Đối với eSports mà nói, mỗi năm trôi qua đều là một bước phát triển vượt bậc của nền công nghiệp thể thao điện tử và nó ngày càng thu hút được sự chú ý từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tính riêng trong năm qua, chúng ta đã được chứng kiến một The International 4 với tổng giải thưởng khổng lồ hơn 10 triệu USD, một chung kết Thế giới Liên Minh Huyền Thoại hoành tráng nhất từ trước đến nay, một vụ thâu tóm Twitch  không tưởng của Amazon với chi phí 1 tỉ USD cùng nhiều sự kiện bom tấn khác. Nhưng, trong những sự kiện đáng nói của năm 2014, cái tên nào là đáng chú ý nhất, cái tên nào có tầm ảnh hưởng nhất đến cộng đồng thế giới đây? Và dưới đây sẽ là những cái tên mà trang tin Daily Dot đưa ra để bạn đọc cùng tham khảo.

Bjergsen

Liên Minh Huyền Thoại đang là trò chơi hàng đầu thế giới, là bộ môn eSports cạnh tranh thu hút nhất hành tinh, đó là điều chắc chắn. Và tuyển thủ trẻ tuổi đầy tài năng Soren "Bjergsen" Bjerg là một trong những ngôi sao đáng chú ý nhất trong năm nay, cũng là điều chắc chắn.

Theo đuổi giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi, Bjerg đã đến Mỹ và tham gia vào Team SoloMid, một trong những tổ chức eSports hàng đầu phương Tây và rất nhanh chóng, anh tỏa sáng rồi trở thành một siêu sao hàng đầu( giành danh hiệu MVP vòng loại LCS mùa Xuân, lập kỷ lục số vàng kiếm được mỗi phút và trở thành streamer hàng đầu trên Twitch).

Với sự phục vụ của Bjergsen, không khó khi Team SoloMid có thể tìm lại được ánh hào quang của mình. Họ đã giành được chức vô địch Championship Series vòng loại mùa Hè, hai lần hạ bệ đương kim vô địch Cloud9 và Bjergsen một lần nữa là MVP của vòng playoff. Với những đóng góp của anh vào TSM, Bjergsen đã mở ra một kỷ nguyên mới của thế hệ trẻ khi bất chấp tất cả để theo đuổi giấc mơ eSports, và anh đã thành công.

Jason “Amazon” Chan

Nếu trong Hearthstone, bạn chỉ có thể nổi tiếng một trong hai kiểu: streamer nổi tiếng hoặc là đấu thủ chuyên nghiệp, thì Amaz lại là người sở hữu cả hai.

Trên kênh Twitch của anh hiện nay, hàng ngày vẫn có đều đặn từ 35 - 50.000 người theo dõi các trận đấu của anh mặc dù thời gian phát sóng ở các khu vực là khác nhau. Song, vì lý do nào mà anh lại thu hút đến như vậy? Đó là vì anh luôn biết cách khuấy động bầu không khí và luôn khiến khán giả của mình cảm thấy thích thú, hào hứng với mỗi nước bài, những câu bình luận vui đùa nhưng không kém đi sự tinh tế. Chính vì vậy, anh nổi tiếng.

Bên cạnh đó, Amaz cũng gặt hái được nhiều thành công tại các đấu trường Hearthstone lớn trong năm 2014 như vô địch IEM ShenzenM-House Cup, về nhì trong Viagame Home CupDreamHack Summer

Mức độ nổi tiếng của anh đang ngày càng bành trướng và vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại, thêm vào đó, với việc thành lập Team Archon, chiêu mộ đương kim vô địch thế giới Hearthstone, Firebat, trong năm tới có thể danh tiếng của Amaz sẽ còn nhân lên nhiều lần nữa.

Craig “Torbull” Levine

Kể từ khi trở thành quản lý của Team 3D, một trong những đội Counter-Strike tên tuổi nhất nhì thế giới thì danh tiếng của Craig cũng tăng lên một cách chóng mặt. Ông chính là người đứng sau giải đấu ESEA, một sân chơi Counter-Strike tầm cỡ thế giới sở hữu hệ thống anti-cheat vô cùng hiệu quả của Valve trong việc ngăn chặn, phát hiện những game thủ gian lận, giúp môi trường cạnh tranh Counter-Strike ngày càng trở nên trong sạch hơn.

Trong năm nay, ESEA của ông cũng đã có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp eSports khi liên tục tổ chức những giải đấu lớn kèm theo khoản tiền thưởng khổng lồ ở cả hai khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Mặc dù vẫn vẫn còn xuất hiện những người chơi gian lận song chính vì tính công minh của mình mà ESEA ngày càng có chỗ đứng trong cộng đồng Counter-Strike: Global Offensive.

