Có người chuyên bôi mắm lên mũi vớt xác, cứu người; có người 24 năm tự tay xây nhà; có người 80 năm không mặc áo... Đó là những dị nhân có 1 không 2 ở Việt Nam.


"Dị nhân" chuyên bôi mắm lên mũi vớt xác, cứu người

Để tiếp cận những thi thể thối rữa, nồng nặc mùi tử khí, gã bôi mắm lên mũi, nhúng đầy luôn cả khẩu trang. Thế là dân làng gắn cho gã biệt danh: Tây “mắm”. Còn tên đầy đủ của gã là Lê Hữu Tây, ngụ tại thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế.

Gã cũng không nhớ nổi số xác chết trôi vào bờ đã gặp, áng chừng khoảng 50 hay 60 mạng người. Năm nay gã 53 tuổi, nhưng đụng phải xác chết đầu tiên vào năm 24 tuổi. Lần ấy, mải nhậu với đám bạn, gã sực nhớ là quên đưa chiếc ghe đánh cá vào bờ. Ra đến biển thì hoảng hồn khi thấy ba xác người dạt vào, đồng phục vẫn còn trên người nhưng thi thể thì trương phình, thối rữa. Gã hô hoán đám bạn nhậu ra phụ giúp nhưng ai nấy khi ngửi thấy mùi tử khí thì nôn ọe, tháo chạy, bỏ gã loay hoay với ba thi thể ấy. Không đành bỏ đi, gã tay cuốc, tay đào, khâm liệm, hương khói, chôn cất. Lúc phát hiện là 12 giờ khuya, mà mãi đến 6 giờ sáng hôm sau gã mới hoàn thành công việc.

Dị nhân Tây “mắm” chỉ về nơi phát hiện nhiều xác chết. (Ảnh: Dòng đời)

Tây “mắm” vớt xác, cứu người nhưng không lấy tiền của người nhà nạn nhân. Gã còn lấy tiền nhà chôn thiên hạ. Gặp xác chết vô thừa nhận hoặc không có thông tin về người thân, gã về nhà vét sạch tiền mua quan tài, đồ khâm liệm cho người xấu số. Nghề phụ hồ, gánh cát thuê chỉ đủ nuôi vợ, nuôi con, gã không có sức khỏe nên cũng bỏ nghề đi biển từ lâu. Thế là gã đành đi nhờ dân làng quyên góp, người ít kẻ nhiều để lo hậu sự cho người chết. Nhưng kẻ ác mồm ác miệng bảo gã làm thế là kiếm tiền của dân, kiếm tiền trên xác chết. Bực mình, gã không thèm đi xin hàng xóm nữa, chạy thẳng lên chính quyền xã xin hỗ trợ để mua quan tài, hương hoa, áo vải cho người xấu số. Nhưng xin hỗ trợ cũng không đủ, nhiều khi nhà phải bù thêm tiền.

Tiếng tăm của gã ngày càng được nhiều người biết đến. Thế là dù gặp người bị tai nạn giao thông, người ta cũng tìm gã nhờ hốt. Những người chết cô quạnh không ai biết, đến khi bốc mùi, vẫn là gã nhận làm. Nhà nghèo thì gã làm phúc không nhận tiền, nhà giàu biếu năm bảy chục ngàn thì gã nhận về dồn lại, rồi dùng số tiền ấy mua xi măng về xây những ngôi mộ mà gã đã chôn cất.

‘Dị nhân’ bán vé số ở Sài Gòn

Lâu nay, dân nhậu, cà phê ở nội thành Sài Gòn đã quen thuộc với hình ảnh mỗi ngày một bộ đồ màu mè, mũ, tóc giả, kính, giày được thiết kế lạ đời, chạy trên chiếc xe đạp 2 màu… của “Thần tài vé số”. Cách ăn mặc không giống ai nhưng ông lại nói chuyện rất tiếu lâm và thân thiện. Ông là Châu Thơ Phương (56 tuổi, ở Q.11, TP.HCM).

