Sinh năm 2000, đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và hân văn, cách đây 1 năm, Phạm Thị Huyền Trang đăng ký trở thành tình nguyện viên của Đường dây nóng Ngày mai.

Nói nôm na, Trang sẽ làm công việc tiếp nhận những cuộc gọi đến, mà phần nhiều trong số đó là những người đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Có những người thậm chí có hành vi tự hại hoặc cố gắng tự tử.

Một trong những cuộc gọi đầu tiên mà Trang tiếp nhận tới từ một nữ sinh 17 tuổi tên L.. Cô bé trò chuyện với Trang bằng một giọng nói yếu ớt, sức khoẻ có dấu hiệu suy sụp nặng. 

Theo chia sẻ, L. đã được xác định mắc bệnh trầm cảm một thời gian, đã từng điều trị bằng thuốc nhưng có vẻ như không hiệu quả như mong muốn. Tác dụng phụ của thuốc khiến L. mệt mỏi, thiếu tập trung, đôi khi còn có những hành vi thiếu kiểm soát như chửi bới, đánh nhau. 

Những lúc bị mất kiểm soát, L. chẳng nghĩ gì nhưng khi xong rồi, cô bé mới bắt đầu ân hận và tự trách bản thân. 

L. buộc phải nghỉ học. Từ đó, L. bị bố mẹ em coi là đứa hư hỏng, không thể dạy bảo. Bệnh tình của L. được nhìn nhận là sự giả vờ, làm quá của một đứa trẻ tuổi mới lớn. 

Quá chán nản và tuyệt vọng, cô bé gọi tới đường dây nóng với hi vọng tìm một ai đó để chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của mình.

Phạm Thị Huyền Trang, 22 tuổi đang nhận một cuộc gọi đến đường dây nóng Ngày mai.

Một lần khác, Trang nhận được một cuộc gọi “lạ” - sau khi nhấc máy, đáp lại là sự im lặng từ đầu dây bên kia. Với những gì đã được học và tập huấn, cô không vội cúp máy. Trang tiếp tục chào hỏi và nói những câu gợi mở, khuyến khích. Im lặng vẫn kéo dài khoảng 1 phút sau đó thì giọng nói bắt đầu đáp lại.

Câu chuyện bắt đầu được chia sẻ xen lẫn với tiếng khóc nức nở. Cứ thế, phải tới vài lần, cô gái ở đầu dây kia oà khóc không thể dừng lại. Trang chờ đợi và hướng dẫn cô gái hít thở sâu để bình tĩnh lại. Những câu chuyện về mối quan hệ trong gia đình cô gái dần được hé mở. 

“Bạn ấy cảm thấy mình không được tôn trọng, không được yêu thương, thường xuyên bị bố mẹ mắng chửi. Và vì vẫn đang phụ thuộc vào gia đình nên bạn cũng không thể thay đổi môi trường sống của bản thân”.

Trang nói, những tình huống mà các tình nguyện viên như cô tiếp nhận, không nhất thiết phải đưa ra giải pháp nào cả. “Phần lớn, chúng tôi làm nhiệm vụ lắng nghe, chia sẻ, ghi nhận cảm xúc, vấn đề mà người gọi đến đang gặp phải. Điều đó rất quan trọng với họ”. 

Bởi vì, nhiều người mắc bệnh trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý hiện nay không được lắng nghe, không được thấu hiểu bởi chính những người mà họ gần gũi, tin tưởng nhất. Nhiều người vẫn cho rằng những cảm xúc ấy là một thứ tinh thần yếu đuối, giả bộ, chứ không phải là một căn bệnh khó chữa.

Không ít những cuộc gọi đến mà Trang và các tình nguyện viên nhận được tới từ người thân của người trầm cảm. 

Một bà mẹ gọi cho Trang trong trạng thái bất lực và lo lắng sau khi đã cùng con điều trị bệnh trầm cảm suốt 3 năm mà vẫn chưa thể đưa con lại cuộc sống bình thường.

Người phụ nữ kể, con chị vốn là một đứa con ngoan trò giỏi, ra trường đi làm, công việc và thu nhập ổn định. Nhưng càng ngày con càng có dấu hiệu bất ổn, đến mức phải nghỉ làm để tập trung cho việc điều trị. 