Tuy nhiên, điều khiến ông trở có mặt trong danh sách này là động thái nhường lại Esports Services cho Electronic Sports League, từ đó nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên. Như chúng ta đều biết, ESL là một trong những tổ chức eSports hàng đầu của châu Âu và họ vẫn luôn ấp ủ ý định mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang Bắc Mỹ, muốn làm được điều đó, họ phải hợp tác được với Levine. Chính ông là người đã giúp ESL ghi dấu ấn đầu tiên của mình tại Bắc Mỹ bằng cách mở một studio tại Burbank, Califonia và tổ chức một sự kiện của ESL tại rạp hát danh tiếng Madison Square Gardon.

Matt “Nadeshot” Haag

Với những gì mà Haag đã mang lại cho nền cạnh tranh Call of Duty chuyên nghiệp thì hai từ "đóng góp" không thôi hoàn toàn chưa đủ. Tuần báo danh tiếng New York Times thậm chí còn có hẳn một bài viết khoảng 2.300 từ để nói về cuộc sống của anh, tinh thần trách nhiệm, sự nghiệp thi đấu cũng như những gì anh đã đóng góp cho làng eSports thế giới.

Nếu những ai chưa biết đến Optic Gaming, chắc hẳn họ sẽ mù mờ không hiểu Haag là ai, rốt cuộc anh ta đã làm gì mà lại được vinh dự như vậy? Xin thưa, với tư cách là một nhà kinh doanh, chính Haag đã dẫn dắt Optic Gaming trở thành một trong những đội tuyển chuyên nghiệp đầu tiên kể từ khi Call of Duty trở thành một bộ môn cạnh tranh. Với tư cách là một game thủ, kỹ năng, nhân cách, tinh thần thi đấu ngoan cường của anh đã thổi linh hồn vào những trận đấu sặc mùi súng đạn và mang lại cảm xúc khó quên cho người hâm mộ.

Có thể nói, Call of Duty nói chung và Optic Gaming nói riêng khó mà có được thành tựu như ngày hôm nay nếu như không có Haag. Cho dù anh xuất hiện bằng cách nào, trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay tại các giải đấu tầm cỡ thì cái tên Matt "Nadeshot" Haag luôn là mẫu game thủ eSports mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo.

Icefrog

Nhìn vào mức độ phổ cập của eSports hiện nay, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng nó nổi tiếng bởi quy tụ được các game thủ chuyên nghiệp hàng đầu, những giải thưởng khổng lồ hấp dẫn cho nên mới thu hút đến vậy. Cách nhìn nhận như vậy không sai, nhưng nếu không có cha đẻ của "game MOBA" thì liệu eSports có được nổi tiếng được như ngày hôm nay không?

Vì vậy, chúng ta phải kể đến Icefrog, người có công lớn nhất trong việc tạo ra một sân chơi cân bằng, đa dạng với đủ các thể loại kỹ năng, item độc đáo vượt xa trí tưởng tượng của con người. Ban đầu, chỉ từ một bản mod đơn giản cho Warcraft 3, Icefrog sau đó đã chỉnh sửa lại và mang đến một thứ gây nghiện trên toàn thế giới. Thành thật mà nói, nếu không có sự sáng tạo của Icefrog thì người hâm mộ ngày nay hẳn sẽ không có cơ hội để mà biết đến Smite, Heroes of Newerth, thậm chí là Liên Minh Huyền Thoại.

Tính từ khi ra mắt cho đến nay, game MOBA đã trải qua một chặng đường dài phát triển song nó chưa bao giờ là lạc hậu bởi luôn có những bản vá với nhiều sự thay đổi, tinh chỉnh mới khiến trò chơi luôn được mới mẻ và làm hài lòng người hâm mộ. Rõ ràng, nếu không có Icefrog, DOTA sẽ không có được thành tựu như ngày hôm nay.l

Xiao8

Đã từng là thủ lĩnh của Team Newbee, đương kim vô địch The International 4 với giải thưởng gần 6 triệu USD, Zhang "Xiao8" Ning được coi là tuyển thủ DOTA 2 đáng tự hào nhất từ trước đến nay của đất nước Trung Hoa.

Kể từ khi đặt chân vào nền cạnh tranh chuyên nghiệp cho đến nay, huyền thoại DOTA 2 của Trung Quốc đã có được sự nghiệp đáng ngưỡng mộ khi liên tục đứng đầu bảng xếp hạng quốc nội năm này qua năm khác, thi đấu tại các sân chơi đẳng cấp thế giới và tự hào nhất chính là vô địch The International 4.

