Nhiều nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực y tế như ghép tạng, sản
xuất văcxin, xử lý rác thải y tế đã nâng cao hiệu quả phòng, khám chữa bệnh.
Nhiều nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế như ghép
tạng người (đặc biệt là ghép tim), sản xuất văcxin phòng bệnh trẻ em, xử lý rác
thải y tế đã, đang góp phần nâng cao hiệu quả phòng, khám và chữa bệnh cho cộng
đồng.
Triển lãm thành tựu KT-XH Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Trung tâm
Hội chợ Triển lãm Việt Nam từ ngày 1-6/10/2010 có sự góp mặt của nhiều kết quả
nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nói chung và trong lĩnh vực y tế nói
riêng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Từ thành công trong ghép tạng người
Tiếp theo những thành công trong ghép thận, ghép gan của các nhà khoa học Việt
Nam, Học viện Quân y đang chinh phục những đỉnh cao mới trong một lĩnh vực rất
khó - ghép tim. Tháng 11.2007, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà
nước: "Nghiên cứu một số vấn đề về ghép tim thực nghiệm trên động vật để tiến
tới ghép tim trên người ở Việt Nam", mã số ĐTĐL.2007 G/22, do PGS. Đặng Ngọc
Hùng (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm.
Trên cơ sở những thành công của ghép thận, ghép gan và ghép tim trên thực
nghiệm, tháng 7.2009, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu
triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não" thuộc chương trình
"Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe cộng đồng" do GS. TS. Nguyễn Tiến Bình (Giám đốc Học viện Quân y)
làm chủ nhiệm.
Vào ngày 17/6/2010, tại Bệnh Viện 103, Học Viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã thực
hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Bùi
Văn Nam 48 tuổi, quê quán: Thôn 4, đội 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh
Nam Định với chẩn đoán: Bệnh cơ tim thể giãn, suy tim toàn bộ độ IV. Cho đến
nay, sau gần 4 tháng phẫu thuật ghép tim, tình trạng sức khoẻ của anh Nam tiến
triển tốt, tự vận động, sinh hoạt bình thường.
Đến sản xuất văcxin phòng bệnh cho trẻ em
Cũng được giới thiệu tại Triển lãm, "Nghiên cứu và sản xuất thành công văcxin
phòng bệnh cho trẻ em" là một trong những thành tựu tiêu biểu được nhiều người
quan tâm.
Theo đó, văcxin " Rotavin-M1" là vắc xin sống giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu
chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi, được sản xuất từ chủng virut rota G1P trên tế bào
Vero tại cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất
Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế.
Trong đó, chủng virut rota G1P được nghiên cứu, sản xuất tại phòng thí nghiệm
đạt tiêu chuẩn GLP của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật
CDC-Atlanta-Hoa Kỳ và phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc
xin và Sinh phẩm y tế - Bộ Y tế . Chủng này đã được kiểm định chất lượng theo
hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới tại phòng thí nghiệm chuẩn thuộc Trung tâm
Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế- Bộ Y tế.
G1P cũng đã được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm y tế phê chuẩn sử
dụng cho sản xuất vắc xin vào năm 2007.
Và xử lý rác thải y tế
Không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe của con người, chất thải y tế còn tác động
xấu đến môi trường sống và có thể gây bùng phát dịch bệnh.
Chính vì vậy việc quản lý, xử lý chất thải y tế, đặc biệt là các chất thải nguy
hại là một vấn đề quan trọng, cấp bách được hầu hết các bệnh viện quan tâm, thực
hiện.
Ngoài những thành tựu được giới thiệu trong triển lãm nói trên, năm 2010 cũng
đã ghi nhận sự đóng góp của phương pháp sử dụng lò đốt theo công nghệ xử lý rắc
thải của Nhật Bản trong ngành y tế.
Nếu như trước đây, các chất thải rắn khó phân hủy như băng, gạc, kim tiêm, bệnh
phẩm… chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp thông thường, thì đến nay, hơn 20
tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng lò đốt chất
thải rắn y tế hiệu Chuwa với Model F-1S. Đáp ứng TCVN 7380-2004 về lò đốt chất
thải rắn y tế, loại lò đốt này có khả năng Xử lý triệt để Dioxin, đảm bảo tiêu
huỷ mầm bệnh, đồng thời đã giải quyết được dứt điểm nguồn rác thải y tế gây nguy
hiểm tới sức khoẻ con người.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình,
một trong những đơn vị đã được lắp đặt hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế, cho
biết: Khi chưa có lò đốt, rác thải y tế tại bệnh viện đều được tiêu huỷ bằng
phương pháp thủ công chôn lấp hoặc tẩm dầu lên đốt là chính. Phương pháp này tốn
rất nhiều công lao động và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan
những bệnh truyền nhiễm rất cao. nhưng từ khi được lắp đặt, lò đốt xử lý rác
thải F-1S đã đáp ứng được nhu cầu về xử lý rác thải ngay trong ngày của bệnh
viện.
Lò đốt hiệu Chuwa được đánh giá là phù hợp với các bệnh viện tuyến huyện và có
chi phí khỏang khoảng 700 triệu đồng/lò.
K.A