Trẻ em, những nạn nhân vô tội, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề về cả thể chất và tinh thần từ cuộc nội chiến tại Syria.
TIN BÀI KHÁC:
Méo mặt vì chuột gặm sạch tiền tiết kiệm
Bên trong đường hầm chuyển lậu ở Gaza
Nỗi kinh hoàng của chiến tranh được khắc họa tốt nhất trong các bản vẽ.
Trong một bức tranh, một đứa trẻ đã phác họa lại hình ảnh một chiếc trực thăng và một máy bay chiến đấu đang bắn đạn xối xả về phía một chiếc xe tăng. Ở bên dưới, những người đàn ông cầm súng tàn sát lẫn nhau khi những người bị thương nằm la liệt dưới mặt đất.
Cuộc nội chiến Syria đã ảnh hưởng nặng nề thể chất và tinh thần tới hầu hết những nạn nhân vô tội: trẻ em.
Hơn 2 triệu trẻ em Syrian đã phải vật lộn với những chấn thương, suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết.
Các cuộc giao tranh đã khiến 1/3 trẻ em ở đây bị thương, đồng thời phá hủy các chương trình vắc-xin trên khắp đất nước, với khoảng 2/3 trẻ em tại bắc Syria không được bảo vệ để chống lại các bệnh có thể ngăn ngừa được.
Không có nơi để ẩn náu
Với hơn 3 triệu ngôi nhà đã bị tàn phá trong các cuộc tấn công, trẻ em và cha mẹ chúng đang phải chạy đi nơi khác để ẩn náu.
Khoảng 80.000 người Syria hiện đang ngủ trong các lều trại, công viên hay kho thóc, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho hay.
Những người may mắn hơn một chút có thể được tạm lánh trong những căn hộ chật chội cùng với các gia đình khác. Tuy nhiên, với tương lai của cuộc chiến thay đổi từng ngày, không nơi trú ẩn nào có thể thoát khỏi mưa bom, lửa đạn.
"Hầu hết các ngôi nhà đều bị tấn công. Chúng cháu phải ở trong một phòng. Những căn phòng khác đều bị ảnh hưởng," Yasmine, 12 tuổi cho biết.
"Cuộc giao tranh kéo dài liên miên...Cháu biết, chúng cháu không thể rời khỏi căn phòng đó. Có 13 người chen chúc trong một căn phòng chật chội. Chúng chau không bước ra ngoài trong vòng 2 tuần."
Khi cha Yasmine bước ra ngoài, cuộc sống của cô bé đã thay đổi mãi mãi.
"Cháu nhìn cha rời đi và chứng kiến ông ấy bị bắn ngay bên ngoài ngôi nhà," cô bé nói. "Cháu bắt đầu khóc, cháu rất buồn. Gia đình cháu đang sống một cuộc sống bình thường, chúng cháu có đủ thức ăn. Nhưng bây giờ, chúng cháu phụ thuộc vào người khác. Mọi thứ đã thay đổi."
Chấn thương từ những nỗi đau
Thử thách của Yasmine chỉ là một trong những câu chuyện không thể đếm được về những đứa trẻ phải sống chật vật sau khi chứng kiến các thành viên trong gia đình bị tàn sát.
Một nghiên cứu mới tới từ Đại học Bahcesehir ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện cứ 3 trong số 4 trẻ em người Syria được phỏng vấn đã mất một người thân vì cuộc chiến, tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho hay.
"Tôi không nghĩ chỉ có trẻ em không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này," một người dân tên là Safa nói. "Mọi người đều chứng kiến cảnh chết chóc. Mọi người đều mất đi người thân của mình."
Bị sử dụng như những con tốt
Chúng còn quá trẻ để chiến đấu, quá trẻ để sử dụng vũ khí. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng được thoát khỏi chiến trường.
"Trẻ em đang bị đẩy vào những tình huống nguy hiểm khi chúng bị các nhóm vũ trang tuyển dụng," Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói. "Từng có báo cáo rằng những đứa trẻ mới 8 tuổi đã bị sử dụng làm lá chắn người."
Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cũng đã đề cập tới việc chính phủ và các lực lượng nổi dậy ở Syria đã tuyển dụng các cậu bé chỉ mới 12 tuổi làm binh lính.
Không có trường để học
Noura 10 tuổi cho biết cô bé thích được tới trường. Nhưng cũng giống như hàng ngàn học sinh khác, hiện nay tại Syria không có trường cho Noura học.
"Cháu đã phải nghỉ học khi tiếng súng bắt đầu vang lên. Thật không an toàn," Noura nói. "Cháu cảm thấy rất buồn khi trường học bị thiêu rụi bởi trường học khiến cháu nhớ tới các bạn mình."
Hơn 2.000 ngôi trường trên khắp Syria đã bị phá hủy, với nhiều trường học đã trở thành nơi trú ẩn khẩn cấp.
Không có lối thoát
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thống nhất kế hoạch để kết thúc cuộc nội chiến này.
Tuy nhiên sau 2 năm ngoại giao, các cuộc đàm phán tại Hội đồng Bảo an vẫn chưa đưa ra một giải pháp có hiệu quả cho Syria.
Đầu năm nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thông báo kế hoạch giải quyết xung đột, bao gồm đối thoại quốc gia và một hiến pháp mới sẽ được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý.
Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một trở ngại lớn: Al-Assad cho biết ông từ chối thỏa hiệp với "khủng bố", một thuật ngữ chính phủ thường dùng để mô tả phe đối lập tìm cách chấm dứt 42 năm cầm quyền của gia đình ông.
Tương tự như vậy, các thành viên phe đối lập tuyen bố họ sẽ không làm việc trực tiếp với chính phủ "tội đồ" al-Assad, cũng như không chấp nhận bất cứ giải pháp nào không liên quan tới sự ra đi của tổng thống.
"Chúng tôi không biết ai đúng và ai sai nhưng tôi biết rằng người dân chúng tôi đang phải trả giá," một bà mẹ có tên Hiba cho biết.
"Tôi chỉ muốn các con tôi được an toàn."
Sầm Hoa (Theo CNN)