Xe 477 Molot
Vào giữa những năm 1980, các kỹ sư từ nhiều cơ quan thiết kế của Liên Xô đã quyết định chế tạo một chiếc xe tăng mới với tháp pháo tự động. Dự án này đã đưa ra nhiều giải pháp hữu dụng và cách bố trí linh kiện khác biệt.
Chiếc Molot, theo các nhà sản xuất, có thể sẽ được trang bị loại pháo mạnh nhất thời đó là pháo 152mm, có thể bắn tối đa 34 hoặc 35 phát và sử dụng được nhiều loại đạn.
Ông Sergei Suvorov, một chuyên gia về xe thiết giáp quân sự nói về những đặc điểm có một không hai của xe 477 rằng: “Xe 447 không nên coi là một chiếc xe tăng thông thường. Khác với những loại xe tăng được sử dụng rộng rãi khác, tổ lái sẽ hoàn toàn ngồi bên trong thân xe. Phía trên chỉ có một khẩu pháo với hệ thống nạp đạn tự động, một thiết bị ngắm bắn và các thiết bị dành cho mục đích do thám nhằm đảm bảo độ chính xác của mỗi phát bắn”.
|
Xe 775, một trong những "xe tăng bắn tên lửa" thử nghiệm của Nga. |
Xe 775
Một trong những xu hướng phát triển của vũ khí hiện đại đó là sự ra đời của tên lửa và ứng dụng rộng rãi của chúng đối với các loại khí tài quân sự, và xe tăng cũng không phải là ngoại lệ.
Vào năm 1964, một nhóm các kỹ sư của Nhà máy Chelyabinsk do ông Pavel Isakov đứng đầu đã thiết kế một chiếc “xe tăng tên lửa”, còn được biết đến với tên hiệu là Xe 775. Về lý thuyết, xe tăng này không thể bắn đạn pháo thông thường. Thay vào đó, nó được trang bị một ống phóng tên lửa 125mm và có thể sử dụng cả tên lửa định hướng và tên lửa thường.
“Xe tăng tên lửa” của Pavel Isakov được cho là nâng cao tỷ lệ chiến thắng khi giao chiến, với rất nhiều những đổi mới trong thiết kế. Một trong số đó là hệ thống treo thủy khí, giúp cho xe tăng có gầm thấp hơn và bám đường tốt hơn. Mặc dù xe tăng này chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt, đây là những ý tưởng lớn và đã được áp dụng khi phát triển các loại xe tăng mới.
|
Xe 640 Black Eagle, xe tăng thử nghiệm có ảnh hưởng nhất của Nga. |
Xe 640 Black Eagle
Là một trong những mẫu xe tăng được chú ý nhất trong lịch sử xe thiết giáp, Xe 640, xuất hiện lần đầu vào giữa những năm 1990, có thể vận chuyển qua đường không tới bất kỳ địa điểm nào.
Xe 640 được đánh giá cao về khả năng phòng vệ. Bên cạnh lớp giáp khá dày, xe còn có cả hệ thống bảo vệ Drozd-2, có thể bắn rơi các loại tên lửa vác vai chống tăng định hướng hoặc đạn phóng lựu.
Nói về chiếc xe tăng này, chuyên gia xe quân sự Sergei Suvorov nhận định: “Mặc dù sử dụng nhiều phương pháp thiết kế hiện đại, xe 640 chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Lý do là bởi Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đã quyết định không sử dụng động cơ đốt trong đối với xe tăng. Mặc dù vậy, thiết kế tháp pháo của xe được ứng dụng rộng rãi và được chế tạo, lắp đặt trên khung của nhiều loại xe, bao gồm các chủng loại của nước ngoài”.
Những đổi mới của Xe 640 đã mở ra một hướng đi mới cho nền công nghiệp quốc phòng thế giới. Mặc dù bản thân chiếc xe chưa từng được quân đội sử dụng, nó đã đóng góp rất lớn cho việc chế tạo một trong những chiếc xe tăng nổi tiếng nhất của Nga, đó là xe tăng Armata sẽ được đưa vào trong quân đội trong tương lai gần.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.