Tuy nhiên, với cách tổ chức học và thi lấy chứng chỉ quốc tế, chẳng hạn như Alevel thì điều này là bất khả kháng.

Ngày 23/5, trước phòng học 207 (khu phòng học tầng 4 nhà F) của Trường TH School (Hà Nội) đặt một tấm biển chỉ dẫn đơn giản “Đang thi, không làm phiền”. Khách đến làm việc chẳng ai biết các học sinh năm cuối của trường đang cùng các bạn đồng trang lứa trên thế giới làm bài thi Toán số 3 của bằng tú tài Anh A level. Những hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường, không bóng dáng công an, tấp nập phụ huynh đợi chờ hay nhiều ban bệ rình rang như những kỳ thi thường thấy ở Việt Nam.

{keywords}
Biển thông báo kỳ thi đang diễn ra bên trong

Những quy định nghiêm ngặt

Bên trong phòng thi, học sinh ngồi cách nhau 1.25m. Giám thị phải đứng trong phòng suốt thời gian diễn ra để quan sát. Để trông thi, cán bộ khảo thí được tuyển lựa kỹ lưỡng, thậm chí còn có cả “lời thề” như kiểu Hypocrat, chưa kể khi tập huấn sẽ có sổ tay hướng dẫn “cầm tay, chỉ việc” dày hàng trăm trang.

Chị Vân Anh, trưởng phòng khảo thí và tuyển sinh của trường cho biết: Nhìn thì đơn giản, kỳ thực kỳ thi này vận hành rất hệ thống, khoa học. Để trở thành trung tâm khảo thí của ĐH Cambrigde, trường phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về cơ sở hạ tầng như hệ thống phòng thi, phòng thực hành thí nghiệm, các yếu tố đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thí sinh; phòng lưu bài thi, đề thi phải đảm bảo bảo mật: tường và trần nhà là kết cấu cố định, không có cửa sổ, hành lang phải có chuông báo động, hệ thống camera giám sát...Trung tâm khảo thí của trường nhận đề thi về có khi trước cả tháng, cho vào két sắt. Trong thời gian thi, thanh tra Cambridge từ tổng hành dinh sẽ bất ngờ xuất hiện. Trong 3 năm vừa qua, trường đã 2 lần đột ngột đón thanh tra đến, trước giờ thi 30 phút. Các bài thi được tổ chức đồng loạt tại các múi giờ theo quy định của Cambridge trên toàn thế giới nên đơn vị tổ chức sẽ có cách bố trí mã đề theo múi giờ để tránh lộ đề. Kết thúc thi 30 phút, toàn bộ bài thi được niêm phong và chuyển sang Anh theo dịch vụ chuyển phát nhanh, kiểm soát bằng mã vạch.

{keywords}
Chị Vân Anh, trưởng phòng khảo thí và tuyển sinh của trường TH School

 

Không có chuyện may rủi

Chị Vân Anh nói rằng kỳ thi A - Level Cambridge luôn nhấn mạnh lợi ích cuối cùng là dành cho thí sinh.

Chẳng hạn, thí sinh đến muộn có lý do chính đáng, hoặc bất ngờ gặp tai nạn, thương tích... thì không phải đều tự động bị huỷ thi mà được cân nhắc đưa vào dạng “thí sinh có hoàn cảnh bất lợi” để xem xét.

Nhưng lợi ích lớn nhất là sự minh bạch: Mọi thí sinh đều có quyền được học, quyền được đánh giá đúng bản chất.

Thực ra, chuyện “may rủi” không chỉ ở cách xử lý những tình huống đặc biệt trên, mà nằm ở triết lý đánh giá cả quá trình học tập của học sinh.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia khảo thí, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay có khá nhiều bất cập: "Cõng" nhiều mục tiêu “quá sức”; cách tổ chức cồng kềnh, dồn tất cả sự đánh giá vào mấy bài thi trong 3 ngày thi liên tục của 1 đợt thi khiến sự căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Trong khi đó, học và thi “theo kiểu Alevel” thì thoáng hơn hẳn.

{keywords}
Thầy Tony Salt cùng cô trợ giảng người Việt trong phòng thực hành môn Khoa học của trường

Mỗi năm có 2 kỳ thi, mỗi lần thi kéo dài 1-2 tháng. Thậm chí, đến tháng 8 mới có kết quả của đợt thi tháng 5 nhưng hiện tại, nhiều bạn đã biết mình sẽ học đại học ở đâu vì có những trường chấp nhận “điểm dự đoán của thầy cô”.

