Những con ngõ, dãy phố ẩm thực này ngắn ngủi mà hàng ăn mọc lên san sát, thực đơn copy của nhau, thường chỉ chuyên về một "món tủ" như chân gà nướng, nem chua, hoa quả dầm…
Ngõ nem chua rán Tạm Thương
Nem ủ chín tới chứ chưa chua hẳn, rán trong chảo ngập mỡ tới lúc vàng ươm, chấm với tương ớt cay ngọt. Nếu muốn ngon nữa, trước khi chiên chỉ cần lăn qua với bột chiên xù, bảo đảm vỏ ngoài giòn tan thích thú. Món đơn giản vậy mà lôi cuốn cả người lớn lẫn thanh niên, trẻ nhỏ. Bởi vậy, giờ nem chua rán là món không thể không có ở bất kỳ quán quà vặt nào.
Công đầu tạo trào lưu ẩm thực này có lẽ thuộc về ngõ Tạm Thương trên phố Hàng Bông - nơi mà vẫn nhiều người “hoài cổ”, cứ thèm nem chua rán, củ đậu bay, xoài xanh là tìm đến. Dừng xe ở đầu ngõ Tạm Thương, lập tức bạn sẽ bị bủa vây bởi các “cò nem chua” với câu hỏi quen thuộc: “Ăn ở đây hay mang về?”. Nhưng nếu đi theo “cò”, khách dễ bị “chém đẹp” mà vẫn không hài lòng về chất lượng đồ ăn.
Còn nếu hỏi quán nào ngon nổi tiếng nhất, chắc đa số mọi người nói ngay: “Quán Bà Già ngay đầu ngõ”. Tuy nhiên, cũng sẽ nhiều khách lắc đầu: “Ở đó bán đắt mà kiêu căng lắm!”. Thế nên theo kinh nghiệm, bạn cứ phi thẳng xe vào ngõ, thấy nơi nào chủ quán thân thiện, khách ăn vui vẻ thì ghé vào. Thực tế, chất lượng các quán giờ tương đương nhau, chỉ có điều khách nên hỏi giá cả trước để tránh gặp phải quán "chặt chém" vô lý.
Phố hoa quả dầm Tô Tịch
Một vài năm trở lại đây các tiệm hoa quả, sinh tố, nước ép mọc lên như nấm tại Hà Nội. Tuy nhiên, rầm rộ đến đâu thì riêng với món hoa quả dầm, người ta vẫn chỉ khẳng định: “Ở Tô Tịch là số 1”.
Không biết chính xác tự bao giờ nhưng món hoa quả dầm đã gắn liền với phố Tô Tịch từ hàng chục năm nay. Mùa hè đến là lúc con phố này "xôm" nhất, người ra kẻ vào tấp nập, buổi tối khách ăn ngồi tràn ra quá nửa lòng đường.
Hoa quả dầm đơn giản chỉ là các loại quả như táo, lê, thanh long, mãng cầu... được xắt thành từng miếng nhỏ, trộn lẫn, hòa cùng sữa đặc, nước cốt dừa, sau đó dầm đều, cuối cùng bỏ thêm đá bào. Công thức đơn giản nhưng không phải quán nào cũng ngon. Nhất là khi phố Tô Tịch ngắn ngủi mà đâu đâu cũng treo biển “Hoa quả dầm”, dễ khiến nhiều người hoang mang. Chưa kể tới việc thi nhau chèo kéo khiến khách “loạn đao pháp”.
Song theo kinh nghiệm của người sành ăn thì quán đầu tiên, có mặt tiền giáp với Hàng Gai là ngon nhất, phục vụ chuyên nghiệp và đắt khách hơn cả. Hoa quả ở đây bao giờ cũng tươi mới, được chọn loại ngon ngọt, chất lượng vì thế món ăn cũng chất lượng nhất.
Phố lòng nướng, nầm bò nướng Gầm Cầu
Ban ngày chuyên bán buôn giày dép, bát đĩa, đồ nhựa… nhưng đến tối thì con phố có cái tên rất “bụi bặm” này lại trở thành thiên đường ăn uống cho giới trẻ . Tầm 7h tối trở đi, ngang qua đây, bạn sẽ bị “mê hoặc” bởi hương thơm của đồ nướng tỏa ra nghi ngút. Và 2 món chủ đạo ở đây chính là lòng nướng, bò nướng.
Khoảng 7-8 năm về trước, lòng nướng Korea là món tủ của phố. Đó là các loại nội tạng heo như lòng, tràng, dạ dày, khấu đuôi, cổ hũ... được làm sạch, tẩm một chút cay, ngọt, mặn sao rồi nướng than hoa. Món ngon mà dậy mùi, lai rai được nên rất vừa lòng với các khách trẻ.
