Chui ra khỏi hộp đêm gần Sân vận động Công nhân ở Bắc Kinh lúc 1 giờ 30 phút sáng vào một ngày thứ Bảy của tháng 6, Mikael Hveem gọi một chiếc taxi qua Uber. Anh chọn cách đi rẻ tiền nhất và rất ngạc nhiên khi một chiếc Maserati màu xanh đậm chạy tới đón. Lái xe là một thanh niên Trung Quốc trẻ, có gương mặt “baby”, tự giới thiệu mình là Jason.

Hveem hỏi tại sao cậu ta lại lái xe cho Uber vì rõ ràng là cậu ta không cần tiền. Jason trả lời, cậu làm công việc này là để được gặp gỡ mọi người, đặc biệt là những cô gái trẻ. Lái xe khi đã khuya ở khu vực hộp đêm của Bắc Kinh, Jason nghĩ rằng cậu sẽ tìm được kiểu phụ nữ dễ bị mê hoặc bởi một chàng trai 22 tuổi, ngoại hình bóng bẩy lái xe hơi thể thao.

Khi nghe câu chuyện này từ một người bạn cũng có mặt trong chiếc xe của Jason hôm đó, tôi đã hỏi xin số điện thoại của cậu. Tôi giới thiệu mình với Jason qua WeChat – một ứng dụng điện thoại nổi tiếng của Trung Quốc và ngỏ ý muốn phỏng vấn. Cậu ấy trả lời lại ngay lập tức bằng bức ảnh chụp những cô gái khỏa thân ở nhiều tư thế khác nhau kèm lời giới thiệu “Gái điếm ngon nhất Bắc Kinh”. Tôi giải thích với Jason rằng có lẽ có sự hiểu nhầm ở đây, và chúng tôi hẹn nhau đi uống cà phê.

Những người thừa kế đồi trụy

{keywords}
Jason Zhang, 22 tuổi

Khi chúng tôi gặp nhau ở một quán cà phê trong một khu thương mại của Bắc Kinh, rõ ràng là Jason Zhang rất khác những người trẻ khác ở Trung Quốc. Cậu ấy có việc làm ở một công ty truyền thông chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế, nhưng Jason có vẻ như không bận rộn lắm. Cậu từng học ở Mỹ - một học viện chuyên về golf ở Florida, nhưng cậu bỏ sau 2 năm theo học. Bố cậu là giám đốc một công ty nhân sự lớn, còn mẹ cậu là một quan chức Chính phủ. Cậu đeo chiếc đồng hồ IWC 5.500 đô la, bởi vì theo cậu nói, cậu đã đánh mất một chiếc đắt tiền trước đó. Tôi hỏi cậu chiếc đó bao nhiêu tiền. “Tôi không biết” – cậu nói. “Nhiều hơn tôi có thể tiêu”. Tôi nhận ra mình đang nói chuyện với một trong số những người thuộc thế hệ “fuerdai” hay còn gọi là “những người giàu thế hệ thứ 2” – những người thường thoái thác trả lời những câu hỏi họ không muốn trả lời theo cách đó.

Báo chí Trung Quốc miêu tả “fuerdai” giống như Paris Hilton của Mỹ cách đây một thập kỷ, chỉ có điều kém thẩm mỹ hơn. Cứ vài tháng lại có một vụ “scandal” về “fuerdai”: bức ảnh chụp một cô gái đốt một đống tiền 100 nhân dân tệ, các thành viên của câu lạc bộ xe hơi thể thao chụp cạnh những chiếc Lamborghini hay ai đó kéo cò súng trong một cuộc đua xe đường phố… Năm 2013, bữa tiệc “sex” của những người trẻ giàu có diễn ra ở một khu nghỉ dưỡng khiến báo chí trong nước xôn xao… 

{keywords}
Con trai của người đàn ông giàu nhất gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi đăng bức ảnh chú chó cưng đeo 2 chiếc đồng hồ vàng

Mới đây, con trai của ông trùm bất động sản Wang Jianlin – người đàn ông giàu nhất Trung Quốc – đã khiến dư luận ồn ào khi đăng bức ảnh chụp chú chó cưng đeo 2 chiếc đồng hồ vàng của Apple, mỗi chân một chiếc. Một vụ tai nạn trên chiếc Ferrari vào năm 2012 liên quan tới 2 cô gái trẻ và một thanh niên là con trai của một quan chức cấp cao. Cả ba ít nhất là đang bán khỏa thân khi bị tống ra khỏi xe. Bố của thanh niên này – một phụ tá cấp cao của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc đó – sau đó đã bị bắt và buộc tội tham nhũng.

