Cà phê vợt từng một thời phổ biến ở đất Sài Gòn, qua thời gian, nét văn hóa cà phê này dần biến mất. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2 quán giữ được hình thức này, với tuổi đời đều trên nửa thế kỷ.
Loại cà phê pha bằng chiếc vợt, đun trong siêu nước lúc nào cũng được sôi sùng sục là kiểu pha truyền thống từng rất phổ biến ở Sài Gòn. Thưởng thức ly cà phê vợt sẽ nhận thấy vị thơm, ngon đặc trưng mà các kiểu pha khác không có được.
Quán cà phê vợt ở hẻm 330 Phan Đình Phùng
Với "tuổi đời" bước sang con số hơn 60, quán cà phê vợt của bà Phạm Ngọc Tuyệt và ông Đặng Trần Con ở lề đường của hẻm 330 Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, TP.HCM) đã trở thành một điểm đến quá quen thuộc của người Sài Gòn.
Quán cà phê này là một nhân chứng đầy sinh động và hoài cổ của Sài Gòn.
Quán nhỏ nhưng rất đông khách, đa phần đều là khách quen. |
Nét đặc trưng của quán không chỉ nằm ở tuổi đời mà còn ở cách thức pha cà phê bằng chiếc vợt thay vì phin như bình thường. Người bán cà phê dùng nước sôi để trụng sạch vợt rồi cho vào trong một lượng cà phê xay nhuyễn nhất định. Sau đó, nhúng chiếc vợt vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại, để trong khoảng 5 đến 10 phút cho cà phê thấm dần và tạo nên những mẻ cà phê tuyệt ngon với hương vị 60 năm không đổi.
Cà phê pha bằng vợt làm nên nét đặc trưng của quán.
Cà phê pha xong được rót vào 2 ấm nhỏ. Cà phê thơm, sánh là lý do nhiều người dù ở xa nhưng tuần nào cũng phải ghé quán uống cà phê. |
Cà phê ở đây được rót vào 2 ấm nhỏ, một ấm đựng loại để nguội, dùng cho những người thích uống với đá. Ấm còn lại để trên bếp than lửa nhỏ để giữ nóng. Nhờ hương vị đặc trưng nên quán lúc nào cũng đông và đủ mọi thành phần khách. Giá một ly cà phê từ 10 – 14 ngàn với các loại như cà phê đen, đen đá, sữa nóng, sữa đá, cà phê vị đắng, bạc xỉu…
Hương vị độc đáo của cà phê vợt khiến các vị khách chấp nhận ngồi dọc hai lề hẻm để nhâm nhi ly cà phê. Cảnh chờ đợi uống cà phê thường xuyên diễn ra vào sáng sớm hoặc dịp cuối tuần. Nhiều người sẵn sàng đi xe hàng cây số để mua cà phê về nhà cho gia đình. |
Quán cà phê ở hẻm 313, quận 11
Một quán cà phê vợt khác được nhiều người biết đến ở Sài Gòn là quán của ông Lưu Nhân Thanh nằm trong hẻm 313 (Tân Phước, P. 6, Q.11). Hơn nửa thế kỉ hoạt động với không gian đơn giản, cũ kĩ đặc trưng của quán đã níu chân biết bao người thành khách quen.
Quán cà phê vợt nằm ở hẻm 313 (Tân Phước, Q.11) cũng vô cùng nổi tiếng.
Không gian quán nhỏ, đơn giản và cũ kỹ. |
Cách pha chế của quán ông Thanh có phần xưa cũ với bếp củi, siêu đất nung. Cứ 5h sáng, bếp củi nhà ông lại đỏ lửa để đun nước sôi pha cà phê phục vụ khách. Bí quyết pha cà phê của ông là không bao giờ giặt vợt pha bằng xà phòng vì dễ làm mất mùi thơm của cà phê. Đồng thời ông dùng siêu đất - loại siêu chuyên dùng để nấu thuốc bắc để pha cà phê. Cầu kỳ là thế nên khi nhấp từng ngụm, người uống sẽ cảm nhận được mùi thơm, vị đậm đà tan chảy từ đầu lưỡi đến họng.
Ông Thanh cho biết vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị.
Cà phê được ông pha bằng siêu đất - loại siêu chuyên dùng để nấu thuốc bắc. "Chỉ có giữ nóng bằng cái siêu đất, hương thơm cà phê vợt mới ngon hơn hẳn cà phê đựng trong cái phin bằng kim loại”, ông Thanh cho biết.
Cà phê pha xong bằng siêu đất mới được đổ ra siêu nhôm để bán cho khách. |
Cà phê ở quán này giá rất rẻ, ly cà phê nóng giá chỉ 5.000 đồng, có sữa là 6.000 đồng. Đối tượng khách hàng của ông đa phần là những vị trung và cao tuổi. Họ uống như một thói quen hay nói đúng hơn là thỏa cơn ghiền cà phê vợt, nhất là khi kiểu pha chế này đã gần như mất hút tại Sài Gòn.
Cho đến bây giờ, vẫn không ai biết chính xác cái cách pha cà phê bằng vợt có từ thời điểm nào. Chỉ biết những quán như của ông Thanh, bà Tuyết vẫn đang níu giữ "hồn" cà phê vợt và nét văn hoá một thời của người dân đô thị. |
(Theo Trí Thức Trẻ)