Viettel - đưa dịch vụ viễn thông từ xa xỉ thành bình dân
Thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và thị trường di động nói riêng trong thập niên 90 và kể cả đầu những năm 2000 tuy được đánh giá cao vì chiến lược đi thẳng vào công nghệ số hiện đại nhưng vẫn bị nhìn nhận có mức cước thuộc hàng đắt đỏ so với thế giới.
Thời điểm những năm 1990, điện thoại di động rất khan hiếm, mỗi chiếc máy khoảng 1.000 USD, phí hòa mạng 200 USD/thuê bao, thuê bao tháng khoảng 30USD, cước cuộc gọi cho nội hạt TP.HCM hoặc Hà Nội là 0,3USD/phút.
Thế nhưng, từ năm 2000, khi Viettel gia nhập làng viễn thông Việt Nam, tình hình đã thay đổi. Bắt đầu với dịch vụ gọi VOiP 178, cước điện thoại đường dài trong nước và quốc tế chỉ bằng 55-60% điện thoại truyền thống.
Với dịch vụ di động, Viettel chính thức bước chân vào năm 2004 và liên tục phát triển tới mức bùng nổ, với con số tăng trưởng năm sau bằng tất cả các năm trước cộng lại.
Việt Nam đã ghi tên mình là quốc gia có tốc độ tăng trưởng di động nhanh nhất thế giới. Viettel đã thúc đẩy mật độ thâm nhập di động trên dân số, từ dưới 5% vào năm 2004 lên tới trên 100% một cách nhanh chóng và đưa dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành bình dân.
Sau khi làm cuộc “cách mạng viễn thông” tại Việt Nam, năm 2006, Viettel bắt đầu tiến ra nước ngoài và tạo nên cuộc cách mạng mới. Ðến nay, Viettel đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng, trong đó, nắm vị trí số 1 về thị phần tại 6 thị trường.
Tại nhiều thị trường mà Viettel đầu tư đã tạo nên cuộc cách mạng phổ cập dịch vụ viễn thông cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại các quốc gia này.
Sau đó, Viettel đã nghiên cứu sản xuất thiết bị 4G, 5G. Việc Viettel cho thử nghiệm thành công mạng 5G, với phạm vi phòng thí nghiệm năm 2019, đã đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia thử nghiệm thành công 5G.
Tiếp đó, với việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G đã tiếp tục đưa Viettel vào top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới, bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei...
Viettel hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị.
Ông Tào Ðức Thắng, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, Viettel cũng đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ dịch vụ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ dữ liệu trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả nhất.
VNPT - từ cuộc “cách mạng số” đến dẫn đầu chuyển đổi số
Hơn một thập niên sau năm 1975, Bưu điện (tiền thân của VNPT sau khi tách quản lý nhà nước và kinh doanh) được xem là ngành nghèo và lạc hậu nhất.
Thế nhưng, với tầm nhìn và tư duy đổi mới mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt, Bưu điện đã “lột xác” trở thành ngành hiện đại ngang tầm thế giới, đóng vai trò là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước.
Tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đạt 7 triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân, hoàn thành trước hai năm chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng IX đề ra cho năm 2005.
Tháng 4/2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn của mình khi thực hiện phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông - CNTT, phát thanh, truyền hình.
Với sứ mệnh là đầu tàu dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã sớm thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ một nhà mạng viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số từ năm 2014 và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam, là trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Ngoài việc cung cấp hạ tầng, VNPT đã đi theo hướng cung cấp các hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội như Giáo dục, Y tế, Du lịch, Nông nghiệp, Tài nguyên môi trường…
Bài toán của VNPT đưa ra khi phát triển công nghệ 5G là hội tụ các nền tảng hạ tầng ICT và hạ tầng viễn thông làm một.
Với vai trò là Tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn của đất nước, VNPT đã luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh bằng nhiều giải pháp, nền tảng số.
Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, VNPT rất tâm huyết đối với những bài toán lớn đã cùng với các Bộ, ngành triển khai và mang lại dấu ấn, lợi ích cấp quốc gia. Với “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, một bài toán quy mô toàn quốc với 11.000 xã và hơn 100 triệu dân, VNPT đã triển khai từ hạ tầng cho đến giải pháp và mang lại hiệu quả thực sự cho đề án 06.
“Bộ Công an đã đánh giá là một chiến công mang tính chất lịch sử khi chúng ta hình thành được những cơ sở dữ liệu rất quan trọng của quốc gia”, Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết.
MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam
Từ năm 1991 đến năm 1993, ở châu Âu đã triển khai công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM. Tuy nhiên, ở thời điểm đó công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi. Khi ấy, Tổng cục Bưu điện đã quyết định chọn công nghệ số là GSM.
Ngày 16/4/1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức được thành lập. Ngay từ khi mới ra đời, MobiFone đã nhanh chóng bắt tay hợp tác với tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Comvik/Kinnevik (Thụy Ðiển), nhờ đó tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm của đối tác nước ngoài trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chiến lược kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển cho giai đoạn sau này.
Hợp đồng hợp tác với Comvik trong 10 năm đã thành công, được đánh giá là một trong những mô hình hợp tác kinh doanh có hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Với việc trở thành nhà mạng di động đầu tiên được cung cấp thương mại tới người dân và phương châm hoạt động “mọi lúc, mọi nơi”, MobiFone đã từng bước trở thành một phần quan trọng, ghi dấu ấn trong cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt.
Ngay trong năm đầu đi vào hoạt động, MobiFone đã đạt được doanh thu 53,74 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8,9 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước 1,16 tỷ đồng - những con số đáng kể tại thời điểm lúc bấy giờ khi nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn bủa vây.
Những năm sau đó, MobiFone luôn là doanh nghiệp giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định và hiệu quả vốn của MobiFone luôn ở trong nhóm dẫn đầu các doanh nghiệp nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có giai đoạn lên đến hơn 35%/năm.
Từ một doanh nghiệp viễn thông di động thuần túy, trong những năm gần đây, MobiFone đang từng bước chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ số với đa dạng các dịch vụ số chất lượng cao.
MobiFone đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tích cực, chủ động hơn trong vai trò dẫn dắt, xây dựng các hạ tầng số, tạo nền tảng cho mục tiêu phát triển kinh tế số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước giai đoạn tới.
FPT - từ “tay trắng” đến tập đoàn toàn cầu
Năm 1998, FPT trở thành Công ty tin học số 1 tại Việt Nam, tham gia phát triển hạ tầng CNTT cho các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Nhưng thay vì hài lòng với thành công, FPT quyết định vượt khỏi “vùng an toàn” để mở đường cho xuất khẩu phần mềm.
Là công ty Việt 100% tham gia lĩnh vực này, FPT đã “mò mẫm” tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn “công nghiệp” như ISO hay CMM.
Bắt đầu bằng Bangalore (Ấn Ðộ) và Silicon Valley (Mỹ) nhưng sớm thất bại. FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được thị trường khó tính nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
Các năm sau đó, FPT liên tiếp mở văn phòng tại Singapore, châu Âu, và quay trở lại Mỹ. Quy mô dự án cũng lớn dần lên từ vài triệu USD lên đến 10, 20, 30 triệu USD và hàng trăm triệu USD. Bộ sưu tập “khách hàng” cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.
FPT đã mở ra con đường xuất khẩu phần mềm, dịch vụ công nghệ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ trên toàn cầu. Từ đó, hàng ngàn tri thức trẻ, hàng trăm doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã lập nghiệp và thành danh tại những quốc gia phát triển nhất, trong những lĩnh vực công nghệ hiện đại nhất.
Năm 2023, FPT cũng chính thức đạt cột mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài, gia nhập nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT toàn cầu.
FPT còn góp phần “thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới khi tiên phong đi vào các xu hướng công nghệ mới nhất. FPT đã đang dồn lực vào 5 lĩnh vực cốt lõi: AI - Bán - Xe - Số - Xanh (AI, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh).
