Trên cả nước đang có nhiều dự án với mục tiêu quá to lớn được rót vốn đầu tư “kinh hoàng” nhưng hiện đang chết yểu.


Thời hoàng kim, Hải Phòng - thủ phủ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - như một đại công trường náo nhiệt với những dự án lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng giờ đây, tất cả đang... gỉ sét.

Ụ tàu 70.000 tấn thành bãi cọc chơ vơ

Được coi là “anh cả” của Vinashin tại Hải Phòng nhưng hiện nay Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên) bị rơi vào thế bế tắc.

Từng được tung hô với hợp đồng 100 triệu USD đóng mới 2 con tàu có sức chứa 6.900 ô tô mỗi chiếc cho một tập đoàn của Na Uy, giờ đây, phần vỏ của chiếc tàu vẫn còn nằm chình ình, dở dang trên triền đà từ 2 năm qua. Kỹ sư Trần Văn Thành (nhà máy đóng tàu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu) ngán ngẩm cho biết theo kế hoạch, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 10-2013, chiếc tiếp theo sẽ được bàn giao sau đó 6 tháng nhưng với tình hình như hiện nay, đó là điều không tưởng. Cách đó không xa là công trình ụ tàu 70.000 tấn của tổng công ty này được đầu tư 1.357 tỉ đồng. Tuy nhiên, công trình này giờ chỉ là một bãi cọc khổng lồ chơ vơ và một khung nhà đang gỉ sét.
Công trình ụ tàu hơn 1.000 tỉ đồng giờ chỉ là... bãi cọc

Trung tá Nguyễn Quang Hảo, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát Bến Rừng - Công an huyện Thủy Nguyên, cho biết: Công trình này đã khởi công cách đây 7 năm nhưng nay phải giẫm chân tại chỗ. Lực lượng công an địa phương khá vất vả vì thỉnh thoảng lại xảy ra vụ người dân vào công trường cưa trộm sắt bán phế liệu. Theo ông Vũ Văn Cừ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, để đóng tàu lớn, tổng công ty triển khai dự án xây dựng đà tàu 100.000 tấn đã lâu nhưng vì hết vốn cộng với suy thoái kinh tế nên dự án bị dừng cách đây 3 năm do chưa có nhu cầu sử dụng vì không có đơn hàng. “Không biết dự án sẽ dừng đến bao giờ” - ông Cừ ngán ngẩm nói.

Những khối thép khổng lồ hoen gỉ

Cách đó chưa đến 1 km, Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng (Vinashin) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty này đã được Vinashin đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng nhiều công trình đóng tàu nhưng hiện nay, hoạt động của các xí nghiệp thành viên của công ty chỉ còn thoi thóp. Nhà xưởng thưa vắng công nhân, nhiều thân tàu bị dừng dang dở, những khối thép khổng lồ đang hoen gỉ do nằm nhiều tháng ngoài trời.

Cảnh đìu hiu tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng (TP Hải Phòng)

Một lãnh đạo của UBND TP Hải Phòng cho biết Công ty Công nghiệp tàu thủy Phá Rừng có dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Đóng tàu Phá Rừng trên khu đất 93 ha tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên với tổng vốn đầu tư lên đến 4.876 tỉ đồng. Đến cuối năm 2010, dự án này đã được đầu tư 716 tỉ đồng nhưng sau đó, do khó khăn về vốn nên công trình phải tạm dừng cho đến nay.
Ngoài ra, cụm công nghiệp Vinashin - Đình Vũ do công ty này đầu tư có quy mô 239 ha với tổng vốn lên gần 1.000 tỉ đồng cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự.


Cảng khách Hòn Gai chết dở

Cũng như ở Hải Phòng, KCN Vinashin Lai Vu thuộc Vinashin giờ đã trở thành hoang phế. Nằm tại vị trí đắc địa, sát Quốc lộ 5, thuộc xã Lai Vu, huyện Kim Thành - Hải Dương, KCN Vinashin Lai Vu nay chỉ còn chiếc cổng, vài dãy nhà xưởng cho thuê còn lại chỉ là bãi đất mênh mông.

Năm 2005, Tập đoàn Vinashin được UBND tỉnh Hải Dương giao 212,89 ha đất của 1.160 hộ nông dân xã Lai Vu để triển khai dự án KCN Vinashin Lai Vu. Tuy nhiên, đến nay, dự án này mới sử dụng... 14 ha. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, cho biết: “Hiện nay, huyện đang lúng túng vì đất bị bỏ hoang nhưng trả lại đất cho dân là điều không thể”.

*Cảng khách Hòn Gai - Vinashin hiện đang được tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận lại sau vài năm hoang phí. Cảng này được Vinashin khởi công, nâng cấp vào tháng 8-2007 với thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế cho tuyến vận tải hành khách cao tốc đường biển Bắc - Trung - Nam, có thể tiếp nhận loại tàu 85.000 GT (vận chuyển 100.000 ô tô và 200.000-300.000 lượt khách/năm). Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 645 tỉ đồng, gồm: Mở rộng cảng cũ ra biển thêm 28 m, chiều dài cầu bến 250 m; hệ thống nhà ga đón-trả khách 4 tầng với diện tích sử dụng 15.000 m2; đường giao thông nội bộ, sân bãi đỗ xe và các công trình phục vụ đồng bộ. Tuy nhiên, sau khi con tàu Hoa Sen “chết yểu”, hoạt động của cảng khách Hòn Gai cũng tê liệt theo, trong khi các hạng mục đầu tư vẫn còn dang dở.


(Theo Người Lao Động)