Họ là những thuyền viên quả cảm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu SAR 413 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 Việt Nam – Vietnam MRCC. Công việc hàng ngày của họ phải đương đầu với những vất vả, hiểm nguy và đôi khi đổi bằng tính mạng vì sóng gió đại dương nhưng dù chỉ trong ý nghĩ, họ chưa bao giờ thấy sờn lòng, nao núng.

{keywords}

18 anh em thủy thủ luôn xem tàu là nhà, biển là quê hương.

Những ký ức theo cùng năm tháng

Cũng như những người lính biển có cuộc sống thường nhật lênh đênh trên biển, anh em thủy thủ con tàu SAR 413 được mệnh danh là “phao cứu hộ” của biết bao ngư dân trong cơn thịnh nộ bất thường của biển cả. Mỗi chuyến tàu rời đất liền, trong tim họ luôn cùng chung nhịp đập của lòng quyết tâm.

Nói về công việc của lực lượng cứu hộ tàu SAR 413 thì nhiều không kể xiết, trong niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc sau mỗi chuyến đi. Ấn tượng gần đây nhất là chuyến đưa vào bờ an toàn gần 40 ngư dân trên con tàu QNa – 90956 – TS gặp nạn trên vùng biển Trường Sa cuối tháng 9 vừa qua.

Trong số anh em cứu hộ, có những người nay đã bước sang ngưỡng 40-50 tuổi và có hơn nửa đời người gắn bó với nghề, nhưng dường như chẳng ai muốn kể về mình. Họ rất khiêm tốn khi chia sẻ về bản thân, về nhiệm vụ mà họ đang làm. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được những giá trị của mồ hôi và nước mắt lẫn trong vị mằn mặn của đại đương.

Chàng thủy thủ Võ Quyết Thắng đã có hơn 10 năm theo con tàu SAR 413 rẽ từng con sóng biển thực hiện nhiệm vụ cứu người. Với thân hình vạm vỡ kiểu con nhà biển “ăn sóng nói gió”, anh Quyết tiếp chuyện bằng cái giọng đặc chất “Quảng Bình quê ta ơi”. Anh bảo, nghề nào cũng cần niềm đam mê và tình yêu đặc biệt mới có thể trụ vững. Và với công việc cứu hộ, cứu nạn trên biển thì như là “tôn chỉ” sống của nghề. Thử thách lớn nhất và đồng thời cũng là ám ảnh vô hình đeo đẳng là những lần “chạm trán” với thi thể người chết bị phân hủy, không còn nguyên vẹn.

{keywords}

Chữa cháy trên biển

Chuyện những người lính biển phải trực tiếp dùng tay để vớt tử thi mềm nhớt nhát, bốc mùi là hết sức bình thường. Nỗi ám ảnh vô hình đó là những cảm giác mà họ không bao giờ muốn quen. Không ai muốn phải nhận lệnh ra đại dương để tìm kiếm thi thể người bị nạn mất tích. Không phải bởi nỗi ám ảnh của hiểm nguy, của tử thi không còn nguyên vẹn mà bởi họ sợ chạm vào nỗi đau khi không tìm và cứu được những người còn sống đang gặp nạn trở về. Những nỗi đau của sự chia ly sinh tử mà chỉ những ai trong cuộc, từng trải qua mới thấu hiểu.

Dù đã 10 năm trong nghề nhưng anh Thắng vẫn cảm thấy ớn lạnh, đớn đau bởi cái cảm giác lần đầu chạm tay vào tử thi. Họ là bà con ruột thịt của xứ sở mình, mới hôm qua thôi còn là trụ cột đi biển nuôi sống vợ con, gia đình mà nay cơ thể cường tráng ấy đã tan vào cát bụi, hòa cùng sóng nước đại dương. Ý nghĩ đó khiến anh Thắng nghẹn ngào thương xót. Dù không nhớ đã bao nhiêu lần làm việc nghĩa đó nhưng anh Thắng vẫn vẹn nguyên cảm giác “không bao giờ muốn quen” khi tiếp xúc với nỗi đau này.

