Những sinh vật kì lạ của đáy biển sâu.
1. Cá rắn lục (ViperFish)
Cá rắn lục, được tìm thấy ở độ sâu từ 80-1600 mét, là một trong loài cá trông đáng sợ nhất sống dưới nước. Nó cũng là loài cá được biết đến như một tay săn mồi hung hãn nhất. Có thể nhận diện nó một cách dễ dàng bởi cái miệng to với những chiếc răng có móc, cực sắc, lớn đến nỗi miệng không thể khép vào được.
Toàn thân chúng đen như màn đêm, cùng với mốt số bộ phận phát sáng để săn mồi, đặc biệt trong đó là vây lưng dài, đóng vai trò như mồi nhử. Bản chất của sự phát sáng này là dựa vào quá trình phát quang sinh học, qua một số phản ứng hóa học.
2. Cá răng nanh (Fangtooth)
Cá răng nanh, còn được biết đến với cái tên Anoplogaster, sống ở vùng nước rất sâu của đại dương, có thể đến 4000 m. Ở độ sâu này, áp lực là cực lớn, và nhiệt độ nước gần như đóng băng. Mặc dù trông như một con quỷ thực sự, cá răng nanh khá nhỏ, chỉ dài tối đa 16 cm. Thân hình ngắn ngủi, sẫm màu, đầu to, miệng rộng, đầu còn có nhiều lỗ rỗng, nhờn cách nhau bởi những gờ răng cưa. Những lỗ rỗng này được phủ bằng một lớp da rất mỏng. Thân có vảy nhỏ và nhọn hoắt màu từ nâu sẫm đến đen. Mắt nhỏ nằm ngay trên đầu. Để bù vào sự kém tinh nhạy của thị giác, cá răng nanh có vạch đường biên phát triển, cảm nhận được dao động của làn nước xung quanh.
Thức ăn ở độ sâu 4000 m rất khan hiếm, do đó cá răng nanh sẽ ăn bất cứ thứ gì nó có thể tìm thấy. Cá răng nanh được tìm thấy trên khắp thế giới, cả khu vực biển ôn đới và nhiệt đới, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi bờ biển của Úc.
3. Cá rồng (Dragonfish)
Cá rồng còn được gọi là cá rồng không vẩy, là loài cá dữ, săn mồi tàn bạo dưới đáy đại dương. Có tên khoa học là Grammatostomias flagellibarba, chúng có những chiếc răng sắc và quá lớn so với toàn thân. Kích thước chùng không lớn, khoảng 15 cm là cùng nhưng trông thật quái dị. Có nhiều loài cá rồng khác nhau nhưng hình dạng thì tương tự nhau.
4. Cá vây chân (Angler Fish)
Giữa đầu cá vây chân có 3 sợi râu. Sợi dài nhất mọc lên từ phía trên mắt cá có thể chuyển động về mọi hướng để phát hiện con mồi. Loại cá này sống cả ở trên mặt nước lẫn vùng biển sâu. Chúng có cặp mắt ti hí và lớp da giống như thạch đông có thể phản xạ với ánh sáng màu xanh.
Đó là cơ chế để cá vây chân tự bảo vệ dưới biển sâu vì thực tế mọi loại cá sống dưới đáy biển đều phát ra ánh sáng huỳnh quang có màu xanh da trời. Do phản xạ với ánh sáng này nên các loài cá khác sống cùng địa điểm không trông thấy chúng một cách cụ thể mà như một ảo ảnh. Thêm vào đó, cá vây chân lại tròn xoe khiến chúng bơi rất khó khăn. Chúng lăn qua lăn lại theo chuyển động dòng nước.
5. Lươn biển Gulper
Lươn biển Gulper, tên khoa học là pelecanoides Eurypharynx, có lẽ là một trong những sinh vật kỳ lạ nhất trong đại dương sâu thẳm. Lươn biển Gulper là loài động vật nguy hiểm với miệng khổng lồ và chiếc đuôi thon dài. Hàm răng của chúng có dạng hình túi, sẵn sàng tấn công và nuốt chửng con mồi. Nó còn có dạ dày “đa năng” có thể nuốt những con mồi to hơn cả kích thước cơ thể.