CMC - từ công ty máy tính đến tập đoàn lớn
Năm 1993, Công ty TNHH HT&NT (tiền thân của Tập đoàn CMC) được thành lập bởi hai sáng lập viên là ông Hà Thế Minh (Cố Chủ tịch CMC) và ông Nguyễn Trung Chính (nay là Chủ tịch CMC).
Ngay từ những ngày đầu thành lập, CMC đã luôn kiên trì với định hướng: ICT là năng lực cốt lõi, tập trung đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ.
Năm 1995, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Máy tính Truyền thông CMC. Ðến năm 1999, CMC đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất máy tính thuơng hiệu Việt Nam và thành lập Công ty Máy tính CMC – CMS.
Trong suốt nhiều năm, CMS đã giữ vững ngôi đầu thị trường máy tính thương hiệu Việt và vinh dự được gắn biểu trưng Thương hiệu quốc gia. Sau đó, CMC phát triển nhiều hoạt động kinh doanh chủ lực như: tích hợp hệ thống, dịch vụ phần mềm, viễn thông – Internet và Sản xuất - phân phối các sản phẩm ICT.
Tháng 3/2017, Tập đoàn CMC đã quyết định thành lập CMC Global là đơn vị chiến lược với mục tiêu xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin của CMC vươn ra thị trường toàn cầu.
Cuối năm 2017, Tập đoàn CMC đã đồng loạt khánh thành cụm hạ tầng dịch vụ quan trọng, bao gồm tuyến cáp xuyên Ðông Nam Á CVCS và Trung tâm Dữ liệu Data Center thứ 3 của CMC Telecom, Trung tâm điều hành an ninh mạng thế hệ mới CMC NextGen SOC và Phòng thí nghiệm CMC LAB…
Ngày 11/9/2024, CMC đã công bố chiến lược chuyển đổi AI với chủ đề “Enable Your AI-X”, thể hiện tầm nhìn và khát vọng của tập đoàn này trong việc ứng dụng AI để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời củng cố vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho hay: “Chuyển đổi AI – AI-X” mở ra một hướng đi mới cho Việt Nam trong việc ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực của xã hội”.
Ðược biết, CMC tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động tại châu Âu và Mỹ để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành công ty doanh thu tỉ USD với quy mô trên 10.000 nhân sự toàn cầu vào năm 2028.
VNG – từ công ty game online đến “kỳ lân công nghệ”
Từ một công ty phát hành game nhỏ do những người mê chơi game thành lập vào tháng 9/2004, VNG đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực và trở thành “kỳ lân công nghệ” đầu tiên của Việt Nam.
VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính & Thanh toán và Dịch vụ đám mây. Công ty này cũng đầu tư vào một số startup như trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa EcoTruck.
Khởi đầu từ một công ty phát hành game Thành lập tháng 9/2004 với tựa game nổi tiếng Võ Lâm Truyền Kỳ cùng tên gọi VinaGame, nhưng với sứ mệnh ban đầu được đặt ra là “phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt”, đến năm 2010 công ty quyết định đổi tên thành VNG. Năm 2014, VNG được World Start-up Report định giá 1 tỷ USD, trở thành “kỳ lân công nghệ” đầu tiên tại Việt Nam
VNG đã tạo ra những sản phẩm có hàng chục triệu người dùng mỗi ngày, điển hình là Zalo với 75 triệu người dùng thường xuyên (theo Bộ TT&TT). Hiện nay, người dùng Việt Nam sử dụng Zalo để trò chuyện, thanh toán hóa đơn, mua sắm... trở thành một ứng dụng quan trọng và dẫn đầu trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng người Việt.
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, sứ mệnh hàng đầu mà VNG đặt ra là “phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt”. Công ty cũng tự hào khi bản thân mình đã được tham gia và đóng góp một phần nhỏ trong quá trình bùng nổ của Internet tại Việt Nam.