- Phụ nữ sinh con nếu không may tử vong thì đứa con sẽ được chôn sống theo mẹ. Nếu sinh đôi, thì những đứa con sẽ được mang lên rừng bỏ làm mồi cho thú dữ... Đó là những luật tục bất thành văn của một bộ phận người dân tộc vùng cao Quảng Nam vẫn còn tồn tại đến hôm nay...

Những luật tục chết người ấy tưởng đã chìm vào quá khứ của bóng đêm mông muội. Nhưng ở đâu đó trên mỗi bản làng vùng cao, nỗi ám ảnh của luật tục vẫn còn bủa vây những số phận con người bé nhỏ giữa rừng thẳm.

Chúng tôi đã tìm về những bản làng hút heo giữa đại ngàn Trường Sơn để đi tìm những người dũng cảm bước qua lời nguyền chết chóc với mong muốn những luật tục chết người kia không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, giúp bao số phận bước ra ánh sáng văn minh...


Nhiều năm trời tôi rong ruổi qua những miền rừng dọc theo dãy Trường Sơn (thuộc địa bàn Quảng Nam), những câu chuyện kinh hoàng về những luật tục bất thành văn tưởng chừng không tồn tại.

Nhưng đâu đó trong mỗi bản làng vùng cao, nổi ám ảnh rừng ma, chuyện bùa mê thuốc lú đến chuyện những đứa trẻ chôn sống theo mẹ và luật tục trả đầu đẫm máu luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng và không thể tin nổi đối với người dân đô thị.

Một trong những đứa trẻ được chị Phương giải cứu không cho cha mẹ đem bỏ vào rừng làm mồi cho thú dữ ở.

Trong đêm lạnh cong cóng miền rừng, già làng Hồ Văn Dẻo ở thôn 2 xã Phước Thành kể cho tôi nghe chuyện luật tục đã trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng con người nơi đây.

Chuyện kể rằng: Có một vợ chồng trẻ, khi người vợ sinh đôi nhưng không chịu mang con bỏ vào rừng, một thời gian sau cả gia đình ấy đều mắc bệnh mà chết, riêng người chồng thì trở nên khờ dại và cứ lang thang mãi trong rừng?!

Những chuyện như thế vẫn được truyền tụng ở các bản làng, lâu dần nó ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, trở thành một lời nguyền chết chóc đến kinh hoàng.

“Ngày trước, khi sinh đôi thì người ta bỏ cả hai chứ không giữ lại đứa nào hết, sau này mới có chuyện giữ lại một đứa để nuôi. Khi bỏ con vào rừng, người ta không chôn ngay mà bỏ vào một cái giỏ treo lên cây, rồi rào gốc cây ấy lại, khoảng 2-3 ngày sau thì mới đem đi chôn. Nếu ai không làm thế thì sẽ bị con ma rừng bắt phạt, bị bản làng xa lánh, thế nên ai cũng sợ” - già Đinh Văn Vía (trú thôn Ba, xã Phước Chánh) kể lại cái luật tục mà ông không biết nó xuất phát từ đâu.

Hồ Thị Hiếu và đứa trẻ mới được giải cứu khỏi chôn sống theo mẹ.

Nhiều luật tục hà khắc với phụ nữ miền rừng đến kinh dị. Khi đến ngày sinh, những người phụ nữ Bhnoong, Xê Đăng... phải vào rừng dựng cho mình một cái lều nhỏ để tự sinh nở và nếu sinh đôi thì họ bỏ con lại trong rừng hoặc người mẹ không vượt cạn được thì cả hai mẹ con nằm chết trong túp lều mà không ai biết đến.

Người vùng cao gọi là cái chết xấu và là con ma rừng, nên họ phải tránh...

Tôi ngược lên làng Tắk Giang đúng vào ngày làng ở 'cữ' sau cái chết của sản phụ Hồ Thị Yên (sinh năm 1978) vào rạng sáng ngày 2-9. Mặc dù đã cậy nhờ chính quyền địa phương can thiệp, nhưng đành phải đứng từ bên kia dốc nhìn vào cành cây héo úa đặt trước cổng vào làng báo hiệu làng đang ở “cữ” do cái chết xấu.

Ngôi làng Tắk Giang vỏn vẹn chưa đầy 100 nóc nhà của đồng bào Xê Đăng nghèo khó nằm rải rác trong cánh rừng già.

Theo luật tục, mỗi khi trong làng có người “chết xấu”, là cả làng tiến hành ở cữ “nội bất xuất ngoại bất nhập”, cấm tất cả dân làng ra ngoài và người bên ngoài đặt chân vào. Ai không tuân theo sẽ bị già làng phạt nộp trâu, heo, gà…

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích, người gắn cả đời nơi miền rừng này kể cho tôi nghe nhiều luật tục mà không dễ gì xoá được.

