Sáng nay, HP đã đưa ra một thông báo gây sốc, khi cho biết sẽ "đường ai nấy đi" với bộ phận PC. Lý do đưa ra là hãng đã quá ngán ngẩm với mảng kinh doanh máy tính ngày càng ít lãi và muốn thoát thân khỏi "gánh nặng tài chính" này càng sớm càng tốt.



Hiện tại, HP đang là hãng sản xuất PC lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp laptop và desktop cho rất nhiều tập đoàn lớn góp mặt trong danh sách Fortune 500. Vì thế, việc HP đột ngột chia tay máy tính để chuyển sang một mô hình giống với IBM khiến nhiều người ngõ ngàng.

Để tái khẳng định cho chiến lược hoạt động mới của mình, cùng với thông báo chia tay khối PC, HP cũng cho biết đang thương lượng để mua lại hãng phần mềm Autonomy của Anh với giá 10 tỷ USD, đồng thời khai tử mọi dự án liên quan đến nền tảng webOS mà HP có được sau khi thâu tóm Palm hồi năm ngoái. HP cho biết ban điều hành đã đồng ý cho "thử nghiệm các lối thoát chiến lược" dành cho mảng PC, bao gồm cả việc bán toàn bộ hoặc một phần khối này. HP dự đoán quy trình này sẽ hoàn tất trong 12-18 tháng nữa.

Việc HP rao bán bộ phận PC càng trở nên mỉa mai hơn, bởi năm 2001, chính HP đã mua lại Compaq với số tiền khủng khiếp lúc bấy giờ là 25 tỷ USD, chỉ để trở thành hãng PC lớn nhất thế giới. Và đúng là HP đã đạt được mục tiêu của mình. Khối PC đã mang về doanh thu 41 tỷ USD cho HP trong năm tài khóa 2010.

Vấn đề là lợi nhuận mà phần cứng PC đẻ ra lại rất thấp. Tình hình càng tệ hơn khi thị trường chuyển hướng rõ rệt sang những sản phẩm mới như iPad. Người dùng đã thay đổi cách dùng máy tính, và hiệu ứng máy tính bảng là thật sự hiện hữu", Leo Apotheker, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HP thừa nhận trong cuộc họp báo sáng nay.

Nếu như HP rũ bỏ hoàn toàn bộ phận PC, hãng sẽ theo chân IBM - vốn cũng mạnh dạn từ bỏ PC từ năm 2005 khi bán lại thương hiệu cho Lenovo.

Dưới đây là một số ít kịch bản mà giới phân tích vẽ ra cho HP:

Phong cách IBM: Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc đã mua lại bộ phận PC của IBM và ngay lập tức trở thành hãng PC lớn thứ ba thế giới. Theo như thỏa thuận, IBM nắm giữ 18,9% cổ phần trong Lenovo, còn Lenovo trả 1,25 tỷ USD để mua lại bộ phận IBM PC cũng như thanh toán hết các khoản nợ liên quan.

Phong cách Motorola: Năm 2003, Motorola thông báo bộ phận bán dẫn của hãng sẽ được tách riêng để thành lập một công ty mới có tên Freescale. Freescale phát hành cổ phiếu IPO vào tháng 7/2004.

Phong cách NEC-Lenovo: Tháng 7 năm nay, hai hãng này đã thông báo thành lập NEC Lenovo Japan Group, một liên doanh nhanh chóng trở thành hãng cung cấp PC lớn nhất Nhật Bản khi kiểm soát tới 25% thị trường PC nước này.

Chuyên gia Bob O'Donnell của IDC cho rằng phương án Motorola có vẻ khả thi hơn cả, dù việc một hãng nào đó đứng ra mua lại mảng PC cũng không phải không có khả năng. Ẩn số duy nhất hiện nay là chuyện gì sẽ xảy ra cho mảng máy in truyền thống của HP mà thôi.

Trọng Cầm (Theo CNET)

HP khai tử TouchPad, "tạm biệt" PC
Hãng PC lớn nhất thế giới vừa bất ngờ thông báo sẽ ngừng mọi dự án liên quan đến hệ điều hành WebOS trong thời gian tới, nhất là dòng máy tính bảng TouchPad và các mẫu smartphone WebOS.
 
BestBuy méo mặt vì HP TouchPad
Chuỗi siêu thị điện tử khổng lồ của Mỹ đang ngồi trên đống lửa khi trong kho hàng của hãng vẫn còn tồn đọng tới 200.000 chiếc máy tính bảng HP TouchPad chưa bán được.
 
6 thất vọng lớn về HP TouchPad
Hệ điều hành WebOS tỏ ra có tiềm năng, nhưng mẫu tablet đầu tiên của HP lại "vấp chân" ngay khi bước ra khỏi cửa. Vì sao?
 
Video cận cảnh TouchPad của HP
Video cận cảnh TouchPad của HP.