- Những ngôi mộ như thế này thì nhiều lắm. Có những nấm mộ từ ngày bị bắn đến giờ chưa có ai đến thăm rồi bị lạng đi mất…
Từ bao năm nay, con đường nối đường Hoàng Hữu Nam ra đường Nguyễn Xiển (ấp Giãn Dân, P. Long Bình, Q.9, TP.HCM) vẫn vắng lặng yên ả.
Qua khỏi khu du lịch Suối Mơ, bên hông ngôi trường Lycée Francais international Marguerite Duras, con đường mòn dẫn vào một khu vực khá rộng với trảng tranh ngập đầu.
Trong khung cảnh cô tịch ấy, mấy ai được biết nơi đây hàng trăm người đã gởi tấm thân sau một thời gian vẫy vùng nghiệt ngã.
Đó là trường bắn Long Bình...
Nhân tình thế thái
Rộng 7 hecta, khu trường bắn là một vùng đất cằn cỗi. Ở trên độ cao, nơi đây chỉ toàn là sỏi đá. Không có bóng dáng cây lương thực, cây công nghiệp nào được trồng và có lẽ đó cũng là lý do để vùng này trở nên hoang vu.
Đến sau 1975, toàn khu vực trở thành trường bắn, thi hành án tử hình những phạm nhân bị loại ra khỏi cuộc sống xã hội.
Chúng tôi có mặt tại đây vào buổi sáng trời âm u. Từ ngoài vào không gặp một ai. Trên cao nhìn xuống bên dưới, trảng tranh chập chùng. Không phát hiện được gì.
Trở ra. May thay, bên đường một người đàn ông đang cặm cụi nhổ từng bụi cỏ.
Lân la làm quen, được biết ông là người dân địa phương có một ít đất trồng keo lai và bạch đàn.
“Vừa rồi phát hiện bị chặt phá nên tôi phải lên xem kết hợp phát quang cho trống trải” - ông nói.
Ông là Tư Cao, năm nay đã ngoài 70 nhưng vẫn còn tráng kiện.
Ông Tư Cao trước một nấm mồ hoang lạnh |
Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Tư mỗi lúc một rôm rả hơn. Ông cho biết, từ ngày có trường bắn này, ít nhất cũng đã có khoảng 500 tử tội được thi hành án.
Pháp trường trên một khoảng đất rộng chừng 5000m2 phía sau là mô đất cao. Rất dễ biết ngày nào có người bị xử. Trước ngày xử bắn một hôm, đội mai táng của phường Long Bình được lệnh ứng trực.
Những người này có nhiệm vụ dựng cột sát mô đất, đào sẵn huyệt rồi khoanh vùng để lực lượng an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ.
Từ trên xe bít bùng, tử tội được bịt mắt đưa xuống sát cột. Từ “dựa cột” phát xuất từ đây.
Sau khi thi hành án đối với tử tội, nhiệm vụ được chuyển giao cho đội mai táng phường.
Anh em tháo dây cột đưa xác nằm xuống để pháp y kiểm tra lần cuối. Thi thể được đặt vào quan tài và người phụ trách tẩm liệm vuốt mắt người chết rồi chuyển ngay đến huyệt gần đó lấp đất.
Một tấm bia bằng ván ép ghi tên tử tội ngày sinh ngày mất nguyên quán được cắm trước ngôi mộ.
Nói đến đây, chúng tôi chợt thấy gương mặt ông Tư Cao trở nên đăm chiêu. Giọng ông buồn buồn kể chuyện một vài tử tội có cả một đời dọc ngang để cuối cùng không thoát được lưới pháp luật.
Không thương cảm nhưng có sự đáng tiếc. Giá như, dục vọng của con người biết dừng lại trước tội ác thì cái giá phải trả không đớn đau như thế. Những tấm thân nằm đây quạnh hiu không nhang khói, không người thăm viếng. Chẳng bù vào lúc còn vẫy vùng bao đàn em, người kề cận luôn luôn tán tụng vinh danh...