Anh Thắng nhớ lại: “Những ngày đầu chưa quen, gió đại dương lồng vào người kèm những đợt sóng biển gào thét xô vào boong tàu từng hồi, từng hồi. Nếu trúng vào lúc đang vớt thi thể nạn nhân lên tàu mà không khéo, không cẩn thận thì tử thi có thể bị rã ra, đứt đoạn, nên cứ phải nương theo từng cơn sóng mà nhè nhẹ đưa thi thể lên tàu mong cho còn nguyên vẹn để bàn giao lại cho người nhà nạn nhân”.

{keywords}

Đưa thi thể nạn nhân bị nạn lên tàu cứu hộ.

Còn với Thuyền phó Nguyễn Hùng Xuân, kỷ niệm sâu sắc nhất với anh là chuyến đi cách đây 9 năm (2006) để trục vớt thi thể một ngư dân trên tàu cá Phú Yên bị cuốn chặt vào lưới dưới biển 5 ngày liền. Giữa biển khơi, khi công tác cứu nạn còn nhiều trắc trở cộng theo gió lớn, sóng to khiến công việc tìm kiếm khó khăn bội phần. Phải hơn 1 giờ đồng hồ, khó khăn lắm tàu SAR 413 mới tiếp cận được thi thể nạn nhân mắc kẹt dưới biển và đưa lên tàu.

Đó cũng là lần đầu tiên anh Xuân tự tay chạm vào tử thi. Và cứ đêm đêm, những anh em thủy thủ trong tàu lại thấy anh Xuân “nghiện” rượu, một thói quen chưa từng có ở con người mẫu mực này. Anh nói: “Uống rượu là để không phải suy nghĩ, uống để lâng lâng rồi để được chợp mắt ngủ thiếp đi như người vô hồn, không cần bận tâm”.

Không lễ, không tết là chuyện thường

Với những thuyền viên thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn thì dường như không có khái niệm ngày lễ, ngày tết, đêm hay ngày. Ngày nào và bất kỳ thời điểm nào với họ cũng là “giờ hành chính”. Họ luôn sống trong tâm thế chủ động nhận nhiệm vụ. Những vật dụng cho công tác cứu hộ luôn trong tư thế sẵn sàng. Chỉ cần nhận lệnh, trong vòng 15 phút, họ đã có mặt đông đủ để nhổ neo ra khơi.

{keywords}

Anh Thắng cho hay, nghề này hầu như không có khái niệm ngày lễ, tết. Chiếc xe máy lúc nào cũng đầy đủ vật dụng, hễ nhận lệnh là cứ thế lao đến cảng nhận nhiệm vụ. Rồi mỗi lần trở về bờ an toàn, hoàn thành nhiệm vụ là lòng lại lâng lâng nhiều xúc cảm khó tả. Khi đó nước mắt, mồ hôi lại quyện trong vị mặn chát của biển khiến ai nấy không bao giờ quên.

“Đó là những chuyến đi hạnh phúc khi may mắn cứu được một ai còn sống đưa về đất liền. Và nếu như không… cứu được ai là nỗi day dứt, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong nhìn thân nhân người bị nạn quằn quại trong nỗi đau tuyệt vọng.” – một thuyền viên bộc bạch.

Là chỉ huy con tàu SAR 413 nhưng dường như Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường lại kiệm lời khi nói về những câu chuyện mà mình đã đi qua. Anh chỉ cho những lời khuyên, lời nhắn thân tình của người thủ lĩnh đến những anh em thủy thủ.

“Nếu không có sự đoàn kết, lòng quyết tâm và sự hy sinh quên mình của những anh em thủy thủ thì sứ mệnh con tàu SAR 413 không thể hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình.” – anh Trường nhấn mạnh.

18 anh em thủy thủ từ lâu đã xem con tàu SAR 413 là nhà, biển cả là quê hương thứ hai và anh em thủy thủ là tổ ấm gia đình ấm áp giữa lòng đại dương bao la để gắn kết với nhau. Đó chính là nơi kết tinh mùi mặn của biển, vị “chát” của mồ hôi và nước mắt của tình người.

(Theo Hà Kiều - Pháp luật VN)