Fuerdai không chỉ là một sự xấu hổ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc còn coi họ là mối đe dọa nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng khuyên nhủ thế hệ này “nên suy nghĩ về nguồn gốc tài sản của họ và cách cư xử sau khi trở thành người giàu có”. Một bài báo từng viết: “Họ chỉ biết cách khoe khoang tài sản nhưng không biết cách tạo ra tài sản”. Hồi tháng 6, theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, 70 người thừa kế các công ty lớn của Trung Quốc đã tham gia những bài giảng về lòng hiếu thảo và vai trò của các giá trị truyền thống trong kinh doanh.

Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã kiềm chế một số hành động khoe mẽ kệch cỡm nhất, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn không khó để nhận ra trên những con phố của Bắc Kinh với sự xuất hiện của cả những chiếc xe bán rong hoa quả và những chiếc Audis láng cóng.

Chứng minh giá trị bản thân

Sau vài tuần sục sạo, tôi đã thuyết phục được một nhóm “fuerdai” mời tôi tới dự một bữa tối thường xuyên của họ. Khi tôi tới, tôi tự hỏi liệu mình có tới sai địa điểm không. Đó là một nhà hàng đồ nướng ngoài trời ở phía bắc Bắc Kinh. Người dân địa phương ngồi trên những chiếc ghế thấp đến nỗi giống như họ đang ngồi xổm, uống bia Yanjing và nhai thịt cừu. Phân biệt những cậu ấm cô chiêu với đám dân thường thật là khó khăn. Vì họ ăn mặc giống như tất cả mọi người: áo ba lỗ, sơ mi, quần jean, dép tông.

Thứ duy nhất để phân biệt là những chai rượu mà họ mang theo: sâm-panh Pháp và một chai Mao Đài – loại rượu chọn lọc nhất. Martin Hang – người tổ chức bữa tối hiện đang là biên tập viên một tạp chí có tên là Fortune Generation (không liên quan tới phiên bản Mỹ) giới thiệu tất cả mọi người với nhau. Trong số hơn chục khách có Wang Daqi, 30 tuổi, con trai một nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng – người gần đây đã xuất bản một cuốn sách viết về những đứa trẻ giàu có ở Trung Quốc, Albert Tang, 20 tuổi, sinh viên triết học tại ĐH Bard (Mỹ) có bố hiện đang điều hành một nhà xuất bản lớn ở Bắc Kinh và Sophia Cheng, 27 tuổi – cô gái duy nhất trong nhóm.

{keywords}
Martin Hang, 31 tuổi

Tôi vẫn không rõ cần phải đạt mức tài sản bao nhiêu để trở thành một “fuerdai”, nhưng Cheng đảm bảo với tôi rằng cô ấy đủ điều kiện (Hang thì không đồng ý). Bố mẹ cô ấy cho cô ấy một số tiền – hơn 100 triệu nhân dân tệ và cô ấy đã đầu tư số tiền này vào các công ty phim ảnh, trò chơi trên điện thoại di động và các công ty chế biến thịt. Khi đồ ăn được mang ra, chúng tôi nướng thịt theo nhóm, sau đó theo cặp, rồi lại nướng theo nhóm nhỏ, rồi lại theo cặp cho tới khi tất cả mọi người đều cảm thấy đã quen biết nhau từ rất lâu. Chúng tôi trò chuyện về kinh doanh và cả tán ngẫu nữa.

Một thành viên trong nhóm được mệnh danh là Hoàng tử sâm-panh vì thói quen gọi sâm-panh ở hộp đêm. Một người khác – Liu Xin, 30 tuổi thì nói về công nghệ chứng thực cổ vật của công ty anh. Một số người đùa về việc đám thanh niên tới hộp đêm, thuê những chai rượu đắt tiền đặt trên bàn, ra vẻ mình là người có tiền. (“Nhưng nếu một cô gái muốn uống nó thì sao?” – một người khác tự hỏi).

