Trong buổi Lễ trao giải Stevie Awards 2017 tại Barcelona, ông Dương Anh Đức, Giám đốc chi nhánh Dodoma (Halotel), Tanzania mặc vest rất chỉnh tề. Đó là lần hiếm hoi ông Đức khoác trên mình một bộ vest.

Khởi đầu với vị trí Trưởng phòng Hạ tầng của Halotel (thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Tanzania), ông Đức là một chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm quốc tế. Thế nhưng, không giống với những chuyên gia nước ngoài khác tại quốc gia Đông Phi, ông Đức không đến đây để ở khách sạn 5 sao hay hạng sang, và cũng không có ô tô đưa đón.
Vị trưởng phòng hạ tầng cũng như hàng chục chuyên gia kỹ thuật đến từ Tập đoàn Viettel ở nhà trọ cùng nhau, thuê xe ở địa phương để tự chở nhau đi làm, đi chợ, nấu ăn… Họ hoàn toàn khác với các chuyên gia nước ngoài ở các công ty viễn thông quốc tế khác tại Tanzania.

Ông Dương Anh Đức (bên trái) cùng ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Tổng Giám đốc Halotel) trong buổi Lễ trao giải Stevie Awards 2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha)


Làm trưởng phòng hạ tầng nhưng bên cạnh việc chỉ đạo công việc, ông Đức cũng làm việc trực tiếp như các anh em khác và bận rộn từ sáng đến tối. Cũng vì thế, công việc khiến cho việc mặc vest như các chuyên gia nước ngoài khác, với ông Đức rất… không hợp.

Kể cả khi chuyển sang làm Giám đốc chi nhánh Dodoma, ông Đức cũng không quen mặc vest bởi vẫn phải làm việc ngày đêm, tham gia cả kỹ thuật lẫn kinh doanh. “Thời tiết quá nóng, mà mình vẫn là lính chiến nên mặc vest không quen”, ông Đức chia sẻ.

Từ “5 không” đến hạ tầng và phân phối lớn nhất

Trên thực tế, câu chuyện của những người Việt Nam như ông Đức tới Tanzania để xây dựng mạng viễn thông Halotel không dừng ở chuyện không mặc vest hay ở nhà trọ. Khi đến đây, ông Đức và nhiều chuyên gia của Tập đoàn Viettel bắt đầu với 5 không: không biết tiếng bản ngữ, không có trụ sở, không nơi ở, không nhân viên, không nơi đặt trạm thu phát sóng. Mỗi tỉnh chỉ bắt đầu với 2 người Việt Nam, phải tự đàm phán thuê nhà làm trụ sở, cửa hàng, thuê đất dựng trạm…



Thời điểm đó, nếu có ai dám dự báo về khả năng thành công của Tập đoàn Viettel ở Tanzania thì xác suất hẳn sẽ vô cùng thấp. Lý do là quốc gia Đông Phi này đã có tới 9 nhà mạng (sau này một mạng bị sáp nhập còn 8) và có tới 3 thương hiệu viễn thông thuộc Top 10 của thế giới (Vodafone, Tigo và Airtel) đã có mặt tại đây từ 6-10 năm.

Nhưng hình như những người Việt Nam tới đây không quan tâm đến điều đó. Người như ông Đức cùng các đồng đội của mình chỉ miệt mài tìm tòi, xây dựng và phát triển mạng lưới cả hạ tầng viễn thông lẫn hệ thống phân phối.

Chỉ trong vòng 1 năm, những người Việt Nam đã dựng lên một hạ tầng viễn thông lớn nhất Tanzania, vượt qua cả những nhà mạng lừng danh thế giới. Lúc khai trương hoạt động vào tháng 10/2015, Halotel đã phủ sóng 90% diện tích dân số Tanzania đang sống, với 2.500 trạm BTS và 18.000 km cáp quang.

Chưa hết, kênh bán hàng của riêng Halotel đã được xây dựng tới tận tới các vùng nông thôn xa xôi - nơi mà các đại lý không muốn tới. Với cửa hàng mở ra tại 26 tỉnh, 200 đội bán hàng, 1.000 trưởng nhóm và hơn 22.000 cộng tác viên, cùng đội ngũ bán hàng online, kết hợp với kênh phân phối đại lý truyền thống, Halotel cũng xây được hệ thống bán hàng lớn nhất.

“Điều kỳ diệu mới” ở Châu Phi

Chỉ sau 3 tháng kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ Halotel đạt 1 triệu khách hàng, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số 10 thị trường Tập đoàn Viettel đang kinh doanh. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng kỷ lục mà hiếm mạng di động nào trên thế giới có được. Chưa hết, sau 9 tháng, con số là 2 triệu. Đến cuối tháng 9/2017 thì vượt 3,5 triệu và Halotel đứng thứ 4 trong số 8 nhà mạng tại Tanzania.


Những kết quả tăng trưởng nhanh đến khó tin của Halotel là nguyên nhân giúp thương hiêu này được Ban tổ chức giải thưởng Kinh doanh quốc tế (Stevie Awards) 2017 trao giải Bạc ở hạng mục “Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất khu vực Trung Đông và châu Phi”.

Đặc biệt hơn, sau khi đến Barcelona nhận giải thưởng vào gần cuối tháng 10 thì chỉ sau đó vài ngày, Halotel nhận được tin vui khi thương hiệu này đã chính thức vượt Airtel (Ấn Độ) về thị phần và vọt lên vị trí thứ 3 tại Tanzania. Tốc độ tăng trưởng khó tin cùng việc vượt lên cả những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới như Airtel đã khiến Halotel bắt đầu được coi như là “Điều kỳ diệu mới của châu Phi” - danh hiệu mà trước đây thuộc về Movitel (Viettel Mozambique).

Thế nhưng, việc xây dựng hạ tầng và phát triển thần tốc không phải là toàn bộ những gì mà Halotel được đánh giá cao tại quốc gia châu Phi này. Thực tế, điều khiến thương hiệu này trở nên nổi bật và ghi dấu ấn với người dân Tanzania là những chương trình xã hội.
Ngoài cam kết phủ sóng ở 4.000 ngôi làng chưa từng có sóng viễn thông trong 3 năm, Halotel còn cung cấp Internet băng rộng miễn phí tới 417 trường học, 124 UBND, 74 bệnh viện, 131 đồn cảnh sát…

Trước đó, các tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới đã đến đây nhưng không ai muốn làm (do không mang lại lợi nhuận). Cũng vì thế, một chuyên gia người Tanzania gọi những người Việt Nam đến đây kinh doanh, làm nhiều điều có ích cho dân địa phương là “những người hùng chân đất”.

Nguyễn Quang