Nghề viết game (Gaming journalism) đang trở nên thịnh hành và phát triển hơn bao giờ hết nhờ sự bùng nổ của thị trường game những năm gần đây. Những người làm nghề này thực hiện các công việc như: viết các bài báo đánh giá (review), nhận định (preview), phỏng vấn các game thủ và đại diện các nhà sản xuất, cập nhật thông tin nóng hổi từ các sự kiện lớn trong ngành sản xuất trò chơi điện tử…Các bài viết phải hội tụ đủ các yếu tố: thông tin nóng hổi, cập nhật, nhiều người quan tâm và đặc biệt phải có tính phổ biến nhất định.

Nói thì có vẻ to tát như vậy, nhưng nghề viết game không phải là một công việc quá khó khăn như nhiều người nghĩ. So với những nghề nghiệp khác, nghề viết game còn được coi là một trong những ngành nghề tốn ít công sức hơn, làm việc trong một thời gian ngắn hơn, và thu nhập cao hơn..?
 

Dường như bản chất của nghề viết game vẫn chưa thực sự được làm rõ và vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về công việc đang hết sức thu hút giới trẻ này. Hãy cùng GameSao liệt kê những quan niệm sai lầm của nhiều người về nghề viết game và làm rõ những câu hỏi mà nhiều người đang còn thắc mắc:

1. Chỉ cần suốt ngày chơi game và chẳng cần làm gì cả:

Bất cứ ai đã và đang làm nghề viết game phải công nhận rằng tất cả khoảng thời gian làm việc của họ đều xoay quanh công việc nhận định và đánh giá game. Mà muốn làm được công việc đó thật tốt, người viết game phải trực tiếp trải nghiệm và chơi game trong một thời gian nhất định để thực sự hiểu bản chất của một trò chơi.

Một số chuyên gia phê bình game được “miễn” điều này, nhưng xét về tổng thế, viết game luôn song hành với chơi game. Nhưng những game thủ dù có chơi giỏi, chơi tốt một game đến đâu nếu không có kiến thức về văn học, khả năng diễn đạt và bộc lộ cảm xúc tốt trong những lời văn, câu chữ thì cũng chẳng đủ sức để viết ra một bài viết có chất lượng, gây được ấn tượng với độc giả.

Đó là lí do các chuyên trang về game luôn sử dụng những nhà văn, cây viết có năng lực kiêm luôn một game thủ đúng nghĩa để thực hiện công việc tưởng dễ mà khó này, đó là: chơi game rồi viết bài. Hơn nữa, những cây bút viết game phải là những người tỉnh táo, khách quan và phải thoát ra khỏi tâm lí của những game thủ thông thường để thấy được những ưu-nhược điểm của mỗi trò chơi để từ đó có được những nhận định chính xác nhất về bất cứ một trò chơi nào.

2. Không cần có kinh nghiệm vẫn làm được việc:

Phải khẳng định rằng, những người làm nghề viết game luôn hiểu biết thêm được rất nhiều thứ khi bước chân vào lĩnh vực này được một khoảng thời gian. Từ những người không biết gì, chưa có một chút khái niệm nào về ngành công nghiệp game hiện nay, nhưng nhiều người vẫn có thể làm tốt và trở thành những cây viết game uy tín và danh tiếng.

Không ai sinh ra đã trở thành một nhà văn tài năng, và nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực này, hãy biết nơi bạn đứng ở đâu và có phương hướng phát triển nghề nghiệp thật rõ ràng. Ban đầu, những “lính mới” được giao những công việc đơn giản như gõ bản thảo, dịch tin ngắn, review những game đơn giản,…Sau một thời gian học việc, nếu người đó biết lắng nghe, tiếp thu và học hỏi chắc chắn tương lai của họ sẽ sáng lạn hơn rất nhiều những người khác.