Sở dĩ như vậy vì ngay từ khi vào cấp 3, học sinh đã được chuẩn bị tâm thế chủ động: Được chọn môn học, không phải học hết 13 môn bắt buộc. Điểm khác biệt nữa là trong khi học thì các em được thực hành, ứng dụng rất nhiều kiến thức lý thuyết để giải quyết vấn đề. Ngay đến các bài thi, phần thực hành chiếm đến 25-30%. Ở các môn khoa học cơ bản (Lý, Hoá, Sinh), đến bài thi thứ 3 là phải làm thí nghiệm thực hành; thí sinh và giáo viên đều cùng phải làm thí nghiệm (giáo viên làm thí nghiệm trong phòng riêng, song song với thí sinh và hết giờ thi sẽ mang kết quả của học sinh so sánh với kết quả thí nghiệm của giáo viên – PV). Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh và bài thi cũng làm bằng tiếng Anh. Trong môi trường đó, tiếng Anh "ngấm" vào các em như tiếng mẹ đẻ"

Châu Anh – một học sinh của Trường TH School –nói: “Việc nhồi nhét kiến thức sát ngày thi là không có. Học ở đây là để hiểu vấn đề chứ không phải là chuẩn bị để thi, tức là mình phải chủ động đón kiến thức chứ không phải bị động cho những kỳ thi”.

Tony Salt, cho hay, gian lận thi cử là điều ông chưa từng chứng kiến trong sự nghiệp dạy học 35 năm tại 7 quốc gia trên thế giới. Còn Nguyễn Việt Trung, một nam sinh xuất sắc vừa được 10 trường đại học lớn của Mỹ cấp học bổng, cho biết, thầy cô rất chú trọng dạy đạo đức học thuật cho học sinh – điều mà giáo viên Việt Nam còn chưa mấy lưu tâm. Khi thay đổi công việc, có những thầy cô đã lấy thư giới thiệu từ học sinh. "Thầy cô giữ sự trung thực cho học sinh cũng chính là giữ cho chính mình", em nói. Trung cũng cho rằng thầy cô trường quốc tế được trả lương cao, có thu nhập tốt nên rất chú trọng chuyện liêm chính học đường.

Cần cải tiến học và thi thực chất

Trong tuần đầu tiên của phiên họp Quốc hội tháng 5, có đại biểu đã đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT theo cách đang vận hành. TS Mai Văn Tỉnh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nói rằng các kỳ thi đông người và tuyển sinh đại học ở các nước Đông Á hiện nay “đều là gót chân Asin” của cải cách giáo dục thế kỷ 21. Miệt mài học và thi một cách lạc hậu đã chiếm hết thời gian và năng lượng của học sinh.

{keywords}
Bảng công thức toán học mà các học sinh của cô Jane Ball "ghi nhớ" trên bức tường lớp học

Chừng nào thi cử còn cồng kềnh, rềnh rang và hướng tới sự học đối phó thì sự tụt hậu còn hiện rõ. Trong bối cảnh đó, những cách tổ chức học và thi như A level là một tham khảo rất cần thiết phải nhìn nhận nghiêm túc và áp dụng rộng rãi hơn.

Ông Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - từng theo học Alevel ở Anh - khá hào hứng khi ĐHQG Hà Nội (“đại học mẹ”) chấp nhận xét tuyển các học sinh có chứng chỉ này. Mùa tuyển sinh 2019, trường sẽ lùi thời gian nhận hồ sơ đến tháng 8 (thời gian mà kỳ thi Alevel có kết quả) để đón thêm các học sinh Alevel.

Còn bà Anh Thư, Trưởng phòng Đào tạo của trường nhìn nhận: Cùng với xu hướng quốc tế hoá giáo dục đại học và phong trào tự chủ đại học, các trường đại học Việt Nam nếu không muốn mất sinh viên, thêm nguồn tuyển sinh sẽ phải tính tới chấp nhận các cách thức tuyển sinh đa dạng. Trong khi các trường đại học trên thế giới đón nhận, thì cớ gì các trường trong nước lại không mở thêm cánh cửa cho những cách thức tuyển chọn thí sinh minh bạch và thực chất.

Song Nguyên

Gian lận thi cử Sơn La: Khai trừ 8 cán bộ ra khỏi Đảng

Gian lận thi cử Sơn La: Khai trừ 8 cán bộ ra khỏi Đảng

Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, các cơ quan chức năng đang làm việc với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La.