Sau một thời gian uống thuốc, con bé đã ăn ngủ tốt hơn nhưng vẫn nhốt mình trong nhà, không muốn đi đâu, không muốn giao tiếp với ai hay làm bất cứ việc gì trong nhà. 

Chị muốn đưa con đi tham vấn trị liệu tâm lý nhưng con không đồng ý. Bất lực trước tình trạng đó, chị đi tìm lời khuyên từ những người sẵn sàng lắng nghe mình như Trang. 

“Bệnh trầm cảm vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ và ít được cảm thông ở Việt Nam. Nhiều người mắc bệnh hoặc người thân của người mắc bệnh thường ít được chia sẻ, lắng nghe. Nếu có, mọi người cũng hay đưa ra những lời khuyên hời hợt, phán xét. Đó là những thứ mà người trầm cảm không hề muốn nghe, thậm chí có tác dụng ngược”.

Trang chia sẻ, công việc mà cô đang làm không thể thay thế cho những phương pháp điều trị chính thống như dùng thuốc, hay tham vấn tâm lý. Tuy nhiên, việc chia sẻ, ghi nhận nỗi đau buồn của người bệnh là một yếu tố tinh thần quan trọng. Ít nhất, nó giúp người gọi đến thoát khỏi hoặc cố gắng thoát khỏi trạng thái tinh thần tiêu cực ngay tại thời điểm đó. 

Những người trẻ làm công việc lắng nghe, chia sẻ với người gặp khủng hoảng tâm lý. 

Với Trang, một cô gái mới 22 tuổi, cô tự đặt ra cho mình những yêu cầu cao hơn, ngoài việc lắng nghe và thấu cảm, không phán xét người gọi đến. “Bởi vì tôi là một người học về tâm lý, nên tôi luôn mong muốn mình giúp được người bệnh nhiều hơn. Tuy vậy, nhiều trường hợp vượt ra ngoài khả năng và chức phận được phép của tôi. Với mỗi trường hợp ấy, sau khi kết thúc cuộc gọi, tôi luôn trăn trở và đặt giả định nếu sau này mình trở thành một người tham vấn điều trị tâm lý, mình sẽ làm như thế nào. Đó cũng là động lực để tôi học tập, trau dồi khả năng chuyên môn của mình để hỗ trợ được người bệnh nhiều hơn nữa”. 

Có những ca trực, sau khi kết thúc, Trang bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực, nặng nề của người gọi đến. Những lúc ấy, ngoài việc chia sẻ với các đồng nghiệp, cô cũng tập cho mình thói quen viết cảm xúc ra giấy. 

Ngược lại, công việc này cũng giúp Trang rèn luyện khả năng lắng nghe một cách tích cực, có cái nhìn cởi mở hơn với những vấn đề mà chính mình gặp phải trong cuộc sống. “Tôi thấy vui vì mình đang làm một công việc có ý nghĩa và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là cho việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần của mọi người”.

Trang là một trong 22 tình nguyện viên trực điện thoại của đường dây nóng Ngày mai - một dự án được sáng lập bởi Tiến sĩ, tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành vào tháng 5/2021. Dự án đặt ra mục tiêu tiếp nhận thông tin và tham vấn tâm lý miễn phí trực tiếp qua điện thoại cho người đang khủng hoảng tâm lý, đặc biệt những người đang bị trầm cảm. 

Chỉ sau khoảng 1 tháng đầu tiên, Ngày mai đã tiếp nhận 148 cuộc gọi với 2130 phút trao đổi trong 192 giờ trực. 

Tinh thần của nhóm gói gọn trong một câu nói ấm áp: “Ở đây, chúng tôi lắng nghe và không phán xét những câu chuyện cá nhân”.

Khi một người gọi đến đường dây nóng, các tình nguyện viên luôn “bắt” người đó hứa rằng sẽ liên lạc lại vào ngày hôm sau. Chính việc có ai đó đợi tin mình vào ngày mai có thể khiến người khủng hoảng cảm thấy ấm áp và không buông tay trong giây phút khó khăn nhất.

Nguyễn Thảo 

Ảnh: NVCC