“Làm sao thực hành tiếng Việt trong một đất nước mà người người muốn nói tiếng Anh?” – nhà báo tự do người Mỹ Calvin Godfrey tự hỏi.
Nhà văn người Anh Graham Greene chắc hẳn rất ngạc nhiên khi biết rằng ngày nay tại tiệm cà phê Givral, được ông đưa vào tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American), đang manh nha hình thành một phiên bản tiếng Việt có chỉnh sửa của tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim.
“Những người Việt không trầm lặng” – đây có thể là một cái tên phù hợp cho phiên bản nói trên. Ngồi uống cà phê ở trung tâm Sài Gòn mà cứ tưởng đi lạc sang tận đâu khi bàn kế bên, nghe toàn giọng người lớn sang sảng, giọng trẻ con líu lo bằng tiếng Anh. Chỉ đến khi tính tiền mới biết gia đình trên là người Việt 100%.
Họ không phải là gia đình duy nhất giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh trong Givral. Và chắc chắn tiệm cà phê này không phải là nơi duy nhất được đón tiếp những gia đình như thế tại Sài Gòn. Từ nhà sách cho đến rạp chiếu phim, từ quán ăn cho đến khu vui chơi, đi đâu cũng có thể nghe và thấy những gia đình người Việt muốn con mình được sống hoàn toàn trong môi trường Anh ngữ.
Hiệu trưởng các trường quốc tế tại Sài Gòn cho biết khi lập trường, Hội đồng quản trị dự báo lượng học sinh họ tiếp nhận sẽ quá nửa là con em của người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Kết quả hoàn toàn ngược lại: tỷ lệ học sinh người Việt tại các trường trên luôn chiếm quá nửa, hoặc thậm chí là 2/3 tổng số học sinh.
Điều này có lẽ cũng chẳng có gì mới, cũng như việc các gia đình trẻ ngày nay luôn tìm một cái tên tiếng Anh để đặt cho con mình. Cuối tuần họp mặt gia đình 8X, nghe ba mẹ gọi con “Katie ơi, Jenny nè, Jacob đâu, Simon hỡi…” mà ù cả tai. Hơn thế nữa, các bé Katie hay Jenny đó bây giờ luôn biết nói “milk” trước “sữa”, “car” trước “xe hơi” và lẽ dĩ nhiên là “dad, mom” trước “ba, mẹ”.
Vùng đất lạ
Đây chắc chắn không phải là chuyện của riêng xứ mình. Bên tận trời Phi, Zimbabwe đang chịu hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Giành lại độc lập từ Anh năm 1980, tiếng Anh đã trở thành một trong ba ngôn ngữ chính thức của nước này, bên cạnh tiếng Shona và Ndebele. Thế nhưng, theo nhà báo Constantine Chimakure, các bậc cha mẹ ngày nay ở Zimbabwe chỉ muốn con mình nói tiếng Anh. “Họ cho con đi học ở những nhà trẻ dạy bằng tiếng Anh, kiểm tra tiếng Anh của con hằng ngày, và phạt con mình nếu chúng không chịu nói tiếng Anh, thậm chí là khi ở nhà”, ông Chimakure nói.
Ông nói tiếp: “Về phần các con của mình, tôi không cho phép chúng nói tiếng Anh khi ở nhà. Nhưng với cái đà này, chỉ khoảng 20 năm nữa là ở Zimbabwe tiếng bản địa sẽ chẳng còn nữa. Thật tệ khi một đất nước không làm tốt phần việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ”.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý vũ trụ gốc Việt nổi tiếng thế giới, từng chia sẻ về cội nguồn của mình trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2009: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam cho đến năm 18 tuổi. Đây là những năm quan trọng nhất của đời người vì nó ảnh hưởng rất sâu đậm đến nhân sinh quan thông qua cha mẹ, gia đình, bạn bè. Mặc dù sống ở nước ngoài nhiều hơn tại Việt Nam, tôi vẫn tin rằng mình chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Việt, một đời sống tinh thần của Phật giáo và đạo Khổng. Tất cả những tác phẩm của tôi đều mang đậm dấu ấn Việt Nam; và tất cả những giải thưởng quốc tế tôi đạt được đều là sự công nhận bản sắc Việt Nam”. Giáo sư Thuận, viết sách bằng tiếng Pháp và giảng dạy đại học bằng tiếng Anh, chỉ toàn dùng tiếng Việt trong thư điện tử trao đi đổi lại với Thanh Niên.
Cũng trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cảnh báo: Khi một đứa trẻ hòa nhập quá sâu vào một môi trường văn hóa hỗn hợp trong các trường quốc tế, kết quả là đứa trẻ đó sẽ không lĩnh hội được bất kỳ một bản sắc văn hóa nào cụ thể. “Dần dà về sau, đi đến đâu, đứa trẻ đó cũng sẽ cảm thấy như đang ở trên một vùng đất lạ, cho dù là chúng có đang ở Việt Nam”, Giáo sư Thêm nói.
“Ăn chay hát mặn”
Chắc có lẽ lâu rồi Giáo sư Thuận và Giáo sư Thêm không lên tiếng về hiện tượng này nữa, nên mọi chuyện vẫn diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, cho việc dùng tiếng Anh mọi lúc mọi nơi.
Lên Facebook thấy bạn bè thời phổ thông treo câu trạng thái (status) bằng tiếng Anh, bên dưới cũng xím lại bình luận (comment) toàn bằng tiếng Anh. Đâu cần đợi đến khi đứa trẻ trường quốc tế nào cảm nhận, chính bản thân người viết cũng đã thấy rất rõ mình đang ở “vùng đất lạ” mà Giáo sư Thêm nói.
Thêm nữa, nhiều người trong giới văn phòng ngày nay chọn cho mình một cái tên tiếng Anh. Nhiều công ty phát động phong trào người người (Việt) nói tiếng Anh với nhau. Trong một bài viết gửi đến Vietweek, tuần báo tiếng Anh của Thanh Niên, nhà báo tự do người Mỹ Calvin Godfrey giễu: “Thật thoái chí, thậm chí kiệt sức, làm sao khi muốn thực hành tiếng Việt trong một đất nước mà người người muốn nói tiếng Anh. Thậm chí, khi người ta không hiểu bạn đang nói tiếng Anh, họ cũng vờ như là hiểu”.
Đồng nghiệp và đồng hương của Godfrey, Jon Dillingham, thì lại có một mong muốn có vẻ giản dị hơn: “Ước gì tôi quen một cô gái Việt không mang một cái tên tiếng Anh”. Cả Godfrey và Dillingham đều tự gọi mình – bằng tiếng Việt – là “một người Mỹ nhiều chuyện” (not-so-quiet American).
Tháng 7 âm lịch vừa rồi, Dillingham hỏi về chỗ ăn chay ngon tại Sài Gòn. Khi được chỉ đến một quán tại quận 10, Dillingham hỏi (bằng tiếng Anh): Có phải cái khu mà có nhiều quán karaoke không?”.
Trả lời: “Đúng rồi”.
“Vậy là ăn chay hát mặn hả?”, Dillingham hỏi tiếp, lần này bằng tiếng Việt.
(Theo An Điền/ Báo Xuân Thanh Niên)