- Giăm bông làm từ da bẩn, thịt thối; ruốc làm từ bã sắn dây, gà đông lạnh chảy nước; gan lợn chết và mỡ thối được dùng làm patê... Quy trình chế biến những mặt hàng thịt nguội này khiến người ăn rùng mình.

Da bẩn, thịt thối làm giăm bông

Quy trình sản xuất giăm bông ở một cơ sở trên đường Miếu Gò Xoài, khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM thật ghê rợn. Da heo hôi thối, bầy nhầy được đổ thẳng xuống nền nhà nhớp nháp, cạnh nhà vệ sinh. Da được may thành túi rồi cho vào một cái thau lớn. Khi đổ ô-xy già vào, lập tức nước trong thau sôi lên sùng sục. Những váng bọt màu trắng đục, màu đỏ, màu xám tái nổi lên từng lớp, quyện với nhau kín mặt thau. Lúc này, mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc.

Sau đó, họ đổ nước khác vào, dùng hai chân trần giẫm đạp liên tục cho đến khi những chiếc túi da hết nhớt và trắng, chuẩn bị mang đi nhồi thịt...

{keywords}

Giăm bông bán ế được trả về cơ sở để tái chế

Khâu làm nhân từ thịt cũng dơ bẩn không kém. Đó là thịt vụn, ế ẩm, trữ cả tháng trong tủ lạnh. Số hàng này đã mềm nhũn, chảy nước, biến sắc và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sau khi sơ chế bằng muối và dùng chân giẫm đạp, họ dùng một loại bột được gọi là muối đỏ và nhiều “gia vị” khác không rõ nguồn gốc vào thau thịt, đặc biệt là rất nhiều ngũ vị hương để át mùi hôi thối.

Thịt sẽ được nhồi vào những túi da, tạo thành giăm bông đem luộc chín và bỏ tủ lạnh.

Sáng hôm sau, công nhân tháo dây ra, lấy các đòn giăm bông đem rửa nước lạnh có pha với một loại hóa chất lạ - một dạng bột mịn màu trắng, mùi hôi nồng nặc, nhằm loại bỏ số mỡ dính trên đó. Sau đó, chúng tiếp tục được nhúng với nước sôi có pha với loại bột màu đỏ, không nhãn mác, rồi cho vào bịch ni lông đem giao cho khách hàng.

Ruốc làm từ bã sắn dây, gà chảy nước

Một lượng lớn ruốc trên thị trường hiện nay được làm từ bã sắn dây. Theo tiết lộ của chủ sản xuất, bã đã vứt bỏ tại các cơ sở chế biến bột sắn dây được mua về, sau đó sấy khô và được xé tơi thành sợi như ruốc. Để có hương vị đậm đà, bã sắn dây được tẩm ướp thêm gia vị, bột hương thịt heo, phẩm màu... nhằm đánh lừa vị giác người tiêu dùng.

{keywords}

Ruốc từ gà đông lạnh chảy nước

Giá “ruốc sắn dây” phụ thuộc vào tỷ lệ thịt heo thật và bã sắn được phơi khô và cho vào chế biến. Thông thường, cứ 7kg bã sắn và 3kg ruốc thật thì sẽ được 10kg “ruốc giả”.

Để tăng lợi nhuận, nhiều hộ sản xuất còn mua gà đông lạnh đã chảy nước, không rõ nguồn gốc về chế biến thành ruốc. Ruốc này được bán với giá siêu rẻ, chủ yếu cho nhà hàng, người bán xôi, bánh mì... , phần khác được trộn với ruốc lợn để bán giá cao.

Thịt dạt, hóa chất độc hại làm giò chả

Các loại chả lụa, chả bò, chả chiên... đều chứa tỉ lệ mỡ heo khá lớn. Để chả ngon, đẹp và lâu hư, người ta pha trộn thêm đủ loại hóa chất.

Hai loại nguyên liệu chính là thịt và mỡ sẽ được trộn đều rồi xay nhuyễn, sau đó trộn các loại gia vị, chất bảo quản như đường, bột ngọt, bột nở, hàn the, hương nước mắm, hương thịt heo, muối đỏ và bột chống mốc. Hỗn hợp này sau khi cân được đưa vào máy ép thành từng đòn, bọc ni-lông hấp chín...

{keywords}

Nguyên liệu thịt bò vụn dùng để sản xuất chả bò. (Ảnh nhỏ: Chả lụa được sản xuất từ thịt và mỡ heo)

Quy trình sản xuất chả bò tại một cơ sở có tiếng ở An Phú Đông, quận 12, TP.HCM cũng thật hãi hùng. Cơ sở này lấy thịt bò từ mối lái ở Tây Ninh đem về (chủ yếu là thịt dạt, thịt vụn). Thịt bò không trộn với mỡ bò mà trộn với mỡ heo. Tùy theo giá cả mà cơ sở pha lượng mỡ 30% hay 60%, tuyệt nhiên không có loại chả bò nào được làm hoàn toàn bằng thịt bò. Sau khi xay nhuyễn thịt và mỡ, người ta trộn hàn the, hương nước mắm, hương thịt bò, bột nở, bột chống mốc và bột màu vào.

Patê = Gan lợn chết + mỡ thối

Nguyên liệu chính làm patê là gan, mỡ heo và bánh mì. Tuy nhiên, vì muốn có lãi cao, nhiều cơ sở mua gan từ heo bệnh, heo chết về làm. Loại gan này có màu đen thẫm, không còn mùi thơm đặc trưng và sau khi chế biến, patê sẽ có màu lốm đốm, không đồng đều. Để khắc phục, người chế biến cho phẩm màu rẻ tiền vào.

Muốn lãi cao, nhiều cơ sở còn chọn loại mỡ thải từ các chợ, chất lượng không bảo đảm, giá bán rất rẻ, chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng cả mỡ thối.

Nhiều cơ sở cũng không ngần ngại tận dụng nguồn bánh mì ế, bị mốc của các tiệm để làm patê. Hương thơm chính của patê là từ đại hồi, đinh hương, thảo quả nhưng nhiều cơ sở lại chọn hương patê (hóa chất) do giá rẻ, chế biến đơn giản.

Nem chua làm từ bì thối

{keywords}

Nem chua làm từ bì thối

Tại một cơ sở sản xuất nem ở Thanh Hóa, trong một căn phòng khoảng 45m2 nồng nặc mùi hôi của thịt, bì lợn, rác rưởi, hóa chất, có hàng chục công nhân hì hục làm nem. Tất cả công nhân đều dùng tay trần để nhào trộn thịt.

Nhiều đống bì lợn đã bốc mùi hôi thối vứt bừa bãi dưới nền gạch bẩn, ẩm ướt. Bì lợn được sơ chế qua các công đoạn hết sức nhanh chóng rồi được thả vào các thùng chứa chất tẩy trắng, hoặc ôxy già, ngâm trong một thời gian nhất định. Hóa chất dùng để làm trắng bì lợn được xuất xứ từ Trung Quốc.

Thịt và bì lợn sau khi xay được cho vào một cái thùng lớn rồi trộn đều với gia vị được đựng sẵn trong các can, thùng. Sau đó, hàng chục công nhân xúm lại gói thịt và bì thành những miếng nem nhỏ bằng ngón tay cái, chất thành đống trên nền đất đầy rác rưởi. Loại men được trộn có tác dụng làm chua thịt và “ép” chín thịt, nếu để lâu sẽ làm cho thịt bị hỏng, tạo ra mùi hôi khó chịu và gây nguy hiểm với sức khỏe người tiêu dùng.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)