Bước qua
lời nguyền chết chóc
Câu chuyện những con người bình thường đang ngày đêm bước qua lời nguyền của
bóng đêm mông muội nơi rừng thẳm thật bình dị.
Nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn lao, bởi họ đã, đang và tiếp tục đấu tranh giành lại sự sống cho những đứa trẻ vô tội bị “tuyên án” tử vì những luật tục nơi miền sơn cước này.
Chị Phương và cháu bé được chị cứu sống nhờ vận động được người dân bước qua lời nguyền chết chóc. (Ảnh L.H. Anh). |
Tôi trở lại Nam Trà My, tìm gặp cô gái Xê Đăng Hồ Thị Hiếu - y sĩ Trạm Y tế xã
Trà Cang.
Tốt nghiệp lớp 9, Hiếu thi vào trường Cao Đẳng y tế Quảng Nam. Ra trường tình nguyện về lại quê nhà công tác khi mới vừa tròn 22 tuổi.
Câu chuyện cô gái Xê Đăng 22 tuổi dũng cảm bước qua lời nguyền chết chóc của luật tục được kể lại như một đoạn phim quay chậm cận cảnh đời sống của đồng bào vùng cao.
Sáng 2-9, khi nghe tin sản phụ Hồ Thị Yên (sinh năm 1978) sinh tại nhà riêng ở làng Tắk Giang một bé trai nhưng sau đó tử vong vì băng huyết, cháu bé được người làng và gia đình đem chôn sống theo mẹ, Hồ Thị Hiếu đã gọi điện khẩn cấp cho em ruột là Hồ Thị Hoàng đến can ngăn dân làng.
Hai đứa con sinh đôi của chị Hồ Thị Ngọc (ngoài cùng bên phải) khỏe mạnh. Chị Ngọc bảo: Tui đã bước qua được lời nguyền. (Ảnh: L.H.Anh). |
“Nhận được tin dân làng chuẩn bị chôn cả hai mẹ con. Lúc đó mình chỉ nghĩ đến
việc cứu đứa trẻ thôi, nên bảo Hoàng bế đứa trẻ đi đường rừng xuống huyện, rồi
gọi điện lên anh Xếp (cha đứa trẻ - PV) cam kết sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn
trước dân làng nếu có điều gì xảy ra, miễn là cứu đước đứa trẻ...” - y sĩ Hiếu
nhớ lại.
Không có tiền, Hiếu đã vay mượn người quen ở thị trấn Tắk Pỏ 300 nghìn đồng mua
sữa, áo quần và chạy bộ vượt rừng về làng Tắk Giang. Hơn 3 giờ đồng hồ hai chị
em Hiếu-Hoàng đã gặp nhau giữa rừng và đưa đứa trẻ mới sinh về Trung tâm y tế
huyện.
“Ở trên này, nếu ai bồng trẻ sơ sinh mà mẹ chết đi qua làng thì sẽ bị già làng đó bắt phạt trâu, bò, heo. Khi đưa được đứa trẻ ra khỏi làng Tắk Chanh, vì lo sợ, nên em cắt rừng để đi và đã bị lạc giữa rừng. May gặp được 2 thanh niên đi săn, em phải thuê họ 300 nghìn đồng để dẫn đường, giờ mới trả được 200 nghìn...” - Hồ Thị Hoàng kể lại.
Một góc làng Tắk Chanh đang ở cử “nội bất xuất ngoại bất nhập” sau cái chết xấu hôm 2-9. |
Hiếu nhớ lại câu chuyện không cứu kịp đứa trẻ đã phải chôn sống theo mẹ ở làng
bên đến bây giờ trở thành nỗi day dứt. Đó là chuyện xảy ra hồi tháng 7.2010, sản
phụ Hồ Thị Xam (sinh năm 1976), trú xã Trà Cang sinh được 1 bé trai nặng hơn
3kg, nhưng bị băng huyết và tử vong tại nhà.
Hiếu nghe tin cắt rừng chạy bộ đến làng để cứu đứa bé. Nhưng khi đến nơi thì đứa bé đã được chôn theo mẹ...
Gia đình Hiếu nghèo khó, đông anh em, chỉ có mình Hiếu được đi học, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.