Lươn gulper phát triển đến chiều dài khoảng 0,5-1,5 m và được tìm thấy ở khắp các đại dương ở các độ sâu khác nhau từ 900-1800 m.
6. Mực khổng lồ (Giant Squid)
Mực khổng lồ, có tên khoa học là Architeuthis Dux, một trong những loài động vật không xương sống lớn nhất thế giới, đạt chiều dài lên đến 18 m. Có rất ít thông tin về con vật bí ẩn này được biết đến bởi không ai đã được nhìn thấy chúng còn sống trong tự nhiên. Hầu hết những gì chúng ta biết về chúng đều qua các cơ quan của mực chết đã dạt vào bờ hoặc được kéo lên trong lưới của ngư dân.
Mực khổng lồ là loài ăn thịt, và sẽ ăn bất cứ thứ gì chúng bắt được. Tuy nhiên, mực khổng lồ là món ăn ưa thích của cá nhà táng.
7. Bọ chân khổng lồ (Giant Isopods)
Bọ chân đều khổng lồ trông giống như một con côn trùng phóng to. Con vật này thuộc họ giáp xác (tựa như pha trộn giữa tôm và cua), có tên khoa học là Bathynomus giganteus, sống ở vùng nước sâu và lạnh ở Đại Tây Dương.
Đối với ngành đánh cá, bọ chân đều không phải là một đối tượng hấp dẫn lắm, vì tuy ăn rất ngon, chúng rất khó bắt và khi đưa lên được đến mặt nước thì đã đủ thời gian để các loại cá khác ăn thịt rồi.
8. Cá nóc hòm (Coffinfish)
Cá nóc hòm sống dưới đáy biển hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Chúng có những chiếc vây ở phía dưới gần như biến thành chân nên nhìn chúng di chuyển dưới đáy biển, người ta thấy chúng đi bộ chứ không phải là bơi nữa.
Vì bị các loài cá dữ săn bắt nên cá nóc hòm có cách tự vệ riêng. Giống với cá nóc, chúng có thể nuốt vào bụng một lượng nước lớn làm chúng phồng lên và đột ngột to lớn hơn rất nhiều, làm những con cá dữ hoảng sợ, bỏ đi không dám tấn công chúng nữa.
9. Mực ma cà rồng (Vampire squid)
Mực ma cà là loài mực có kích thước rất nhỏ và khá hiền lành, loài này có tên khoa học là Vampyroteuthis infernalis, thuộc lớp động vật chân đầu và sống ở độ sâu 550-1.100m dưới đại dương. Mắt mực ma cà rồng có đường kính trung bình 2,5 cm. Tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng mà mắt chúng có màu đỏ hoặc xanh dương. Màu sắc cơ thể chúng cũng thay đổi liên tục từ màu đen tới đỏ nhạt theo vị trí và điều kiện ánh sáng.
Chúng kiếm mồi bằng cách hút những thứ trôi trong tầng nước sâu như trứng, ấu trùng, xác và các bộ phận cơ thể của những động vật biển. Loài này bao bọc thức ăn bằng nước nhầy trước khi nuốt.
10. Quái vật mũi dài (Long-nosed Chimaera)
Ở độ sâu 2400 m dưới đáy biển, quải vật này có chiều dài chỉ khoảnh 1 m, một đặc điểm điển hình là nó có mũi rất dài, có hình như mũi của một chiếc máy bay chiến đấu. Ở nam phi, nó được gọi là cá mập ma, dù chỉ có họ hàng xa với cá mập. Chỉ một cú chạm vào vây lưng của nó, nọc độc tiết ra đủ để giết chết một người lực lưỡng.
(Theo Trí thức trẻ)