Tang – sinh viên triết học – kéo tôi ra một chỗ và hỏi tôi biết gì về Hội Tam Điểm. Hang là một thành viên tích cực của Tổ chức Relay China Elite Association – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một câu lạc bộ xã hội dành cho thế hệ thứ 2 giàu có. Nó có chức năng làm cầu nối cho những đứa trẻ giàu có của Trung Quốc.

Hang giải thích cách thức hoạt động của Relay. “Chúng tôi cố gắng giúp thế hệ thứ hai cùng nhau làm tốt hơn” – cậu nói một cách thận trọng và chính xác mặc dù đã uống khá nhiều.

Được thành lập từ năm 2008, Relay đã giúp các “fuerdai” gặp gỡ nhau và cùng nhau giải quyết những thách thức về tài sản. Phí tham dự hội này là 200.000 nhân dân tệ và các thành viên phải chứng minh gia đình mình phải trả ít nhất 50 triệu tệ tiền thuế mỗi năm. Tại các diễn đàn được tổ chức vài lần một năm, những người thừa kế nghe giảng bài về các chủ đề như cách tối thiểu hóa tiền thuế hay tối đa hóa lợi nhuận (“tất cả những vấn đề về pháp lý” – một thành viên khẳng định) và họ ghé thăm công ty của nhau.

Tay mở tờ tạp chí, Hang cho biết cậu hi vọng sẽ xây dựng một hình ảnh tích cực về “fuerdai” thay vì một thế hệ hư hỏng và đồi trụy như truyền thông thường đưa tin. Đó là việc xây dựng lại thương hiệu. Họ muốn thế hệ thứ hai không bị gắn với chữ “giàu có”, mà phải là “các doanh nhân thế hệ thứ hai”.

Mục tiêu của tổ chức này là khuyến khích những người thừa kế tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình, hay ít nhất là góp sức vào việc quản lý. Những công ty này rất quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc – Hang nói. Tuy nhiên, hầu hết con cái ở Trung Quốc không thích làm việc chung với bố mẹ. Hang đưa ra số liệu của ĐH Giao thông Thượng Hải vào năm 2012: 82% người thừa kế không sẵn sàng tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Hang không bàn nhiều về con số này mà chỉ nói: “Họ không sẵn sàng nhưng họ vẫn phải làm”.

Ước mơ thoát khỏi cái bóng của cha mẹ

Bản thân Hang đã từng trải qua việc này. Sau khi tốt nghiệp đại học về quản lý tài chính ở Hà Lan, Wang khởi nghiệp với tư thế vô cùng tự mãn về bản thân. Nhưng sau khi thất bại thảm hại, cậu quyết định quay về làm cho gia đình. “Tôi có thể làm một việc khác, nhưng bố mẹ tôi sẽ rất vất vả. Họ chưa bao giờ bắt tôi phải theo nghiệp kinh doanh của gia đình, nhưng tôi nghĩ điều đó là cần thiết”.

{keywords}
Even Jiang, 28 tuổi

Tất cả những đứa trẻ thế hệ thứ hai đều có chung một vấn đề: họ có tất cả mọi thứ trừ khả năng vượt qua cái bóng của cha mẹ. Bất cứ thứ gì họ đạt được sẽ được cho là nhờ gia đình, chứ không phải nhờ nỗ lực của bản thân. Hang luôn được giới thiệu là “con trai của ông Hang”.

Khi Wang – một nhà văn tìm một nhà xuất bản cho cuốn sách của mình, cậu không biết họ muốn xuất bản cuốn sách vì nó hay hay vì ông bố nổi tiếng của cậu. “Mọi người sẽ luôn nói rằng khả năng cạnh tranh duy nhất của bạn là bạn đã được đầu thai vào một gia đình tốt”. Cậu nói rằng rất khó khăn khi phải giải thích những gánh nặng về quyền thừa kế cho những người không giàu có. “Họ không bao giờ hiểu được – ‘tại sao anh lại đau khổ?’” – Wang nói. “Tôi nói rằng tài sản chẳng liên quan. Số lượng tài sản không quyết định bạn có hạnh phúc hay không. Bạn chỉ hiểu khi đã trải qua”.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết các “fuerdai” sau khi nghỉ hè ở Bali, nghỉ đông ở Alps, học triết học ở Oxford, nhận bằng MBA từ Stanford lại miễn cưỡng tiếp quản công ty sản xuất nắp kem đánh răng của gia đình.