Năm 2009, Hiếu làm việc không lương tại Trạm Y tế xã Trà Cang, đến năm 2010 được ký kết hợp đồng lao động với mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng. Nhưng bằng tấm lòng từ tâm, Hiếu đã cùng em gái giúp người dân bước qua lời nguyền nơi miền cao này.
Cuộc đấu tranh xoá bỏ lời nguyền
Nơi vùng cao này, tôi đã gặp rất nhiều những con người bình dị như thế, họ đang âm thầm bước qua những lời nguyền chết chóc của luật tục.
Chị Trịnh Thị Thùy Phương - Trưởng trạm Y tế xã Phước Chánh lên công tác nơi miền rừng này đã hơn 20 năm.
Chị kể: Suốt hơn 20 năm làm cán bộ y tế, tui đã gặp và cứu thoát hàng chục đứa trẻ phải chết theo mẹ, hoặc bị đem bỏ vào rừng làm mồi cho thú dữ.
Phụ nữ ở đây lạ lắm. Đến ngày sắp sinh là họ vào rừng dựng một cái lều, rồi một mình vượt cạn. Nhiều phụ nữ sau sinh bị kiệt sức chết giữa rừng mà không ai biết. Vì thế khi trong thôn bản có người sắp sinh là tui phải theo họ vào rừng.
Sau hơn 20 năm, chị Phương không còn nhớ đã giúp được bao nhiêu phụ nữ vượt cạn giữa rừng hoang. Mới đây nhất, chị cứu 2 đứa con của Hồ Thị Thước (trú thôn 3, xã Phước Chánh).
Cô gái Xê Đăng Hồ Thị Hiếu đã dũng cảm bước qua lời nguyền cứu đứa bé sắp chôn theo mẹ hôm ngày 3-9 |
Do sinh đôi nên chồng chị Thước đòi bỏ đứa con gái vào rừng. Biết tin, chị
Phương đến nhà khuyên giải, năn nỉ, nhưng người cha vẫn nhất quyết không chịu
nuôi. Hết cách, chị Phương ôm đứa trẻ về chăm sóc và cam đoan sẽ chịu hoàn toàn
trách nhiệm..
Đứa trẻ thoát chết, nhưng chị Phương lại gặp rắc rối. “Mỗi khi gia đình có chuyện là chồng của chị Thước ra trạm y tế bắt đền, lúc đòi con gà, lúc đòi con heo vì họ cho rằng mình giữ lại đứa trẻ nên gia đình họ gặp xui xẻo, đau ốm..” - chị kể
“Nhưng đổi con gà, con heo để
giành lại sự sống cho một đứa trẻ thì mình lời lớn. Cái lớn hơn là giúp bà con
từ bỏ hủ tục lạc hậu...” - chị Phương cười khi kể chuyện nhiều lần bị “bắt vạ”
của dân làng.
Anh Nguyễn Thế Thọ - hiện là Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người dân
tộc Bhnoong nên biết rất rõ những luật tục và lời nguyền mà dân tộc mình đặt ra.
Nhưng vào năm 1998, khi vào rừng
anh bắt gặp một đứa trẻ đang thoi thóp thở bên người mẹ đã chết, thế là anh bế
đứa trẻ sơ sinh chạy một mạch về làng của mình.
“Khi mang đứa trẻ về thì già làng không cho. Vì đứa trẻ là con “ma rừng” và buộc
phải mang bỏ lại rừng. Tui không nghe và cương quyết nuôi đứa bé. Thế là làng
bắt phạt một con heo.
Tui nộp phạt để được nuôi đứa
trẻ. Đến bây giờ cháu đang học lớp 7 và là học sinh tiên tiến” - anh Thọ kể
chuyện đứa con nuôi của mình.
Chị Hồ Thị Ngọc (trú xã Phước Chánh) một lần sinh đôi nhưng vẫn nuôi cả hai. Khi
được hỏi có sợ luật tục không, chị Ngọc bảo: “Những hủ tục ấy có trước kia nhưng
mình không tin đâu. Hai đứa con mình giờ vẫn khỏe mạnh, không xảy ra chuyện chi
hết”.
Để có được những nhận thức như chị Ngọc, đó là cả một quá trình vận động của những người như chị Phương, anh Thọ, chị Ngọc, chị Hiếu...
Họ đã dám bước qua lời nguyền,
cứu sống nhiều đứa trẻ, từng bước xoá bỏ hủ tục chết chóc nơi miền sơn cước
này...
Vũ Trung