Nếu quân đội Trung Quốc tham gia một cuộc chiến vào ngày mai, nước này sẽ triển khai kho đạn dược cùng với vũ khí hạng nặng xuất xứ từ một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Đức, Pháp và Anh.

{keywords}

Hầu hết các tàu chiến hiện đại của Trung Quốc đều chạy bằng các động cơ diesel do Pháp và Đức thiết kế. Tàu khu trục của Trung Quốc có hệ thống phát hiện tàu ngầm, trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm và tên lửa đất đối không của Pháp.

Trên chiến trường, động cơ phản lực của Anh được sử dụng trong các máy bay ném bom chiến đấu và máy bay tấn công chống hạm của Trung Quốc. Máy bay do thám mới nhất của Trung Quốc được lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm của Anh. Một số trực thăng tấn công và vận chuyển xuất sắc nhất của Trung Quốc được chế tạo dựa trên thiết kế của Eurocopter - một chi nhánh của Tập đoàn phòng thủ và vũ trụ liên châu Âu EADS.

Tuy nhiên, có lẽ món hàng chiến lược nhất mà Trung Quốc có được chính là động cơ của Đức đang hoạt động bên trong các tàu ngầm của nước này.

Cạnh tranh với những sức mạnh đang lên của thế kỷ trước như Đức, Nhật và Liên Xô, Trung Quốc đang xây dựng một đội tàu ngầm mạnh, gồm cả loại tàu trong nước sản xuất hạng Song và Yuan. Phần quan trọng nhất của các tàu ngầm của Trung Quốc là động cơ diesel không gì sánh kịp do MTU Friedrichshafen GmbH của Đức sản xuất. Cùng với 12 tàu ngầm hiện đại hạng Kilo được nhập từ Nga, 21 tàu ngầm khác sử dụng động cơ của Đức hiện là phần mấu chốt của lực lượng tàu ngầm thông thường của Trung Quốc.

Với việc Bắc Kinh luôn thể hiện sức mạnh ở quanh những khu vực ở Biển Đông và Hoa Đông, các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel có thể là mối nguy lớn nhất với Mỹ và Nhật. Năng lực chết người của Bắc Kinh được bồi đắp bằng công nghệ động cơ đáng tin của Đức - một thành viên then chốt của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo.

Dữ liệu về các vụ buôn bán vũ khí của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tới cuối năm 2012 cho thấy, 56 động cơ diesel do MTU thiết kế dành cho tàu ngầm đã được cung cấp cho hải quân Trung Quốc.

"Đó là những động cơ diesel hàng đầu thế giới dành cho tàu ngầm", cựu kỹ sư Hans Ohff, cựu giám đốc điều hành của Tập đoàn tàu ngầm Australia cho biết.

MTU từ chối trả lời câu hỏi về việc chuyển động cơ cho hải quân Trung Quốc và phát ngôn viên công ty này chỉ cho hay, mọi vụ xuất hàng của MTU )một bộ phận của tập đoàn Tognum của Đức) cho Trung Quốc đều tuân thủ chặt chẽ luật xuất khẩu của Đức.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, thông tin rằng quân đội Trung Quốc dựa dẫm vào công nghệ vũ khí nước ngoài đã bị phóng đại. "Theo tập quán quốc tế, Trung Quốc cũng tham gia giao thiệp và hợp tác với một số nước trong lĩnh vực phát triển vũ khí. Một số người đã chính trị hóa việc hợp tác thương mại bình thường của Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài, bôi nhọ danh tiếng của chúng tôi".

Việc chuyển công nghệ của châu Âu cho quân đội Trung Quốc được ghi chép rõ ràng trong dữ liệu của SIPRI, các số liệu thương mại vũ khí chính thức của EU và chi tiết kỹ thuật cũng được công bố trên ấn phẩm quân sự của Trung Quốc.

Các vụ chuyển giao này rất quan trọng với quân đội Trung Quốc khi nước này đang xây dựng hỏa lực để thực thi những tuyên bố của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và thách thức sự thống trị về hải quân của Mỹ và các đồng minh ở châu Á.

Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ và là nước có thị trường quân sự phát triển mạnh nhất. Nhiều nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu không thể chống lại sự quyến rũ của Trung Quốc.

Nga hiện vẫn là nguồn hỗ trợ kỹ thuật và nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Trung Quốc. Tàu nổi tiếng nhất của Trung Quốc - chiếc tàu sân bay duy nhất của nước này, chiếc Liêu Ninh được Bắc Kinh mua từ Ukraine.

  • Hoài Linh (Theo Reuters)