Ping Fan, 36 tuổi – phó giám đốc điều hành Relay – đã chuyển tới Thượng Hải để khởi nghiệp thay vì làm việc ở công ty bất động sản của bố cậu ở tỉnh Liêu Ninh.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Columbia, Even Jiang, 28 tuổi đã cân nhắc tới việc tham gia vào nghiệp kinh doanh nhập khẩu kim cương của mẹ cô, nhưng họ bất đồng về hướng đi của công ty. Vì thế, cô làm việc tại Merrill Lynch, sau đó chuyển tới Thượng Hải để mở một dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Vấn đề về niềm tin

{keywords}
Những người mẫu được thuê tới dự tiệc sinh nhật của Hang

Bên cạnh những thách thức của việc thừa kế một khối tài sản khổng lồ, thế hệ thứ hai còn thiếu thốn về mặt tình cảm. Họ có những ông bố bà mẹ lạnh lùng do từng phải trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Zhang – người lái xe Uber – được gửi tới trường nội trú từ khi học mẫu giáo mặc dù bố mẹ cậu chỉ sống cách đó một quãng đường ngắn. Có lẽ để bù đắp cho sự thiếu quan tâm của mình, bố mẹ cậu đáp ứng mọi đòi hỏi của con trai, trong đó có hàng trăm chiếc ô tô đồ chơi. Giáng sinh năm ngoái, cậu tự mua cho mình một chiếc Maserati.

“Giống như thời thơ ấu của họ chưa hề kết thúc” – Wang nói về những người bạn giàu có của mình. “Thời thơ ấu chưa được thỏa mãn hoàn toàn, nên họ muốn kéo dài nó thêm”.

Do chính sách một con của Trung Quốc, hầu hết thế hệ thứ hai là con một. Đó là lý do tại sao nhiều thanh niên giam mình trong những hộp đêm tối thứ Bảy. “Họ muốn được chăm sóc. Họ muốn được yêu thương”.

Với Zhang, tiệc tùng là cách để đỡ buồn chán. Cậu thường đến câu lạc bộ 5 đêm/ tuần. “Nếu tôi không đi thì tôi không ngủ được” – Zhang nói. 2-3 lần/ tuần cậu sẽ thuê gái gọi cao cấp. Theo cậu nói là khoảng 1.000 USD trở lên cho mỗi cô gái. Cậu thích trả tiền để quan hệ tình dục hơn là tán tỉnh một cô gái. “Tôi nghĩ đó là cách tôn trọng phụ nữ”.

Nhưng cũng có những đêm, ngồi ở nhà một mình, cậu nhìn vào tất cả số điện thoại từ đầu tới cuối danh sách mà không muốn gọi cho ai. Lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện, cậu kể rằng mình có một cô bạn gái 3 năm, đối xử với cậu rất tốt, nhưng cậu không yêu cô ấy. “Anh là người đầu tiên tôi kể chuyện đó” – Zhang nói.

Hầu hết “fuerdai” không nói nhiều về những vấn đề của họ. “Họ có vấn đề về niềm tin” – Wayne Chen, 32 tuổi, một nhà đầu tư thế hệ thứ hai nhận định. “Họ cần một chỗ để nói. Họ cần một nhóm”. Và tổ chức Relay mang lại những thứ đó. Họ có thể chia sẻ một cách thành thật, không giả dối. “Nó giống như một trung tâm phục hồi chức năng” – anh nói.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Hang – ông bố của cậu con trai 4 tuổi – cho biết anh cũng không loại trừ khả năng xuất ngoại. Không chỉ vì thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt giảm, khiến những người thừa kế lo lắng, mà còn vì xã hội. “Luôn có một xu hướng “ghét người giàu” trong xã hội Trung Quốc”.

