- Quy mô của những ông lớn này tăng lên mạnh và túi tiền của các đại gia cũng theo đó phình to.

Đại gia thu bộn tiền

Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường và tập trung chủ yếu vào blue-chips đã khiến các cổ phiếu này tăng giá ấn tượng và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán trong bước tiến vượt lên trên ngưỡng 600 điểm.

Phiên giao dịch 21/7 với VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 600 điểm. Đợt tăng giá kéo dài trong 1 tuần qua cùng với phiên giao dịch khá hào hứng này đã giúp nhiều DN phình to về mặt quy mô và tiếp tục là những đế chế ngự trị trên thị trường vốn của nền kinh tế này.

Trong phiên giao dịch 21/7, với một cú tăng điểm ngoạn mục, cổ phiếu PV Gas (GAS) đã ghi một kỷ lục mới. GAS tăng 3.000 đồng lên 113.000 đồng/cp. Với 1.895 triệu cổ phiếu niêm yết trên sàn, GAS đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên TTCK đạt vốn hóa 10 tỷ USD.

{keywords}

Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường và tập trung chủ yếu vào blue-chips đã khiến các cổ phiếu này tăng giá ấn tượng.

Ở mức giá mới này, giá trị vốn hóa của GAS đã lên tới 214.135 ngàn tỉ đồng chiếm hơn 20% vốn hóa toàn thị trường. Mức tăng vốn hóa chỉ trong phiên này cũng đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng có một bước tiến ngoạn mục với cú tăng 6.000 đồng lên 139.000 đồng/cp. Với gần 834 triệu cổ phiếu, VNM có vốn hóa suýt soát 116.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), tương đương khoảng 11% vốn hóa toàn thị trường.

Tính chung trong đợt tăng ngắn ngủi 6 phiên vừa qua, VNM đã tăng thêm 12.000 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 10.000 tỷ đồng (470 triệu USD).

Cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (PVD) trong phiên ngày 21/7 cũng tăng 2.500 đồng lên 91.500 đồng/cp. Vốn hóa PVD lên hơn 25.000 tỷ đồng (gần 1,2 tỷ USD). Tính chung trong 6 phiên qua, vốn hóa PVD cũng đã tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu khủng khác cũng có mức tăng ấn tượng ghi nhận vốn hóa tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng như VIC của Vingroup lên 65.540 tỷ đồng (3,1 tỷ USD); FPT lên 15.470 tỷ đồng (730 triệu USD); HPG lên 27.700 tỷ đồng (1,3 tỷ USD)...

Tính sơ sơ 5-7 cổ phiếu lớn trên sàn, sự gia tăng về vốn hóa đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng lên đến cả tỷ USD trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, khoảng hơn một tuần qua.

Đi cùng với sự gia tăng về giá cổ phiếu, rất nhiều đại gia cũng chứng kiến túi tiền của mình phình lên ấn tượng như tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup; ông Trương Gia Bình ở FPT; ông Trần Đình Long ở Hòa Phát; ông lớn nhà nước SCIC và các quỹ ở Vinamilk; đại diện PVN và các quỹ ở GAS và PVD...

Thiên hạ đổ tiền vào ông lớn

Có một thực tế là trong đợt tăng giá khá ấn tượng và nhiều kỳ vọng lần này, dòng tiền đổ dồn chủ yếu vào các cổ phiếu lớn. Phiên giao dịch ngày 21/7 chứng kiến VN-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp, thêm 4,78 điểm (+0,8%) lên mức 601,04 điểm.

Tuy nhiên, tình trạng xanh vỏ đỏ lòng với sắc xanh không chiếm ưu thế và chỉ số VN30 đo lường nhóm 30 cổ phiếu có thanh khoản cao và tốt nhất giảm điểm khiến nhiều NĐT hao hụt khá nhiều niềm tin vào một đợt tăng giá mạnh.

{keywords}

Dòng tiền đổ dồn chủ yếu vào các cổ phiếu lớn

VN-Index tăng tới gần 5 điểm nhờ chủ yếu vào vài cổ phiếu khủng trên sàn như tốp 3 DN có vốn hóa lớn nhất PV Gas (GAS), Vinamilk (VNM) và Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD). Cổ phiếu VNM tăng tới 6.000 đồng, trong khi GAS tăng 3.000 đồng và PVD tăng 2.500 đồng/cp.

Đánh giá cho khá nhiều phiên tăng điểm gần đây, các CTCK và giới đầu tư đều cho rằng, VN-Index chịu ảnh hưởng rất lớn từ các cổ phiếu như GAS và VNM. Với mức vốn hóa chiếm hơn 20% thị trường, mỗi khi GAS tăng khoảng 3% thì cổ phiếu này góp phần giúp VN-Index tăng hơn 0,6%. Vinamilk trong khi đó nếu tăng 4,5% như trong phiên 21/7 góp phần giúp VN-Index tăng 0,5%.

Với chỉ 2 cổ phiếu và với mức tăng giá như nói trên, VN-Index đại diện cho hàng trăm mã cổ phiếu đã tăng 1%, tức đóng góp toàn bộ cho phiên tăng gần 5 điểm lên trên ngưỡng 600 điểm vừa qua.

Dòng tiền đổ vào các cổ phiếu lớn cũng chiếm đa số, như trong phiên 21/7, tổng giá trị giao dịch của 12 cổ phiếu đứng đầu (FLC, SSI, VNM, FPT, HQC, HSG, GAS, HPG, REE, PVD, VIC, HAG) chiếm tới 50% trong tổng số gần 2.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu chuyển nhượng trên sàn HOSE.

Hiện tượng dòng tiền dồn nén vào các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể phản ánh sự thận trọng của các NĐT với các cổ phiếu vừa và nhỏ và sự thiếu thốn các lựa chọn đầu tư thực sự hấp dẫn. Trên thực tế, các cổ phiếu lớn, cổ phiếu tốt hút dòng tiền là một điều dễ hiểu bởi các DN này thuộc tốp dẫn đầu trên các lĩnh vực mà họ tham gia. Chính các DN này dễ dàng vượt qua được khó khăn của nền kinh tế và thường thu lời lớn nhờ vị trí thống trị của mình. Dòng tiền vào nhiều khiến cho các cổ phiếu này có tính thanh khoản cao và đây lại là một yếu tố hấp dẫn các NĐT.

Sự hình hình thành các DN lớn trên thị trường với vốn hóa cả chục tỷ như GAS là một điều cần thiết bởi TTCK vẫn còn đang quá nhỏ bé, thiếu các DN lớn như vậy. Chưa nói tới các TTCK phát triển, ngay trong khu vực Đông Nam Á, các DN có vốn hóa 10 tỷ USD là khá bình thường.

Tuy nhiên, dòng tiền dồn nén vào một vài cổ phiếu như vậy cho thấy một thực tế quá thiếu thốn các cổ phiếu khủng. Bên cạnh đó, nó cũng khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về khả năng dùng trụ kéo chỉ số khi thị trường phụ thuộc quá nhiều vào một vài ngôi sao lớn.

Mạnh Hà