Tại các làng trẻ SOS, làng trẻ
Birla (Hà Nội), chi tiêu hàng tháng chỉ gói gọn trong khoảng 500-600 ngàn
đồng/em. Vẫn ánh mắt ngây thơ, gương mặt hồn nhiên như bao đứa trẻ khác nhưng
trong mắt các em ánh lên khát khao, khắc khoải yêu thương.
Khát cháy yêu thương
Đi thăm các làng trẻ như Birla hay SOS, một điều thấy rõ là không chỉ thiếu thốn
vật chất, các em còn luôn khát khao tình cảm.
“Nhiều khi, nhìn các con ngồi buồn, tự hỏi cha mẹ đẻ của mình là ai mà tôi thấy
lòng quặn lại, xót xa. Có khi, đang giữa buổi, các con chạy về, khóc mếu máo,
giọng lạc đi, bảo rằng không đi học nữa vì bị các bạn cùng lớp nói mình là đứa
không cha không mẹ,” người bảo mẫu của làng trẻ Birla nói.
Ở những nơi này, bao nhiêu mảnh đời là bấy nhiêu số phận bất hạnh. Ở một góc sân
làng trẻ SOS, cô bé Đỗ Thị Nhân say sưa đọc một cuốn truyện thiếu nhi. Ngước ánh
mắt trong veo, cô bé kể: Cuốn truyện là món quà các anh chị tình nguyện tặng bé;
các anh chị em trong gia đình truyền tay nhau đọc.
Cách đây 8 năm, cô bé bị bỏ rơi, đặt nằm ngay trước cổng làng SOS. Không có mối
dây liên lạc nào với gia đình, chưa bao giờ có người thân đến thăm Nhân. Cô bé
lớn lên trong làng SOS. Thể trạng gầy yếu lại mắc bệnh viêm phổi, trong cơn mơ,
nhiều đêm em vẫn gọi mẹ như một bản năng.
|
Nặng gánh mưu sinh
Không mang mặc cảm mồ côi, những đứa trẻ ở lớp học tình thương Hạ Đình (Thanh
Xuân) lại sớm mang ám ảnh về gánh nặng mưu sinh.
Một buổi sáng mùa đông ở lớp học Tình thương Hạ Đình, cậu bé 12 tuổi Hoàng Long
co ro trong chiếc áo sơ mi trắng đã ố màu, gương mặt nhợt nhạt trong cái lạnh
mùa đông. Long kể, em chưa biết mặt ba bởi ba em qua đời khi em còn trong bụng
mẹ. Năm em bốn tuổi, mẹ đi lấy chồng nên em phải sống cùng ông bà ngoại. Nhà
ngoại nghèo, ông bà đã già yếu, em không được đi học. Gia đình gửi em tới lớp
học tình thương này.
“Em chỉ ước có thêm vài bộ quần áo để mùa đông đỡ lạnh,” cậu bé nói về ước mơ
giản dị của mình.
Ở một góc khác, cô bé Trần Thị Lài ngồi lặng đi. Dù đã 11 tuổi nhưng năm nay Lài
mới học lớp một. Gia đình em vốn quê ở Thanh Hóa. Do người cha thường xuyên say
rượu, đánh đập ba mẹ con nên mẹ Lài phải dắt theo em cùng người anh trai lên Hà
Nội mưu sinh.
Sáng sáng, hai anh em Lài đưa nhau tới lớp rồi buổi chiều lại lang thang khắp
các phố phường với vài phong kẹo cao su, mấy chiếc bật lửa,… kiếm sống. Với em,
ước mơ lớn nhất là cha không còn nghiện rượu và đánh đập mẹ con em nữa. Nói rồi,
đôi mắt em nhòe lệ, nhìn xa xăm.
|
Gồng mình đối mặt gánh nặng
kinh tế
Trong khung cảnh bình yên, tĩnh lặng với những mái nhà đỏ, khuôn viên cây xanh
nơi này, ít người biết rằng, các mẹ, các em đang ngày ngày phải gồng mình đối
mặt với gánh nặng kinh tế.
“Khéo co thì ấm,” mẹ Nguyễn Thị Diện ở làng trẻ Birla chia sẻ. Đặc biệt, khi giá
cả leo thang trong những tháng cuối năm, hoàn cảnh của các em càng khó khăn hơn.
Bình thường, các khu vườn ở làng trẻ SOS trồng rất nhiều cây ăn quả nhưng vài
năm gần đây, mỗi gia đình chỉ giữ lại những cây trồng thiết yếu, lâu năm nhất,
còn lại phải chặt bớt để lấy diện tích trồng rau.
Vào dịp ngày mùa, các mẹ chia nhau tỏa về các làng quê để thu mua gạo, đỗ, lạc…
mang về Hà Nội, chế biến sẵn, để dành cho mùa đông. “Làm như vậy, vừa tiết kiệm
chi phí lại mua được đồ mới thu hoạch,” mẹ Diện nói.
Box:
Công ty điện tử LG Việt Nam vừa
phát động chương trình “Góp áo may chăn, mang niềm vui tới” nhằm quyên góp áo cũ
để may chăn cho trẻ em ở Làng trẻ Hòa Bình và Làng trẻ SOS Gò Vấp.
Những chiếc áo cũ sẽ được LG Việt Nam giặt sạch, phân loại chất liệu và may
thành những chiếc chăn với thiết kế phối màu phù hợp. LG Việt Nam cho biết, họ
có kế hoạch mở rộng chương trình này cho nhiều làng trẻ em trong năm tới do nhu
cầu rất lớn.
“Sự chung tay của toàn xã hội qua những tấm chăn nghĩa tình sẽ giúp các em có
thêm hơi ấm cả trong tâm hồn. Các em sẽ biết mình vẫn được quan tâm, được chăm
sóc. Điều đó sẽ giúp các em yêu thương cuộc đời hơn, trưởng thành hoàn thiện hơn
và tốt đẹp hơn”, đại diện LG Việt Nam cho biết.
Thông tin chi tiết xin liên hệ 1800-1503 hoặc website: lgsmile.com
-
Thu Hằng