Có thể khẳng định rằng kinh nghiệm trong nghề viết game không phải là gì quá to tát (tất nhiên có vẫn tốt hơn), nhưng “keyword” để thành công trong nghề này là: kiên nhẫn, nỗ lực, cầu thị và chịu khó. Hãy coi thời gian khởi đầu khó khăn trong nghề viết game là một thách thức lớn cần vượt qua (mức lương ít ỏi, công việc nhàm chán không đúng với suy nghĩ trước đó…), bởi nếu vượt qua được bạn chắc chắn sẽ tiến xa trong nghề.

3. Tham dự tất cả các sự kiện lớn đều miễn phí:

Là một người làm nghề viết game có tên tuổi, bạn sẽ được mời đến các sự kiện game lớn và đưa tin độc quyền; được đi máy bay, ở khách sạn…bằng tiền của các nhà tổ chức sự kiện. Đó là lí do họ lui tới các sự kiện có tầm cỡ như E3, PAX, Gamescom, Tokyo Games Show… thường xuyên mà không phải chi trả bất cứ chi phí nào cho chuyến đi.

Bởi lẽ họ được các nhà tổ chức sự kiện “bao trọn” những chuyến đi tốn kém như vậy bởi chính họ sẽ là những người đưa tin tức tới nhiều game thủ nhất, đưa sự kiện của họ trở nên phổ biến hơn, các game được quảng cáo trong sự kiện bán được nhiều hơn…

Chính sức hút không thể cưỡng lại được từ các chuyến đi miễn phí đó đã khiến nhiều cây viết game nghiệp dư hoặc đang chập chững vào nghề đang ngày càng muốn chứng tỏ bản thân mình hơn bằng việc tự rút tiền túi của mình để tham dự được những sự kiện tầm cỡ của làng game. Bằng cách đầu tư hết sức tốn kém này, họ sẽ có bài gửi về cho các biên tập chịu trách nhiệm đăng tải,…cứ thế, cứ thế, họ mong mỏi một ngày nào đó sẽ trở thành một cây viết game có uy tín được các “host” mời đi dự sự kiện miễn phí.

4. Công việc không chỉ bó hẹp trên những trang game điện tử:

Trò chơi điện tử có rất nhiều cách để “hạ bệ” điện ảnh và truyền hình. Nó được tiếp cận một cách nhanh chóng, không kể tuổi tác, giai cấp, mức thu nhập,…trò chơi điện tử đang ngày càng đặt dấu ấn thống trị của mình lên trên mọi mặt của cuộc sống. Đơn cử như với GTA V, trò chơi đã phá vỡ tới 6 kỷ lục về doanh số bán ra trên toàn Thế giới, đặc biệt ấn tượng trong số đó là kỷ lục “sản phẩm giải trí thu về số tiền giá trị 1 tỷ USD nhanh nhất”. Từng đó đủ thấy sức hút của game là lớn tới nhường nào.

Trước kia, nghề viết game chỉ thực sự được biết tới qua những trang web, cổng thông tin, blog, trang mạng xã hội,…trên mạng Internet vì nó thực sự có tính phổ cập nhanh chóng. Nhưng cho tới nay, các tờ báo giấy, báo in chính thống cũng đang gấp rút tuyển mộ những cây viết game có tài năng và uy tín về đầu quân cho mình với mục đích tạo ra những bài viết về game có sức nặng thu hút độc giả mua báo nhằm tăng doanh thu, đáp ứng thị hiếu độc giả và nâng tầm tên tuổi của mình. Có thể kể tới một số ấn phẩm, tờ báo lớn như: tạp chí Forbes, tờ The New York Times cho tới cả tờ USA Today…

Chính ý tưởng đưa những bài viết về game lên mặt báo in truyền thống đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa báo in và báo mạng trở nên khốc liệt hơn. Qua đó, khiến cho các cây viết game phải tự nâng cao trình độ của mình nếu không muốn các đối thủ của mình vượt mặt.

(Còn tiếp…)

 

Tiến Linh (Theo WC)