Bộ trang phục và phụ kiện của "dị nhân" vé số này từ đầu đến chân đều rất đặc biệt, nhiều màu như xanh, đỏ, hồng, vàng. “Thần tài” cho biết hiện ông có 9 bộ trang phục với 9 màu khác nhau, tự ông thiết kế, may, dán, nhuộm, sơn phết. Bộ màu đỏ ông hay mặc vào dịp Tết vừa rồi với ý nghĩa vui tươi, mang lại may mắn cho mọi người. Ông còn dán thêm câu “Happy new year” trong những ngày Tết dương lịch; “Mừng xuân, mừng Đảng” và cờ tổ quốc lên ngực, sau lưng...

"Thần tài vé số" Châu Thơ Phương với trang phục kì dị (Ảnh: Infonet)

Ông Phương "bật mí" lý do mặc trang phục lạ đi bán vé số là vừa để thu hút khách hàng tốt nhất, vừa đem lại niềm vui, tiếng cười và may mắn cho mọi người. "Mặc như thế cũng không ảnh hưởng đến ai, không vi phạm pháp luật, mỗi người có mỗi cách làm. Ai cũng cười vì thấy lạ nên mình… cũng cười theo. Hàng ngày cuộc sống vui vẻ, đem lại niềm vui cho thiên hạ là sướng rồi. Ban đầu ăn mặc thế này đi bán vé số cũng… mắc cỡ lắm, nhưng riết rồi quen”, ông Phương chia sẻ.

'Dị nhân' xứ Nghệ 24 năm tự tay xây nhà

Nếu ai có dịp đi qua trục đường tỉnh 538 đoạn qua xã Hoa Thành, huyện yên Thành, Nghệ An sẽ tò mò khi nhìn thấy một căn nhà kỳ quái nằm một bên đường. Ngôi nhà được thiết kế theo hình thức khá lạ, gồm 4 tầng lớn và một hình chóp có 5 tầng nhỏ.

Người đàn ông 24 năm tự tay xây nhà (Ảnh: Infonet)

Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Nguyễn Văn Cường (54 tuổi), trú tại xóm Đồng Xoài, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông Cường là thương binh 4/4. Theo lời chủ nhân của ngôi nhà thì một mình ông xây nó suốt ròng rã 24 năm trời, tự đóng gạch, tự xây, đổ trần, đổ cột và đặc biệt là trong quá trình xây không sử dụng dàn giáo, cốp pha mà chỉ dùng dây đu. Đến nay căn nhà này vẫn chưa hoàn thiện.

Người ta thường gọi ông là "khùng" vì tự dưng một mình xây căn nhà kỳ quái này. Tuy nhiên có nhiều người lại thích thú, cảm thấy thán phục tài của ông. Ông Cường khẳng định ngôi nhà của mình có thể chịu đựng gió giật cấp 11- 12. Nhưng theo nhiều thợ xây kinh nghiệm thì căn nhà này rất nguy hiểm.

'Dị nhân' xứ Quảng 80 năm không... mặc áo

80 năm qua, ông lão Lê Để (80 tuổi, ở thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) không mặc áo, chỉ mặc quần đùi. Người dân vẫn thân mật gọi ông bằng cái tên "lão dị nhân". Lão không vợ, không con, rất nghèo, nhưng sống vui vẻ và có đến 3 “ngôi nhà” rất kỳ quái. Cả 3 ngôi “nhà” lợp bằng rạ khô, “kiến trúc” được lão thiết kế theo mô-típ hình chóp.

“Dị nhân” này xài tiền rất kỳ quặc. Ai cho tiền, bất kể nhiều hay ít lão đều phân thành 2 rồi mang sang vợ chồng hàng xóm cất giùm. Một nửa gửi người vợ, một nửa gửi người chồng. “Sau đó, lấy lần lượt người vợ 10.000 đồng để mua gạo, mắm, muối. Hết tiền, lão lấy tiếp 10.000 đồng nữa. Cứ thế lấy hết số tiền đã gửi người vợ, sau đó mới lấy tiền gửi người chồng. Kỳ quặc đến mức, nếu sang lấy tiền nhưng người vợ vắng nhà, người chồng đưa tiền nhưng lão nhất quyết không nhận. Lão chờ người vợ về để lấy tiền, đến khi lấy hết số gửi người vợ thì mới chuyển sang người chồng”, bà Nồng, nhà gần “dị nhân”, cho biết.

