- Trong quá trình vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hầm đường bộ Hải Vân, các phương tiện vi phạm đều được xử lý nghiêm. Để qua mặt hệ thống mắt thần điện tử giám sát, cánh tài xế đã nghĩ ra nhiều quái chiêu...
>> Bài 2: "Bộ não điện tử' duy trì đường hầm Hải Vân
Chết máy giữa đường hầm để tránh bị phạt
Theo quy định, các phương tiện khi lưu thông qua đường hầm đều phải chạy với tốc độ tối thiểu 40 km/h và tối đa 70 km/h. Các phương tiện không được chạy nhanh hơn, cũng không được chạy chậm hơn, đặc biệt là không được vượt tránh trong đường hầm.
Các phương tiện chuyên dụng sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trong đường hầm. |
Quy định là vậy, nhưng có nhiều lúc sự cố xe chết máy bất thường diễn ra trong đường hầm đã gây ách tắc giao thông.
Ngay lập tức, xe cứu hộ nhận lệnh vào đưa xe chết máy ra khỏi hầm để đảm bảo an toàn giao thông.
"Nếu không kịp thời xử lý phân luồng xe và chặn xe từ hai đầu đường hầm thì lập tức đường hầm sẽ bị ùn tắc. Nguy cơ cháy nổ cùng nhiều nguy hiểm khác cũng rình rập" - ông Cao Bá Giang cho biết.
Nhiều trường hợp xe tải nặng chạy chậm qua hầm, thấy nguy cơ bị phạt, tài xế liền cho xe chết máy để được xe cứu hộ vào kéo ra. Đây là “quái chiêu” của cánh tài xế đã làm đau đầu cơ quan quản lý vận hành hầm.
Lúc đầu, lực lượng quản lý vận hành cũng bó tay. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, sau một thời gian xe tải hạng nặng cứ chết máy giữa hầm, lực lượng vận hành đã tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm.
Đoàn xe tải hạng nặng vượt tải đang đậu phía nam hầm để chờ nhau kéo thành đoàn vượt hầm. |
“Đối với những phương tiện chết máy do sự cố, sau khi xe cứu hộ đưa ra khỏi hầm sẽ không bị xử lý. Nhưng đối với những xe mà tài xế cố tình cho chết máy để xe cứu hộ đưa ra, chúng tôi tiến hành kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm theo qui định…” - ông Giang nói.
Quái chiêu “Lê Lai cứu chúa…”
Những quái chiêu của tài xế bị phát hiện và xử lý, theo Phó Tổng GĐ Cao Bá Giang, nếu tiếp diễn liên tục sẽ rất nguy hiểm đến an toàn vận hành đường hầm.
Nhưng cũng có những quái chiêu khiến lực lượng vận hành hầm phải bó tay và đau đầu khi xử lý. Thậm chí, khi phát hiện vi phạm vẫn không xử lý được.
Theo lời kể lại của các kỹ sư ứng trực xử lý sự cố hàng ngày, nhiều tài xế còn dùng chiêu “Lê Lai cứu chúa” khiến các anh nhiều lúc phải lắc đầu chào thua.
Thường thì các xe chở quá tải, hàng nặng khi qua hầm không chạy đúng tốc độ quy định sẽ bị phạt.
Xe tải nặng đang chờ nhau ở cửa hầm phía bắc để chuẩn bị kéo nhau vượt hầm tránh bị phạt. |
Cánh lái xe tải đường dài thường liên kết, hẹn nhau hàng chục chiếc ở hai đầu đường dẫn để đi thành đoàn qua hầm.
Trước khi đi thành đoàn qua hầm, cánh tài xế cử xe đi đầu theo phương án “có chết một mình tui chết”. Nghĩa là có phạt thì chỉ phạt mình xe đi đầu. Cánh tài xế đi sau cứ thế ung dung chạy chậm, ì ạch bò qua đường hầm bám xe đầu.
Khi ra khỏi hầm, chiếc xe đi đầu sẽ bị giữ lại để xử lý vì chạy chậm. Tổng số tiền xử phạt sẽ được các tài xế chạy sau chung chi cho tài xế chạy đầu.
Anh Nguyễn Hùng Dũng, một tài xế xe tải đường dài kể: xe tải đường dài chở đúng tải chỉ có... ăn cám. Vì vậy tụi tui buộc phải chở quá tải. Mà chở quá tải khi ra đường phải chung chi mới qua ải.
Khổ nhất là qua hầm đường bộ Hải Vân, nếu chở quá tải là bị “vịn” ngay vì độ dốc trong hầm khá lớn, chở quá tải không thể chạy đúng tốc độ được.
"Tui nhiều lần chở quá tải bò ì ạch một mình qua hầm. Khi ra đến cửa hầm là bị “vin” và xử phạt ngay, nên phải nghĩ ra cách để qua hầm an toàn mà không bị phạt" - anh Dũng kể.
Để hóa giải chiêu thức "Lê Lai cứu chúa" của cánh tài xế, theo ông Cao Bá Giang, đơn vị đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng, chặn đoàn xe tải nặng, chia thành nhiều tốp nhỏ và thậm chí cân tải trọng buộc bốc dỡ hàng quá tải mới cho qua hầm. Tuy nhiên, cũng rất khó khăn.
Vũ Trung