Tuy nhiên, hồi đó phố Gầm Cầu mới chỉ có 1-2 quán lòng nướng. Một vài năm sau, Hà Nội bắt đầu có trào lưu thưởng thức bò, nầm nướng trên chảo kim loại bằng chút dầu mỡ, kèm thêm rau củ. Bò, nầm nướng đã thực sự “gây sốt” trên nhiều tuyến phố. Lúc này, các quán ở Gầm Cầu mới “tiện thể” cập nhật thêm.
Lòng nướng và bò nầm nướng hấp dẫn song cả hai đều là món ăn nhiều khói nên thưởng thức ngoài trời là thích hợp nhất. Bởi vậy, không gian nửa phố nửa ngõ như Gầm Cầu lại ngự tại khu phố cổ trung tâm đúng là lí tưởng. Kể từ đó, phố Gầm Cầu đã thực sự trở thành một trong những tụ điểm lòng nướng, bò nướng đông nhất Hà Thành.
Về chất lượng đồ ăn, có lẽ các hàng không quá chênh lệch, tuy nhiên đắt hàng và được khách “ca ngợi” nhất vẫn là những tiệm đầu tiên của 2 nhánh phố, nằm gần với ngã tư Hàng Giấy. Những tiệm này, chỗ để xe cũng thuận tiện hơn, cửa hàng đông khách nên không có hàng lưu cữu, bảo đảm hơn.
Phố chân gà nướng Lý Văn Phúc
Khoảng hơn chục năm trước, con phố Lý Văn Phúc ngắn xíu rẽ từ trên đường Nguyễn Thái Học vào còn ít người biết tới. Nhưng giờ đây, ai cũng nhớ đến với một cái tên quen thuộc "Phố chân gà nướng".
Chân gà tẩm ướp khéo với mật ong và các loại gia giảm sao cho ngấm, sau đó nướng trên than hoa đến khi bên ngoài vàng ươm, ăn giòn tan và thơm lựng. Ngoài chân gà “trứ danh”, ở đây còn có cánh gà, khoai lang nướng, bánh mì... đều là những "khoái khẩu" của các bạn trẻ. Hơn nữa thực đơn không đắt: chân gà 8.000 đồng/cái, cánh gà 20.000 đồng/chiếc, khoảng trăm nghìn là đôi bạn có thể lai rai cả buổi.
Nhiều khách mê mẩn món ăn nên con phố Lý Văn Phúc tuy ngắn mà có tới cả chục tiệm treo biển chân gà nướng. Tuy nhiên, tiệm đông nhất, lớn nhất và được tiếng ngon nhất là nằm ở cuối phố, bên tay phải. Cũng theo "tương truyền" thì đây là tiệm chân gà nướng đầu tiên, đã trải qua bao "sóng gió", nay mới định cư yên ổn được.
Phố phở cuốn Ngũ Xã
Tuy thuộc dòng “biến tấu” và mới chỉ khai sinh chừng hơn chục năm nay nhưng phở cuốn cũng được coi là một trong những văn hóa ẩm thực thú vị của người Hà Nội. Và nhắc đến phở cuốn, người ta nghĩ ngay đến làng Ngũ Xã ở kế bên hồ Trúc Bạch.
Phở để bản to, bỏ thịt bò xào với rau sống vào cuốn lại, chấm với nước mắm chua ngọt - nhờ cách làm và kiểu ăn đặc biệt này mà phở cuốn ngon, mát, lạ miệng thú vị hơn nhiều so với món phở truyền thống. Món dễ ăn, không khó làm nên sau khi một quán tiên phong sáng tác ra, nhận được nhiều sự hưởng ứng của thực khách thì phở cuốn đã trở thành làn sóng phủ khắp con phố Ngũ Xã.
Giờ ở Ngũ Xã có hàng chục tiệm phở cuốn với đủ cấp độ bình dân vỉa hè cho tới lịch sự phòng kín đàng hoàng khác nhau. Nhưng áp đảo, chuyên nghiệp nhất có lẽ vẫn là tiệm Hưng Bền - nơi được nhiều người cho rằng chính là quán khởi nguồn, sáng tạo ra phở cuốn.
Ngoài phở cuốn, tại đây còn có các món phở chiên phồng, phở chiên trứng, khoai lang chiên, chả ngan… Nếu đi đôi, chắc chỉ hơn 100.000 đồng là bạn dã được bữa ăn khá no nê, phong phú.
(Theo Zing)