Còn nhớ trận lũ kinh hoàng năm 2009, núi sập vùi lấp trường Trà Nam, khiến 1 học sinh người đồng bào dân tộc chết. Ngay sau đó, toàn bộ học sinh của trường đều bỏ học về làng vì sợ con ma và cái chết xấu.

Phải mất hơn 2 tháng trời, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo vận động các em mới trở lại trường. Nhưng không em nào chịu học tại trường cũ, địa phương đành phải che lều tạm cho các em học.

Một góc làng dồng bào Xê Đăng vùng cao vẫn còn những luật tục kinh hoàng.

Ông Kích nhớ lại, vào mùa mưa lũ năm 2008, một cán bộ xã Trà Tập trên đường đi họp về bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi tìm kiếm được xác của cán bộ xấu số này đưa về làng để chôn cất nhưng già làng kiên quyết không chịu, vì đây là cái chết xấu không được đưa về làng.

'Chết ở đâu chôn ở đó!' - già làng phán.

Sau khi lãnh đạo huyện lên vận động, dân làng mới đồng ý cho đưa về làng nhưng với điều kiện, nếu làng xảy ra chuyện bà con đau ốm thì cán bộ phải chịu trách nhiệm.

Những luật tục đẫm máu

Trong những luật tục của người đồng bào vùng cao Quảng Nam vẫn còn nhiều luật tục đẫm máu với những vụ án kinh hoàng mà mãi bây giờ ngồi hồi tưởng lại, những cán bộ điều tra công an Quảng Nam - Đà Nẵng cũ vẫn không thể nào quên.

Đó là vụ án kinh hoàng khi 18 phu vàng bị người dân làng Pà Lừa đưa vào rừng chặt đầu theo luật tục trả đầu xảy ra vào năm 1986 tại làng Pà Lừa, thuộc địa bàn xã La Dê, huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang.

Trong ký ức của mình, tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày kinh hoàng ấy. Đó là vào buổi trưa một ngày tháng 5, lúc đó tôi còn là phu vàng trẻ con theo chân những người làm vàng lên Giằng để đào vàng tìm kiếm vận may đổi đời.

Khi nhóm làm vàng của tôi vượt phà Giằng lên Pà Lừa, đến giữa đường thì một nhóm làm vàng trên đường chạy về báo tin 18 phu vàng cùng quê với tôi đã bị chặt đầu giữa rừng sâu.

Cả nhóm đành quay trở lại, mãi mấy ngày sau tôi mới biết được tin một nhóm làm vàng quê Hà Nam Ninh đang đào vàng đầu nguồn nước của người dân Pà Lừa, nên bị người dân phát hiện ngăn cản.

Nhóm làm vàng đã đánh chết một người trong làng. Sau khi gây án, nhóm làm vàng bỏ trốn lên rừng.

Những làng đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn còn tồn tại những luật tục chết người

Sau đó dân làng Pà Lừa đã huy động thanh niên trai tráng trong làng lùng bắt những người làm vàng đưa về làng để xử theo luật trả đầu của đồng bào Cơ Tu. Cả nhóm làm vàng gây ra án mạng đã trốn thoát, trong lúc đó một nhóm làm vàng quê Quế Sơn và Thăng Bình gồm 19 người không hề hay biết đang trên đường vào bãi Vàng Pà Lừa đã bị dân làng bắt giữ.

Toàn bộ 19 phu vàng bị bắt trói hai người lại với nhau thành 9 cặp, còn lại một người trói riêng.

Sau đó già làng ra lệnh đưa toàn bộ 19 người vào rừng sâu chặt đầu. Trong vụ án mạng kinh hoàng đó, rất may một người bị trói riêng đã chạy thoát về báo với chính quyền địa phương. Vụ án sau đó được khởi tố và đưa ra xét xử.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quảng Nam vẫn còn nhớ như in vụ án kinh hoàng này, lúc đó ông là kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, từng tham gia điều tra.

Ông Thảo bảo, có lẽ trong đời làm kiểm sát của mình, đây là vụ án ông kinh hoàng nhất ở miền rừng Quảng Nam, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 25 năm.

Tuy nhiên, sau đó, nhiều vụ án kinh hoàng vẫn thường xảy ra ở các bản làng người đồng bào dân tộc vùng cao.

Vào năm 2006, một vụ án mạng đau lòng xảy ra tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My chỉ vì một lời phán của già làng mà một người phụ nữ đã cùng chồng đưa đứa con mới hai tuổi vào rừng siết cổ chết.

Nguyên nhân, chỉ vì đứa trẻ này thường hay bò đến nhà của người dân trong làng tìm thức ăn.

Vụ án đau lòng đó cũng được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, những luật tục chết người này vẫn còn tồn tại không dễ gì xoá bỏ được.


Vũ Trung

(còn nữa)