Đó là gia đình những nhà khoa học trứ danh, từ thế hệ cha, con đều có nhiều bước tiến rực rỡ, ghi dấu ấn của mình vào thời đại, khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.
Gia đình cố giáo sư Nguyễn Lân – gia đình khoa bảng
Cống hiến trọn đời cho nền giáo dục Việt Nam, được xem là người có công lớn
trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các
trường Sư phạm ở Việt Nam - cố Giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) là giáo sư, nhà
giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam.
Nhắc đến Nguyễn Lân, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ
của ông, mà còn ngưỡng mộ trước một gia đình mà có đến 8 người con đều là những
nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của đất nước.
Bảy con trai của cố giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung (riêng người con thứ hai - bà Nguyễn Tề Chỉnh - đã mất). Ảnh: Cường Nguyễn |
Con trai cả là giáo sư - tiến sĩ khoa học - nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, người Việt
Nam đầu tiên được cựu tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ
Công huân Liên bang Nga năm 2001, hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện Novosibirsk,
Nga.
Người con thứ hai là tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (bà đã qua đời), nguyên giảng viên
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư - tiến sĩ - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (người con thứ ba) là một
trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi
sinh vật và Công nghệ sinh học; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (người con thứ tư) là nghiên cứu viên cao
cấp, chuyên gia đầu ngành của bộ môn Cổ nhân học; Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ
học Việt Nam, giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng (người con thứ năm) giữ chức Tổng Thư ký Hội
Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng (người con thứ sáu) hiện là giảng viên Bộ
môn Hệ thống điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giáo sư - tiến sĩ - thầy thuốc nhân dân Nguyễn Lân Việt (người con thứ bảy) là
viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên hiệu
trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (người con út) là Phó Hiệu trưởng Trường
Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt
Nam.
Không những thế, tính đến 3 đời, con trai con gái, dâu rể, các cháu, gia đình
Nguyễn Lân có gần 20 Giáo sư, phó Giáo sư, tiến sĩ. Và hơn hết, đại gia đình lớn
của ông (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong, kính trên nhường
dưới, anh em yêu quý nhau. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp
nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.
Đại gia đình nhà giáo Nguyễn Lân sum họp trong ngày đầu của năm mới. |
Gia đình cố giáo sư Tôn Thất Tùng – gia đình Y Đức
Nhắc đến ngành Y Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến gia đình cố giáo sư
Tôn Thất Tùn với những con người ghi danh mình vào lịch sử Y học, không chỉ ở
Việt Nam mà cả trên thế giới.
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực
gan và giải phẫu gan. Trong 70 năm của một đời người, GS Tôn Thất Tùng đã có một
phát minh được coi là kinh điển, và để lại trong y văn thế giới 123 công trình.
Ông là cha đẻ của “phương pháp Tôn Thất Tùng” (phương pháp cắt gan có quy phạm).
Phương pháp này được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương – Phẫu thuật" của Pháp,
và được in trong "Chọn lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật" của Mỹ.
GS Tôn Thất Tùng biểu diễn phương pháp mổ gan khô do ông sáng tạo tại Pháp. Ảnh: Internet |
Cuốn "Phẫu thuật cắt gan" của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson in ở Pháp, sau đó, được Nhà xuất bản Meditsina dịch, in ở Nga.
Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên
Xô. Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương
Lannelongue cho nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới.
Ông còn đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Trường Đại học Y Hà Nội và
từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3 người con của ông là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều
tiếp nối sự nghiệp của cha bước vào ngành Y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó
Giáo sư - Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách - nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội,
nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã
hội của Quốc hội.
Gia đình GS Tôn Thất Tùng chụp chung với những người bạn. |
Tôn Thất Bách (1946 - 2004) là chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và
thế giới. Ông là Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sỹ Viện hàn lâm
ngoại khoa Pháp, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường
Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Odessa - Ukraina, thành
viên Hội ngoại khoa quốc tế.
Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng
trường Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, X và XI, Phó
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI.
Gia đình Giáo sư Đặng Vũ Khiêu – Gia đình tài hoa
GS Đặng Vũ Khiêu nổi tiếng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại và là Viện
trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã
hội học ở Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được trao
tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Huân chương Độc lập hạng
nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Giáo sư Vũ Khiêu có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những
lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông tên Đặng Thị Quỳnh Khanh, là một cử nhân
ngành sử học. Người con trai thứ hai Đặng Vũ Cảnh Khanh – giáo sư, tiến sĩ ngành
xã hội học. Người con thứ ba của giáo sư Vũ Khiêu tên Đặng Vũ Hạ, vốn là một kỹ
sư vô tuyến điện và người con thứ tư tên Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.
GS Vũ Khiêu cùng vợ chồng con trai Hạ Vũ - Tuyết Minh, cháu nội Cảnh Linh và chắt Bảo Linh |
Đặc biệt, gia đình người con trai thứ hai của ông cũng khá nổi tiếng. GS Đặng Vũ
Cảnh Khanh (1947) - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát
triển, là tiến sĩ xã hội học đầu tiên của miền Bắc (năm 1986), ông học tại
Sophia (Bungaria) với nhà xã hội học nổi tiếng thế giới Dobianov.
Gia đình giáo sư Cảnh Khanh và giáo sư Vũ Khiêu. |
Vợ của Đặng Vũ Cảnh Khanh - giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quý, là giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Giới và Phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Bà
cũng là người đầu tiên nghiên cứu nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới.
Con trai duy nhất của GS Đặng Vũ Cảnh Khanh là thạc sĩ xã hội học Đặng Vũ Cảnh
Linh - cháu đích tôn của GS Vũ Khiêu, hiện là Phó ban Thông tin và phổ biến của
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ các nguồn: wikipedia, báo nld.com.vn, báo quân
đội nhân dân, báo Thethaovanhoa.vn, báo Khoa học đời sống.
(Theo Trí thức trẻ)