Những nấm mồ hoang lạnh
Ông Tư đưa chúng tôi vào bên trong khu vực trường bắn. Đây là pháp trường, còn quang đãng. Tứ bề cỏ tranh mọc phủ kín một vùng rộng lớn.
Ông Tư cảnh giác chúng tôi, không nên đi một cách tùy tiện bởi trong lớp cỏ tranh có nhiều tổ ong vò vẽ. Động đến, chúng bay ra đốt chạy không kịp.
Theo chân ông Tư, chúng tôi tìm ra được những ngôi mộ đất. Chỉ một nấm đất nhô cao hơn mặt đất, ông nói: mộ tử tội đó.
Những ngôi mộ như thế này ở đây nhiều lắm. Có những nấm mộ từ ngày bị bắn đến giờ chưa có ai đến thăm, rồi bị lạng đi mất.
Những tử tội có gia đình khá giả hoặc đàn em nghĩ đến tình nghĩa một thời đã tìm cách bốc chôn nơi khác. Những mộ còn lại đa số đều có quê quán ở xa, gia đình nghèo khó không có điều kiện đi lại thăm viếng.
Hai ngôi mộ được xem là 'khang trang' nhất nhưng cũng hương tàn khói lạnh |
Đến một khu trống trải hơn, hai ngôi một được xem là bề thế nhất trong cái nghĩa trang tử tội này hiện ra trước mắt chúng tôi. Cũng mộ đất nhưng 4 phía được xây cao 20cm viền chung quanh. Phía trước một tấm bia đá ghi tên họ.
Trên mộ có trồng vài khóm hoa. Ông Tư cho biết đó là một trong số ít những ngôi mộ được người thân thường xuyên thăm viếng, số đông còn lại chìm lấp trong đám cỏ tranh.
Hiện nơi đây vẫn còn hàng trăm nấm mộ không bia, bởi tấm bia bằng ván ép được cắm lần đầu tiên trải qua mưa nắng đã không còn. Một vài mộ có bia đá là do người nhà làm mang đến cắm. Nhưng hầu hết đều xiêu veo, hoang lạnh đến rợn người.
Có nhiều người kể lại, một số anh em làm công tác tẩm liệm và chôn cất vẫn thường xuyên đến đây nhang khói cho những ngôi mộ “mồ côi”.
Ông Tư phân tích, đa số tội phạm đều từ nơi khác về TP.HCM gây án. Mảnh đất đông dân số nhất nước này là một 'môi trường lý tưởng' cho tội phạm hoạt động. Vì thế khi đền tội, gia đình họ không biết hoặc có biết cũng không đủ khả năng đến thăm viếng.
Thói thường, những tay anh chị giang hồ sau một phi vụ làm ăn tiền bạc có được đều nướng vào các cuộc chơi. Đến khi lâm nạn, tất cả tai họa đều giáng vào gia đình nên ít có ai đoái hoài đến những ngôi mộ kia cũng là điều dễ hiểu.
Thay lời kết
Ông Tư Cao cho chúng tôi biết khu đất này hiện đã được giao cho một đơn vị kinh tế lập dự án. Ban giải phóng mặt bằng quận 9 đã đến đây kiểm kê từng ngôi mộ.
Trong khi đó, nghị định hướng dẫn thực hiện qui định thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc thay cho xử bắn vừa được ban hành có hiệu lực từ 1/11/2011.
Hai sự kiện trên đồng nghĩa với việc khu trường bắn và nghĩa trang tử tội sẽ được xóa sổ.
Nghĩa tử là nghĩa tận. Người gây tội ác cũng đã đền tội. Những nấm mồ kia nếu được qui tập vào một khu riêng biệt nào đó có lẽ cũng là một hình ảnh nhằm giáo dục những phần tử còn vẫy vùng ngoài vòng pháp luật.
Trần Chánh Nghĩa