Các chiến lược gia bán lẻ và tài chính luôn cố gắng nhắm mục tiêu tới Generation Z (Thế hệ Z) - những người sinh ra từ sau năm 1990 vốn không còn nhớ thế giới ra sao trước thời điểm công nghệ bắt đầu bùng nổ.
Tuy nhiên trong một bài viết đăng tải vào thứ 4 vừa qua, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs đã tranh luận rằng Gen-Z có thể “chỉ có tác động bằng chứ không hơn” được "Thế hệ Millenials" - còn được biết đến với cái tên "Generation Y".
Vậy chữ cái tiếp sau Z là gì? Thế hệ tiếp theo Gen-Z là những ai? đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Theo chuyên gia dự đoán tương lai, nhà nhân khẩu học và nhà diễn thuyết Mark McCrindle thì những người sinh ra sau năm 2010 là một phần của "Generation Alpha" (Thế hệ Alpha). Theo ông, hiện có 2,5 triệu Alpha được sinh ra trên toàn cầu mỗi tuần.
Những thay đổi khủng khiếp về công nghệ cùng nhiều tác động khác khiến Gen-Alpha trở thành thế hệ có nhiều biến đổi nhất trong lịch sử.
“Trong quá khứ, mỗi cá nhân thường không có được sức mạnh thực sự. Tuy nhiên hiện nay mọi thứ đã thay đổi.
Mỗi người đều có khả năng kiểm soát cuộc sống của họ. Công nghệ - bằng một cách nào đó đã thay đổi mong đợi của chúng ta về sự tương tác”.
Gen-Alpha xuất phát từ đâu
Mọi việc bắt đầu từ khi McCrindle và nhóm của ông băn khoăn về việc ai sẽ nối tiếp Gen-Z. Trong năm 2005, nhóm của McCrindle đã thực hiện một cuộc khảo sát tầm cỡ quốc gia tại Australia. Theo đó, họ hỏi những người tham gia tự nghĩ cho thế hệ kế tiếp mình một cái tên tiềm năng.
“Alpha” được nhiều người lựa chọn như một quy luật tự nhiên. Giống như các ngành khoa học, ví dụ khí tượng học thường dùng tới bảng chữ cái Hy Lạp sau khi sử dụng hết bảng chữ cái La Mã và bảng số Ả rập.
Trong khi cũng xuất hiện một vài cái tên khác như Gen Tech, Digital Natives và Net Gen nhưng phần nhiều đề cập tới “Generation Alpha”.
Bất kỳ ai dưới 5 tuổi hoặc sẽ sinh ra trong vòng 15 năm tới đều thuộc Gen-Alpha. Không giống với thế hệ trước đó - những người chỉ đơn giản sử dụng công nghệ, các Alpha sẽ dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình đắm chìm trong công nghệ.
"Ngay cả khi những công nghệ mới đã được thay đổi. Nó không chỉ là email - mà là Instant Messaging (Nhắn tin nhanh). Không còn là chia sẻ tài liệu trực tuyến mà là Prezzi và video trên YouTube".
Thay đổi về nhân khẩu học
Sự thay đổi trong dân số toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm của Gen-Alpha. Ví dụ, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc đầu năm 2028, Ấn Độ có thể vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới.
“Việc đặt tên cho các thế hệ đã trở thành trào lưu ở phương Tây’, McCrindle nói. Ví dụ như "Baby Boomers " - cái tên được đặt cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ thời hậu chiến tranh thế giới thứ II. Hay “Teenager” - một thuật ngữ xuất phát từ khoảng giữa thế kỷ 20.
Tuy nhiên, những cái tên này lại là một định nghĩa mới mẻ tại những quốc gia đang phát triển - vốn đang bị tụt hậu cả về dân số và công nghệ. Chính điều này đã không tạo ra nhiều khác biệt giữa các thế hệ.
Riêng giai đoạn của Gen-Alpha, Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ là 2 trung tâm chứng kiến nhiều thay đổi - nhất là khi Trung Quốc gần đây đã xoá bỏ chính sách một con vốn đã tồn tại trong suốt 35 năm. Những quốc gia ít phát triển tự nhiên sẽ chứng kiến khoảng cách rõ rệt hơn so với Gen-Alpha.
"Khi công nghệ tốt hơn cùng với số lượng người sử dụng nhiều hơn, thúc đẩy sự phát triển, trẻ em tại các quốc gia này sẽ trao đổi một vài giá trị truyền thống phương đông của họ để lấy sự am hiểu về công nghệ mới và ý tưởng toàn cầu", McCrindle nói.
Bước nhảy vọt
Môi trường kết nối thuận tiện hơn khiến bước nhảy vọt từ Gen-Z tới Gen-Alpha tiến xa nhất trong lịch sử, theo McCrindle. Thậm chí lớn hơn cả khoảng cách từ Baby Boomers tới Gen-X - những người sống trong thời kỳ phát minh ra máy tính.
Với Baby Boomers - những chiếc máy tính mới nhất vẫn còn sơ khai và thủ công. Chúng yêu cầu nỗ lực và vốn hiểu biết về lập trình để sử dụng.
“Tuy nhiên, những gì chúng ta đang có trên mạng xã hội hiện nay là sự dịch chuyển từ nghe nhìn sang quá trình vận động. Vẫn là nền tảng đó nhưng máy tính chuyển từ bàn phím sang màn hình chạm”.
Gen-Alpha cũng sẽ tương tác với những công nghệ này ở độ tuổi sớm nhất trong tất cả các thế hệ. Hiện nay rất nhiều "Teenager" không còn đeo đồng hồ bởi họ có thể xem giờ thông qua điện thoại di động. Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, các Alpha sẽ còn không cần "đeo", thậm chí là "làm" nhiều thứ khác nữa.
“Gen-Alpha không nghĩ công nghệ là một công cụ. Nó tồn tại như một thể thống nhất trong cuộc sống của họ”.