- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định 105/2012 sửa đổi về “Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức”. Theo đó, một số quy định mang tính chất cấm từ trước đã được diễn đạt lại theo hướng 'mềm' hơn, khuyến khích người dân dần từ bỏ nhưng vẫn vấp phải nhiều phản hồi bởi tính khả thi yếu.


Một nội dung được nhiều người quan tâm nhất là về ô cửa lắp kính trên nắp quan tài. Cụ thể, dự thảo Nghị định đã sửa nội dung này như sau: “Khi quàn linh cữu tại Nhà tang lễ hoặc gia đình, tùy theo phong tục, tập quán, hoàn cảnh và điều kiện của từng gia đình mà sử dụng loại quan tài cho phù hợp, nhằm đảm bảo vệ sinh y tế, vệ sinh môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Không sử dụng quan tài có lắp ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh”.

Như vậy, dự thảo không cấm việc sử dụng quan tài có ô kính mà chỉ cần yêu cầu quan tài phải đảm bảo kín và không sử dụng ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo TS nghiên cứu Xã hội học Trịnh Hòa Bình, rất nhiều người quan niệm rằng việc để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài là để tạo điều kiện cho những người đến viếng được “nhìn mặt lần cuối” người đã khuất. Ở đây có yếu tố tâm linh cũng như yếu tố tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

{keywords}

Nhìn mặt người khuất lần cuối là mong mỏi của bất cứ ai đến viếng

Còn nói rằng người chết vì bệnh tật nếu để ô cửa kính sẽ phát tán khí độc ra ngoài hoặc vì lý do gì đi nữa thì cũng không có sức thuyết phục và điều kiện hiện này hoàn toàn có thể cho phép khắc phục các lý do đó. "Quy định này có thể áp dụng cho bệnh tật quá gây truyền nhiễm, nhưng ai biết chắc rằng người này trong gia đình này chết do bệnh truyền nhiễm hay không. Có ai đến tận nhà người chết bắt trình giấy chết do bệnh gì không? Cái này thuộc ý thức người dân. Mà đã là ý thức thì nên để dân tự nguyện, đừng quy định cứng nhắc, thiếu khả thi như vậy", TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS- TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông vừa đi dự đám tang GS Nguyễn Lân Tuất ở Nga về và không hề thấy người chết được đặt kín trong quan tài. Người chết được đặt vào quan tài nhưng không hề đậy nắp quan tài mà phủ hoa nửa người. Những người đến viếng vẫn cảm thấy được gần gũi mà không thấy lạnh lẽo. Và hơn hết, họ được nhìn mặt người mà họ yêu mến lần cuối trước khi về cõi vĩnh hằng. "Đây là vấn đề tâm linh và phong tục tập quán từ lâu đời của người Việt. Nó sẽ tự thay đổi khi xã hội thay đổi, đừng quy định quá cứng nhắc như vậy mà thành ra vô duyên", TS Nguyễn Lân Cường chia sẻ.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi về “Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức” cũng yêu cầu không rắc, rải vàng mã đối với Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước; nghiêm cấm việc rắc, rải các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ Nhà tang lễ, hoặc gia đình đến nơi an táng. Cán đơn vị, tổ chức đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước để mua vòng hoa mà dùng vòng hoa luân chuyển.

Nhưng quy định này theo TS Trịnh Hòa Bình cũng không khả thi và chưa đúng với tình hình thực tế. Theo ông Bình, dù cơ quan ông là cơ quan nhà nước nhưng cũng chưa bao giờ dùng ngân sách nhà nước để mua hoa phúng viếng. "Anh em ở viện toàn tự bỏ tiền túi hoặc lấy từ quỹ công đoàn - mà quỹ công đoàn cũng là tiền cán bộ công chức đóng góp. Có ai dùng tiền ngân sách mua vòng hoa phúng viếng đâu mà quy định", TS Bình nói.

Còn việc quy định rắc, rải vàng mã đảm bảo tiết kiệm, theo TS Bình, chỉ có thể đứng trên bình diện vận động xã hội. Đừng quy định những cái rất nhạy cảm như ma chay, tang lễ này.

P.V