- Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển liên quan đến những bất bình thường, chậm, hoặc rối nhiễu về kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và hành vi.
Ảnh minh họa |
Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada hay Australia, việc đánh giá và chẩn đoán tự kỷ thường được tiến hành sớm khoảng từ 18 đến 36 tháng tuổi, ngay khi trẻ có những dấu hiệu ban đầu liên quan đến tự kỷ. Một số biểu hiện ban đầu là chậm ngôn ngữ, hành vi dập khuôn và tái lặp một cách bất thường.
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ gia tăng một cách đáng kể theo thời gian. Năm 1966, nghiên cứu dịch tễ học của Lotter xác định tỉ lệ trẻ tự kỷ là 4 – 5/ 10.000 (0,5‰). Tỷ lệ mắc tự kỷ theo Braird và cộng sự năm 1999 là 3‰.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) năm 2007 tại Mỹ là 1/150 trẻ (6,6‰) và năm 2009 là 1/110 (9,1‰). Năm 2012, tỉ lệ này đã lên tới 1/88.
Ở Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ tự kỷ. Nhưng từ năm 2000 đến nay, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng.
Rất nhiều phương pháp điều trị, giáo dục và can thiệp đối với trẻ tự kỷ đã được xây dựng và ứng dụng. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, hiện có tới hơn 100 phương pháp can thiệp và điều trị tự kỷ được giới thiệu ở Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam, cũng có đến khoảng 30 phương pháp được sử dụng. Các nghiên cứu tổng quan về điều trị lâm sàng đối với trẻ tự kỷ cho thấy, không có một phương pháp cụ thể nào có thể cải thiện tất cả các triệu chứng tự kỷ hay có hiệu quả điều trị đối với tất cả các trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều phương pháp đã được thực chứng về hiệu quả can thiệp và điều trị một số triệu chứng tự kỷ căn bản.
Có nhiều cách phân loại các phương pháp can thiệp và điều trị tự kỷ khác nhau. Thông thường, các hướng tiếp cận, mô hình và phương pháp can thiệp đối với trẻ tự kỷ được phân theo ba nhóm chính, bao gồm điều trị y-sinh học; điều trị phân tâm học; và can thiệp giáo dục. Trong đó, can thiệp giáo dục, bao gồm can thiệp hành vi; can thiệp phát triển; can thiệp dựa trên trị liệu ; can thiệp tích hợp; và can thiệp thông qua hỗ trợ gia đình. Đây được xem là hướng can thiệp hiệu quả nhất.
Tại Việt Nam, chị Lê Phương Nga đã thành công trong việc chữa bệnh tự kỷ tăng động cho chính con trai mình.
Từ 9h thứ Bảy ngày 13 tháng 7 tại Himalaya - Happy -Healthy & Meaningful Living Club (51A Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) diễn giả Lê Phương Nga sẽ có buổi nói chuyện với các gia đình có con em mắc chứng tự kỷ.
- Khánh Thư