giảng viên cơ hữu của các trường tham gia ra đề trong tổng số người của ban ra đề thi… Bộ khuyến khích các ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, những cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ sớm đề xuất phương án tuyển sinh riêng, làm đầu tàu cho đổi mới tuyển sinh trong cả nước.

Nhận xét về quan điểm, dự kiến này của Bộ, một thành viên của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng đây là cách trì hoãn, “làm khó” việc tuyển sinh của các trường có nguyện vọng tuyển riêng. Và có thể thấy, cơ hội cho tuyển sinh riêng ở của các trường NCL vẫn khá… mong manh.

  • Chi Mai