Vụ xe khách chở đoàn sinh viên ở Kiên Giang ra miền Trung lật trên đèo Hải Vân tại km898+200 (cách đỉnh đèo Hải Vân 6km) trên Quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) khiến mọi người bàng hoàng.

Đèo Hải Vân là cung đèo quanh co, độ dốc lớn, có nhiều khúc cua ngoặt, là trở ngại đáng kể đối với tài xế đường dài, không rành đường đèo hoặc dễ có nguy cơ trơn trượt, mất phanh, hỏng xe… Trên đèo Hải Vân có nhiều “điểm đen” và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất nghiêm trọng.

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn xe khách lao vực đèo Hải Vân (Ảnh: VietNamNet)

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với công ty Đèo Cả (đơn vị quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân) trong năm 2019 phải xóa "điểm đen" trên đèo Hải Vân.

Tuy nhiên, không chỉ đèo Hải Vân, trên cả nước còn rất nhiều cung đường đèo đã trở thành nỗi ám ảnh, được coi như "cửa tử" với giới tài xế.

Quốc lộ 6 qua Hòa Bình dài gần 120 km, đây là cung đường huyết mạch từ đồng bằng lên các tỉnh Tây Bắc. Đoạn Hòa Bình – Sơn La trước đây có tới 10 "điểm đen"TNGT tại các vị trí Km99+800, Km126+300  - Km126+900, Km127+300 - Km127 +800…

Và Dốc Cun hay đèo Thung Khe là những cái tên được cánh tài xế nhắc đến mỗi khi qua quốc lộ 6 ở Hòa Bình. Với địa hình đèo dốc, nhiều khúc cua, không đảm bảo tầm nhìn, vùng núi cao có nhiều sương mù, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

{keywords}
Km79 - điểm đen tai nạn trên dốc Cun. (Ảnh: Zing)

QL3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng nổi danh trong giới xe chạy đường dài vì những “con đèo tử thần” với hàng loạt điểm đen từng cướp đi sinh mạng của cả chục người mỗi năm.

Đèo Gió (Km 198 - Km 213) vừa dài, dốc nguy hiểm, nhiều đoạn đường cong, cua, độ dốc lớn, bán kính đường cong nhỏ. Đèo Khau Khang (Km 213 - Km 225) cũng sở hữu địa hình hiểm trở không kém với nhiều đoạn đường cong cua, độ dốc lớn trong khi bán kính đường nhỏ.

Đèo Cao Bắc, đặc biệt, Km 300 +280 (đèo Kéo Pựt, đoạn qua H.Trà Lĩnh, Cao Bằng) cũng là điểm đen về tai nạn, nhiều đường cong liên tiếp, vị trí này nằm lưng chừng dốc, có độ dốc dọc lớn, đường cong nhỏ, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn.

Do địa hình đồi núi dốc, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nên mỗi khi nhắc đến Lai Châu là cánh tài xế đường dài ái ngại với những cung đường đèo, khúc cua tay áo nguy hiểm. “Điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu, được cánh lái xe đường dài khiếp đảm nhất thuộc km 38+500 trên quốc lộ 4D, ở địa bàn bản San Thàng 2, xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Đây là điểm giao thông thuộc chân đèo Giang Ma có địa hình dốc, cua gấp, mặt đường hẹp, che khuất tầm nhìn và thường xuyên xảy ra tai nạn những năm qua.

Ở Tây Bắc có những cung đường được mệnh danh là cung đường tử thần bởi cả sự nguy hiểm của đèo dốc và việc thường xuyên phải chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc.

Trong số 4 ngọn đèo cao nhất, đường đi quanh co và nguy hiểm nhất ở miền Bắc thì Tây Bắc chiếm 3 đèo gồm: Pha Đin (Điện Biên), Khau Phạ (Yên Bái) và Ô Quy Hồ (Lào Cai), với nhiều dốc nguy hiểm.

{keywords}
Hiện trường 1 vụ tai nạn trên đèo Lò Xo. (Ảnh: TTXVN)

Đèo Lò Xo cũng là một trong những cung đường nguy hiểm và đáng ngại bậc nhất với lái xe, nhất là vào ban đêm. Đèo Lò Xo thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum có chiều dài khoảng 27km, đi qua khu vực núi cao, vực sâu, có độ dốc lớn, đường quanh co liên tục, nhiều thời điểm trong ngày sương mù bao phủ.

Thời gian qua, tuy hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo hiệu, hệ thống hộ lan… trên tuyến đã được đầu tư, nhưng vẫn liên tục xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Đèo Khánh Lê (QL27C), hướng từ Nha Trang lên Đà Lạt, cũng là "điểm đen" với giới tài xế. Gần 30 km qua đèo Khánh Lê có tới 12 điểm mất ATGT. Mặc dù có hàng loạt biển cảnh báo đường đèo, khúc cua gấp nguy hiểm được lắp đặt, nhưng những khúc cua tay áo trên đèo luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với lái xe...

Tai nạn giao thông cũng luôn rình rập trên đèo Cả. Nằm trên tuyến QL1A tại ranh giới giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Cả dài hơn 12 km, từng được lực lượng CSGT chấm hàng chục “điểm đen tai nạn”.

{keywords}
Một xe khách đã lao xuống vực ở đèo Cả (Ảnh: Người lao động)

Đây là một con đèo hiểm trở tại miền Trung. Nhiều năm trở lại đây, các phương tiện khi tham gia giao thông qua đèo đều ám ảnh về những vụ lật xe, TNGT. Những điểm xe hay bị lật nhất trên đèo Cả là: Km1259+636, Km1259+400, Km1357…

Trên đây là một số cung đường đèo nguy hiểm, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, trên cả nước, còn rất nhiều đoạn đường đèo, dốc khác cũng là những "cung đường tử thần", là nỗi ám ảnh với giới tài xế và hành khách.

Từ năm 2017 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư kinh phí xử lý trên 400 “điểm đen” tai nạn giao thông trên hệ thống quốc lộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương nghiên cứu cắt cua, mở rộng tầm nhìn, kết hợp làm các vị trí dừng đỗ khẩn cấp cho xe dọc tuyến, xây dựng đường lánh nạn, xây dựng hộ lan bằng nhiều kết cấu khác nhau phù hợp với điều kiện địa hình. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 230 “điểm đen” và 550 điểm tiềm ẩn TNGT, nhất là các điểm đen trên đường đèo, đang trở thành nỗi “ám ảnh” của lái xe đường dài cần ưu tiên xử lý gấp.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Cấp bằng lái xe container ở VIệt Nam có dễ hơn các nước?

Cấp bằng lái xe container ở VIệt Nam có dễ hơn các nước?

- Vụ tài xế Phạm Thành Hiếu 32 tuổi lái xe container gây tai nạn thảm khốc ở Long An đã bắt ra câu hỏi, Việt Nam có cấp phép lái xe dễ dãi hơn các nước?