Có một thực tế là hầu hết thế hệ thứ hai không tiếp xúc nhiều với tầng lớp lao động. “Khi còn nhỏ, chúng tôi được học ở những trường tốt nhất, vì thế chúng tôi không tiếp xúc với nhiều người nghèo. Điều này rất nguy hiểm cho xã hội”.

Chính vì thế, Relay đã lên kế hoạch thực hiện một chương trình kết nối những người thừa kế với trẻ em nông thôn. Họ cũng tổ chức những chuyến đi từ thiện. Sau khi một nhà máy hóa chất phát nổ ở Thiên Tân hồi tháng 8, làm thiệt mạng hơn 100 người, các thành viên của Relay đã quyên góp 1,5 triệu nhân dân tệ thông qua chính quyền địa phương.

Khi tôi hỏi Jiang, liệu cô có cho rằng bất bình đẳng là một vấn đề của Trung Quốc, cô trả lời khá mâu thuẫn. “Tôi không biết” – Jiang nói. “Có 2 kiểu người nghèo. Một là bạn không làm việc chăm chỉ. Bạn đáng phải nghèo. Hai là bạn làm việc chăm chỉ nhưng không thành công. Tôi nghĩ chúng tôi nên giúp nhóm thứ hai… Có một câu nói là ‘Chúng tôi sẽ giúp bạn nếu bạn đang trong trường hợp khẩn cấp, nhưng chúng tôi không thể giúp bạn nếu bạn nghèo’”.

{keywords}

Wang Daqi, 30 tuổi

Một ngày, do được một người bạn cổ vũ, Wang quyết định gọi cho bố cậu để nói rằng cậu yêu ông. “Con yêu bố”. Đầu dây bên kia im lặng một lúc. “Con say à?” – bố cậu hỏi. Wang đã kể câu chuyện này trong buổi tụ tập ở nhà bố cậu vào một buổi tối tháng 8.

Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống có lẽ khó khăn với người thừa kế hơn những người khác. Một số người như Jiang và Wang, họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa nhất khi họ được đi khác con đường của cha mẹ. Còn với một số người, quay trở về giúp đỡ gia đình quản lý việc làm ăn – mà chính họ cũng ngạc nhiên – lại khiến họ hài lòng. Liu nói cô rất vui khi tiếp quản công ty thời trang của gia đình bởi vì điều đó khiến bố mẹ cô vui – một thứ tình cảm mà có lẽ bản thân cô trước đó sẽ tự giễu bản thân.

Nhưng không phải ai cũng tìm ra mục đích sống của mình. Zhang – lái xe Uber – nói rằng công việc của cậu ở công ty sản xuất chương trình truyền hình gần như không phải công việc lý tưởng. Nhưng cậu không biết mình thích gì. “Khi còn nhỏ, tôi có nhiều ước mơ” – Zhang nói khi chúng tôi trò chuyện trong quán cà phê gần cơ quan cậu. “Tôi muốn trở thành một vận động viên chơi golf, một tay đua xe, một bác sĩ hay đại loại nghề gì đó như thế… Nhưng khi bạn lớn hơn, bạn nhìn thấy nhiều thứ và bạn thấy một số mục tiêu chỉ là mơ ước”.

Zhang châm một điếu thuốc – mà theo luật là bất hợp pháp trong các tòa nhà – và công khai liếc nhìn xem bồi bàn có ngăn lại không. Zhang chưa bao giờ có những giới hạn – một điều mà có lẽ bản thân nó cũng là một giới hạn. Khi tôi hỏi cậu có vui không, Zhang nói, đó là một câu hỏi về quan điểm sống. “Bạn có thể tìm được một triệu lý do để buồn, nhưng bạn chỉ phải tìm một lý do để vui. Mỗi ngày tôi đều tìm ra một lý do để vui” – Zhang trả lời. Tôi hỏi cậu lý do để vui của hôm nay là gì. “Hôm nay, tôi được gặp anh. Đó là một chuyện vui” – Zhang nói.

Bài viết của tác giả Christopher Beam đăng trên tờ Bloomberg.

  • Nguyễn Thảo (dịch)