Nửa đêm một ngày mùa hè năm 2011, Giáo sư Diederik Stapel vội đến nhà đồng nghiệp vì một cuộc gọi khẩn. “Họ nghi ngờ cậu gian lận trong nghiên cứu. Tôi hỏi có phải cậu đã làm giả dữ liệu?”. “Không, thật nực cười, tất nhiên không”, Giáo sư Diederik Stapel trả lời người bạn lâu năm, đồng thời là cấp trên của ông tại Đại học Tilburg, Hà Lan.
Đại học Groningen, nơi ông Stapel đã thực hiện nhiều thực nghiệm gian lận |
Giáo sư nổi tiếng “dính chàm”
Năm 2010, Giáo sư Diederik Stapel độ tuổi 40 được bầu làm Trưởng khoa Khoa học xã hội và hành vi thuộc Đại học Tilburg còn bạn thân của ông, Marcel Zeelenberg là Hiệu trưởng. “Đối thủ có lẽ mở cuộc công kích tôi bởi những thay đổi khi bắt đầu làm Trưởng khoa”, Giáo sư Stapel nói với đồng nghiệp.
Giáo sư Stapel nổi tiếng trong nước và nước ngoài, là tác giả của một số nghiên cứu đáng chú ý về thái độ và hành vi của con người. Linh cảm chuyện xấu, Stapel lái xe đến trường Đại học Groningen, nơi ông công tác giai đoạn 2000-2006. Để bảo vệ mình, ông cần tìm lại một số chi tiết trong các dữ liệu nghiên cứu đã làm ở đây. Đêm đó, ông quyết định nói sự thật với vợ. Một tuần sau, ông bị đình chỉ công tác, nhà trường tổ chức một cuộc họp báo công bố về điều tra gian lận của Giáo sư Diederik Stapel. Scandal gian lận của một giáo sư danh tiếng đã trở thành chủ đề được báo chí Hà Lan tập trung khai thác.
Gần 1 năm sau khi Stapel bị cách chức, người ta đã thành lập ủy ban điều tra tại 3 trường đại học nơi ông từng làm việc: Amsterdam, Groningen và Tilburg để xác định mức độ gian lận trong hàng chục công trình nghiên cứu của ông. Công việc điều tra còn liên quan đến những công trình mà Stapel làm đồng tác giả và hơn 20 luận án tiến sỹ mà ông hướng dẫn.
Nghiên cứu cũng là kinh doanh, tiếp thị
Gian lận trong khoa học không phải là hiện tượng mới. Sự việc nổi bật nhất gần đây phải kể đến nhà nghiên cứu tế bào gốc Hàn Quốc Hwang Woo Suk với hầu hết kết quả nghiên cứu là dối trá hay nhà sinh vật học tiến hóa Marc Hauser của Đại học Harvard phải từ chức năm 2011 vì không trung thực. Với nhiều người, hành vi sai trái trong khoa học không nhiều nhưng khó có thể chấp nhận và tha thứ.
Sinh ra và lớn lên gần Amsterdam, Stapel từ nhỏ đã học rất giỏi. Năm 1997, ông được cấp bằng tiến sỹ. Stapel trở thành giáo sư tại Đại học Groningen năm 2000 – cũng là thời điểm tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến qua giải thưởng của Hiệp hội Tâm lý xã hội học thực nghiệm châu Âu. Stapel kể, một lần trong một nghiên cứu với các sinh viên mà ông phụ trách, ông không có được kết quả mong đợi, đứng trước tình huống là phải làm lại từ đầu trong khi thời hạn hoàn thành đang tới gần, Giáo sư Stapel quyết định “bịa” ra các con số. Kết quả được công bố trên tạp chí Tâm lý xã hội và Tính cách năm 2004. Sau đó, một mình ông cho ra lò hàng chục nghiên cứu với những con số mà nhiều đồng nghiệp phải kinh ngạc.
Giáo sư Stapel tâm sự, những gì công chúng không nhận ra là khoa học hàn lâm cũng đã trở thành một công việc kinh doanh. “Nguồn lực khan hiếm, bạn cần tài trợ, cần tiền nghiên cứu, vì thế có sự cạnh tranh. Khoa học hiển nhiên là phát hiện, đào bới để khám phá sự thật nhưng cũng cần giao tiếp, thuyết phục, tiếp thị”, Stapel lấy ví dụ về 2 nhà tâm lý học ông ngưỡng mộ - John Cacioppo và Daniel Gilbert. “Họ nói chuyện tại Berlin, hai ngày sau đó diễn thuyết ở Amsterdam, sau đó di chuyển sang London. Họ như các thương gia trên hành trình bán những câu chuyện của mình”.
Không thể đổ lỗi cho hệ thống
Những tin đồn về gian lận đeo đuổi Stapel từ Đại học Groningen đến Tilburg nhưng không đủ chứng cứ để điều tra. Cho đến mùa xuân năm 2010, một sinh viên nhận thấy sự bất thường trong 3 thí nghiệm mà Giáo sư Stapel cùng làm việc với anh. Khi được hỏi về các dữ liệu thô, ông bảo không còn giữ. Cùng thời điểm, một sinh viên khác kiểm tra một số bộ dữ liệu và luận án mà ông Stapel đã cung cấp cho sinh viên, kết quả là có những dữ liệu gần như giống hệt nhau.
Cuối tháng 11-2012, các trường đại học công bố kết luận cuối cùng của họ tại một cuộc họp báo chung: Giáo sư Stapel đã gian lận trong ít nhất 55 bài viết, trong đó có dữ liệu được sử dụng trong 10 luận án tiến sĩ của sinh viên. Có một số hoạt động “khoa học cẩu thả” như sử dụng sai số liệu thống kê, bỏ qua các dữ liệu không phù hợp với giả thuyết mong muốn và theo đuổi một câu chuyện nghe hấp dẫn dù không có cơ sở khoa học. Các đồng nghiệp, biên tập viên tạp chí và các nhà quản lý cũng được cho là có lỗi khi để Stapel đi quá xa.
Sự nghiệp sụp đổ, Stapel giờ chỉ còn cách chấp nhận: “Không thể nói là do hệ thống. Có nhiều điều xảy ra là tùy theo tình huống nhưng tôi đã cố tình phạm phải”.
Tháng 11-2011, Diederik Stapel đã trả lại danh hiệu Tiến sỹ cho trường Đại học Amsterdam. Tháng 6-2013, ông Stapel đồng ý lao động công ích 120 giờ đồng hồ và từ bỏ một số quyền lợi liên quan đến hỗ trợ nghỉ việc tương đương 1 năm rưỡi lương để tránh các cáo buộc hình sự.
(Theo An Ninh Thủ Đô/ New York Times)