Trong lúc cả nhà đông đủ, cu Tôm chỉ vào bố và nói: “Bố toàn tranh ti của con thôi”... khiến anh Lâm... ngượng chín người trong khi cả nhà cười ngặt nghẽo.

Bà trẻ ở dưới quê lên chơi, hỏi anh em sinh đôi Bi – Bo: ‘Ở nhà, ai ngoan nhất? Ai hay nghe lời mẹ nhất, là anh Bi hay là em Bo nào?’.

Bi nhanh nhảu đáp: “Mẹ vẫn bảo cháu là chưa ngoan”, Bo cũng hùa theo: “Cả cháu cũng chưa ngoan”. Suy nghĩ một lát, hai anh em liền chỉ tay về phía bố (lúc này mới đi làm về): “Bố Huy ngoan nhất nhà bà ạ. Bố Huy không bao giờ cãi mẹ Yến đâu” khiến cả bà cả mẹ cùng cười, duy chỉ có bố là... ngại.

Ở vào vị trí người bố, anh Lâm (34 tuổi, thợ điện) cũng từng một lần muốn “độn thổ” vì con trai. Bé Tôm nhà anh gần 4 tuổi nhưng vẫn cực kỳ “nghiện ti” mẹ. Tối nào khi cả bố mẹ đang xem tivi, Tôm cũng lân la đến bên mẹ, vạch áo mẹ để “bú ti”. Những lúc như thế, anh thường trêu con bằng cách... tranh ti với con. Hai bố con rất “khoái” trò chơi này.

Một lần, về nhà ông bà nội dưới quê ăn giỗ, bà nội trêu Tôm: “Lớn rồi mà Tôm còn ‘ti mẹ’, lêu lêu...”. Tôm chỉ ngay vào bố, bảo: “Bố, bố lớn rồi còn ‘ti mẹ’, lêu lêu...”. Người em trai của anh Lâm còn “hùa” vào: “Bố Lâm ‘ti mẹ’ thật không Tôm?”, Tôm gật đầu: “Bố toàn tranh ti của con thôi”... khiến anh Lâm... ngượng chín người trong khi cả nhà cười ngặt nghẽo.

{keywords}
Những phát ngôn của cha mẹ có thể được các bé ghi nhớ và nói ra trước mặt người khác, gây ảnh hưởng tới quan hệ xã giao của cha mẹ. (Ảnh minh họa)

Còn anh Quyến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phát ngượng với khách vì cô con gái (5 tuổi) của mình. Anh Quyến tính xuề xòa, hay nói vui. Còn con gái anh thì chẳng khác gì “bà cụ non”, hay bắt bẻ lời của bố. Một cô bạn thân của vợ anh mới ly hôn, anh lỡ miệng nói vui với con: “Cô Xuân ấy, vừa xấu người lại xấu tính thì bị chồng bỏ là đúng rồi, Cún nhỉ?”. Chẳng ngờ, lúc thấy mẹ và cô Xuân đang nói chuyện, Cún cứ muốn xen vào chuyện của người lớn nên bị mẹ và cô Xuân quát to. Bực mình, Cún nhắc lại y nguyên lời bố vừa nói. Mẹ Cún quát: “Ai cho con nói thế hả?”, Cún chỉ ngay vào bố vừa đứng nghe điện thoại ngoài cửa: “Bố bảo con thế mà” khiến vợ chồng anh Quyến phải lảng ngay sang chuyện khác vì ngại với khách quá.

Lần khác, nhà anh Quyến có một người bác họ ở quê lên chơi. Người bác này “nổi tiếng” ki bo vì mấy lần lên chơi mà chẳng bao giờ mua quà cho cháu. Anh Quyến vui miệng nói chuyện với vợ khi có cả con gái ở đó: “Bà này mà mua quà thì anh đi đầu xuống đất”. Một lúc sau, khách đến, có mang theo một gói bánh và túi nho. Con gái anh Quyến kéo tay bố, nói to: “Bố đi đầu xuống đất đi. Bố vừa bảo là nếu bác Thanh đến mà mua quà thì bố đi đầu xuống đất còn gì” khiến anh Quyến và vợ chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn khách.

Nhiều phụ huynh khó tránh khỏi những giây phút lúng túng vì các bé. Nếu đó là những chuyện vui thì không sao. Nhưng nếu đó là những chuyện ảnh hưởng tới người khác (như nói xấu sau lưng) thì cha mẹ nên thận trọng. Những phát ngôn của cha mẹ có thể được các bé ghi nhớ và nói ra trước mặt người khác, gây ảnh hưởng tới quan hệ xã giao của cha mẹ và cũng không tốt cho tâm lý các bé.

(Theo Trí thức trẻ)