Trong phim của Annaud, nhà cổ Bình Thuỷ được sử dụng làm bối cảnh ngôi nhà của Huỳnh Thuỷ Lê.
Nhà của Công tử Bạc Liêu
Trần Trịnh Huy, được gọi là Công tử Bạc Liêu bởi sự giàu có và phô trương, sinh năm 1900. Là con trai thứ 3 của ông Trần Trịnh Trạch, Trịnh Huy sở hữu nhiều nhà tại khắp 6 tỉnh miền Nam. Nhiều ngôi nhà của ông được trang trí cầu kỳ, nhưng ngôi nhà đẹp nhất nằm ở thành phố Bạc Liêu.Ngôi nhà này được thiết kế và xây dựng năm 1919 bởi một kiến trúc sư người Pháp. Tất cả đồ đạc trong nhà đều được nhập từ Ý và Mỹ. Tất cả các viên gạch, phù điêu, ngói đá cẩm thạch được vận chuyển từ Pháp. Ngay cả các ốc vít cũng được khắc chữ P - cho biết nó được sản xuất tại Paris. Đồ sứ quý giá được nhập từ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nó trở thành một trong những ngôi nhà đẹp nhất của ông.
Biệt thự Công tử Bạc Liêu |
Sau nhiều năm sửa chữa, ngôi nhà vẫn bảo tồn được tất cả các chi tiết sang trọng vốn có: đồ nội thất làm từ gỗ quý; bàn ghế được chạm khắc tính vi và cả một chiếc giường ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trịnh Huy còn là người đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy bay riêng. Thời đó, chỉ có duy nhất 2 người có máy bay riêng: ông và vua Bảo Đại.
Nhà cổ Bình Thuỷ, Cần Thơ
Trong phim của Annaud, nhà cổ Bình Thuỷ được sử dụng làm bối cảnh ngôi nhà của Huỳnh Thuỷ Lê. Được xây từ năm 1870 bởi nhà họ Dương tại thành phố Cần Thơ, ngôi nhà hiện nay vẫn thuộc sở hữu của gia đình.
Nhà cổ Bình Thuỷ là sự cân bằng giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, với nhiều đồ vật gia truyền quý báu. Nhà có vòm uốn và phù điêu ngoại thất kiểu Pháp, bậc thang kiểu Gothic dẫn đến sảnh chính - được trang bị bằng đồ gỗ nội thất quý ở miền Nam.
Vườn nhà có rất nhiều loài hoa lan đẹp. Sự quyến rũ của ngôi nhà còn nằm ở bộ sưu tập đồ cổ quý giá như một bàn với mặt bàn làm bằng đá cẩm thạch từ Trung Quốc, một ghế sofa kiểu Pháp từ thời vua Louis XV và bộ trà, ấm, bình khoảng 500 tuổi.
Nhà cổ đẹp nhất xứ Thanh
Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được xây dựng từ năm 1810, là một trong những kiến trúc nhà ở cổ nhất xứ Thanh và là một trong những ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.
Ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở Hà Nội
Trong làng Đông Ngạc có nhà thờ dòng họ Đỗ được xem như đình làng thứ hai, hiện vẫn còn nguyên kiến trúc cách đây 3 thế kỷ. Ngôi nhà nằm ở một ngõ sâu ở làng Đông Ngạc, được xây dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm 1760. Chiếc cổng cổ im lìm nhuốm màu thời gian. Ngôi nhà gồm nhà tiền tế và chính điện được dựng bởi các loại gỗ như lim, xoan rừng. Nhà có kiến trúc 5 gian, hai dĩ, lợp ngói âm dương truyền thống.
Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa... Trước nhà tiền tế có các bức "Thiết thạch tinh trung" (trung thành như sắt đá), "Thượng đẳng phúc thần" (phong thần), bên trái là bức "Vạn phúc du đồng", bên phải là "Ngũ phúc lâm môn". Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất.
(Theo Xây dựng)