'Dị nhân' 80 năm không... mặc áo (Ảnh: Infonet)

Về chuyện không bao giờ mặc áo, "lão dị nhân" cho biết: “Cả đời chỉ bận quần đùi quen rồi, bận áo vướng khó chịu, cởi ra cởi vào bất tiện lắm”. Lão tâm sự hồi trẻ cũng đẹp trai và học giỏi, nhưng khi thấy lão cứ ở trần hoài nên gái làng không dám yêu. Mùa đông đến lạnh cắt da, lão cũng ở trần, nếu ép bận áo cho ấm thì sau đó lão cũng lén cởi ra. Nhưng từ nhỏ đến giờ lão không đau ốm gì hết.

Lão Bốn Để khá “chảnh”. Thấy nghèo, không có nhà để ở, người dân cùng chính quyền góp tiền xây cho lão cái nhà nhưng lão không nhận, chỉ thích “nhà” của mình. Ngày lễ, Tết, hàng xóm mang thức ăn sang cho nhưng lão từ chối, sống đạm bạc cho khỏe, ăn cá thịt có gì đâu mà ngon. Mà ăn để sống chứ phải sống để ăn đâu mà cứ bày vẽ cho tốn công sức”.

“Dị nhân” gần 35 năm đi mót đá xây “biệt thự”

Đó là ông lão Huỳnh Hộ (ở khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông lão năm nay đã hơn 80 tuổi. Gần 35 năm qua, ông cần mẫn đi nhặt nhạnh từng hòn đá, viên gạch, mảnh ngói và bươn chải mưu sinh để dồn tiền mua xi măng về xây căn “biệt thự” cao 2 tầng “nguy nga” và đầy “bí ẩn”. Người dân ở đây quen gọi ông là ông Hộ “kiến trúc sư”.

Ông Hộ hành nghề kéo xe bò thuê. Sáng ra ngã 3 Nam Phước đứng để ai thuê thì chở kiếm tiền. Trên đường đi làm, nếu thấy có viên gạch, hòn đá nào rơi rớt thì lượm bỏ lên xe kéo về. Đá, gạch, ngói, ông đi mót, đi lượm. Cát, sạn, ông ra sông vớt, xúc chở về. Xi măng thì ông lấy tiền làm thuê mua.

Ông lão Huỳnh Hộ gần 35 năm đi mót đá xây “biệt thự” (Ảnh: Kiến thức)

Ngôi “biệt thự” này ông Hộ tự thiết kế. Suốt gần 35 năm qua, ông Hộ chỉ chú tâm đi mót đá, làm kiếm tiền về xây nhà mà không thèm đếm xỉa đến bản thân mình. Chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân dường như từ lâu đối với ông không còn quan trọng. Ngay cả cái bếp, cái nồi nấu ăn và cả quần áo để mặc đàng hoàng ông cũng không tự sắm. Cả đời ông dành dụm cốt chỉ để kiếm tiền xây nhà. Người dân thấy thương nên thường xuyên mang quần áo, gạo đến cho để ông có cái ăn, cái mặc.

Ông Hộ đã từ chối cuộc sống nhàn nhã tuổi già mà tự “hành xác” mình để mỗi ngày vẫn bán sức lao động trên chiếc xe bò cũ nát. Người dân cho hay, ngôi nhà của ông Hộ nằm sát mặt tiền của tuyến đường lộ ĐT 610 nên có giá trị bạc tỷ. Đã từng có nhiều người đến trả giá cả 5-6 tỷ nhưng ông quyết không bán.
 

Thu An (tổng hợp)