Ở Trung Quốc, thậm chí anh còn được coi như một tượng đài sống về lối sống lành mạnh, không khoa trương, tính cách ôn hòa bên cạnh sự nghiệp thi đấu. Mọi động thái cảu anh luôn được công chúng quan tâm theo dõi sát sao, từ việc anh rời khỏi Newbee, tổ chức đám cưới, quyết định nghỉ hưu hay có ý định trở lại thi đấu, người hâm mộ đều luôn sát cánh bên anh và ủng hộ anh vô điều kiện.

Dù cho Xiao8 khoác lên mình màu áo của bất kỳ đội tuyển nào thì điều đó cũng không quan trọng bởi người hâm mộ không vì đó mà đánh giá anh. Họ yêu thích cái cách anh tập luyện chăm chỉ như thế nào, tài năng của anh ra sao, nhân cách của anh,.... Và có thể nói trong làng DOTA 2 toàn thế giới hiện nay, anh là người có tầm ảnh hưởng nhất dù có nằm trong đội tuyển nào đi chăng nữa.

Gian lận trong môi trường cạnh tranh Counter-Strike

Không lạ khi vết nhơ tai tiếng nhất của làng Counter-Strike năm nay là làn sóng truy quét những người chơi gian lận bằng phần mềm anti-cheat của Valve hồi tháng 11 vừa qua. Simon "SMN" Beck của đội tuyển Đức, Alternate, là người đầu tiên bị bắt quả tang gian lận khi anh đang thi đấu tại ESEA. Vài ngày sau, tiếp tục có thêm hai game thủ hàng đầu khác là Hovik "Kqly" Tovmassian và Gordon "Sf" Giry bị Valve sờ gáy. Những người này ngay lập tức đã bị loại ra khỏi giải đấu và phải nhận lệnh cấm từ các tổ chức giải đấu hàng đầu thế giới.

Qua những sự vụ trên, câu hỏi mà người hâm mộ đặt ra là liệu sẽ còn bao nhiêu game thủ gắn mác "chuyên nghiệp" gian lận tại các giải đấu lớn nữa đây? Và không khí lập tức trở nên cao trào khi Fnatic trở thành team Counter-Strike hay nhất thế giới thời điểm gần cuối năm nay. Trong đó, Robin "Flusha" Ronnquist là người bị cộng đồng tình nghi nhiều nhất bởi anh có những màn chơi xuất thần không tài nào lý giải được. Một tháng trôi qua, nghi vấn này vẫn tồn động mà chưa có câu trả lời thỏa đáng khiến người hâm mộ dần mất lòng tin vào nghiệp vụ tổ chức của các giải đấu. Do vậy, những người có quyền hành cao nhất giải đấu đã quyết định thực hiện một biện pháp an ninh nghiệp vụ chặt chẽ hơn để kiểm soát triệt để những game thủ tham gia thi đấu, mang lại sự trong sạch và dẹp vụ bê bối trên đi vào lịch sử.

Jack Etienne

Một năm về trước, Cloud9 khi đó chỉ là một đội LMHT mới nổi, tuy tập hợp được những chàng trai xuất sắc nhưng ai cũng hiểu họ vẫn còn khá nhiều thiếu sót trong đường lối phát triển. Người hâm mộ khi đó đã đặt ra câu hỏi, liệu họ có thể thống trị LCS hay không, hay chỉ như những ngôi sao băng lóa sáng rồi vụt tắt giữa hằng hà sa số các ngôi sao eSports khác?

Câu trả lời đến nay đã quá rõ ràng, Cloud9 hiện giờ là một trong những thế lực hàng đầu Bắc Mỹ và thậm chí là trên thế giới. Nhưng để có được sự lột xác mạnh mẽ như vậy, chúng ta phải kể đến Jack Etienne.

Thời điểm cuối mùa giải 2013, Cloud9 rơi vào cuộc khủng hoảng nặng nề về tài chính đẫn đến việc một số thành viên rời khỏi nhóm. Chính Etienne là người đã đứng ra mua lại C9 với giá 10.000 USD và áp dụng đường lối phát triển của riêng mình biến C9 thành một đế chế như ngày hôm nay.

Là chủ sở hữu đồng thời cũng là quản lý của đội, Etienne đã dẫn dắt Cloud9 trở thành cái tên đáng gờm ở bất kỳ mặt trận thi đấu nào từ Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2, Counter-Strike: Global Offensive, Hearthstone, Super Smash Bros, Halo cho đến Heroes of the Storm. Mặc dù việc mở rộng hoạt động của tổ chức có phần nhanh chóng, nếu không nói là gấp gáp nhưng Jack Etienne vẫn có thể quản lý được toàn bộ hệ thống của mình ở mức độ chuyên nghiệp nhất định mà những người khác khó có thể bắt chước. Có thể nói, thành công của Cloud9 sẽ không được như ngày hôm nay nếu đó không phải là Jack Etienne.

T.B