Sau 3 năm tương đối yên bình, Thái Lan lại đối mặt với làn sóng biểu tình rầm rộ. Dưới đây là những yếu tố chính đứng sau tình hình bất ổn hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á này.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Điều gì khiến biểu tình nổ ra?

Các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 11 sau khi Hạ viện Thái Lan thông qua một dự luật ân xá mà những người chỉ trích cho rằng nó có thể cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước an toàn.

{keywords}

Thaksin, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất ở Thái Lan, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Ông hiện đang sống lưu vong song vẫn được nhiều cử tri nông thôn ở trong nước yêu quý.

Dự luật ân xá, do em gái của ông Thaksin là nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề xuất, rốt cuộc đã bị Thượng viện Thái Lan phủ quyết. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn.

Ai tham gia biểu tình?

Người biểu tình tập hợp bởi cùng quan điểm phản đối Thaksin và niềm tin rằng ông này giật dây chính phủ của Đảng Pheu Thai cầm quyền.

{keywords}

Các cuộc tuần hành hiện nay diễn ra dưới sự dẫn dắt của Suthep Thaugsuban, cựu phó Thủ tướng Thái Lan, người đã ra khỏi Đảng Dân chủ đối lập để lãnh đạo biểu tình.

Người biểu tình có xu hướng gồm các cử tri thành thị và trung lưu.

Khoảng 100.000 người đã tuần hành ở Bangkok trong ngày 24/11 và số người tham gia giảm dần trong những ngày sau đó. Các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa trong tuần đầu song thương vong đã xảy ra khi bạo lực bùng phát gần một cuộc biểu dương lực lượng của phe Áo đỏ ủng hộ chính phủ hôm 30/11. 4 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Người biểu tình muốn gì?

Những người phản đối chính phủ bao vây và chiếm giữ nhiều tòa nhà chính phủ trong nỗ lực làm gián đoạn hoạt động của các nhà chức trách, đồng thời gây sức ép đòi đảng Pheu Thai từ chức.

{keywords}

Suthep và những người ủng hộ ông này tuyên bố họ muốn xóa sổ "bộ máy chính trị của Thaksin" và thiết lập một "hội đồng nhân dân" để chọn lựa các lãnh đạo cho đất nước.

Họ cáo buộc chính phủ "mua phiếu bầu" trong cuộc bầu cử gần đây nhất thông qua các cam kết chi tiêu vô trách nhiệm.

Điều gì sẽ xảy ra?

Người biểu tình thề sẽ tiếp tục tuần hành trên đường phố. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình hình hiện nay sẽ đi đến đâu.

{keywords}

Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck vẫn nhận được sự ủng hộ lớn, đặc biệt là từ các cử tri nông thôn. Pheu Thai cũng nắm đa số tại Hạ viện, nơi bà Yingluck vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà phe đối lập đề xuất hôm 28/11.

Đảng này được cho là sẽ chiến thắng nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, mặc dù Yingluck khẳng định bà không có ý định tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm để giải quyết khủng hoảng.

Yingluck cũng nhấn mạnh bà không cho phép sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.

Có tin cho rằng người biểu tình sẽ phải giải tán trước ngày 5/12, khi Thái Lan mừng sinh nhật Nhà Vua.

Biểu tình tác động thế nào?

Thủ tướng Yingluck cảnh báo biểu tình thêm nữa có thể sẽ khiến nền kinh tế Thái Lan suy yếu.

{keywords}

Các cuộc biểu tình năm 2008 và 2010 đã khiến kinh tế Thái Lan ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các ngành du lịch và kinh doanh.

Hiện chưa rõ làn sóng biểu tình lần này có tác động như thế nào. Tuy nhiên, một số nước đã khuyến cáo công dân của họ cẩn trọng khi du lịch tới Thái Lan.

Thanh Hảo (Theo BBC)