Với mức giá ngày càng dễ tiếp cận chỉ từ khoảng 300-400 triệu đồng, việc sở hữu ôtô ngày nay trở nên dễ dàng hơn nhiều. Lần đầu tiên mua một chiếc ôtô sẽ là một quyết định quan trọng, tuy nhiên là lần đầu mua xe nên chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm.
Để việc mua và sử dụng chiếc xe trở nên thuận lợi, bạn nên lưu ý những sai lầm dưới đây:
Mua xe theo ý kiến người thân
Đây là tâm lý chung của nhiều người khi sắp sở hữu chiếc xe đầu tiên. Nếu là người không am hiểu về xe cộ, chiếc xe đầu tiên thường được mua theo lời khuyên từ những người xung quanh như gia đình, bạn bè. Điều này có thể khiến cho bạn mua một chiếc xe không phù hợp với nhu cầu sử dụng cụ thể của mình.
Để tránh mắc phải lỗi này, cần dành thời gian lái thử để cảm nhận cũng như cân nhắc kỹ xem mẫu xe đó có phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Nếu chỉ đi một mình hoặc với vợ/chồng và di chuyển trong phố là chính thì chỉ cần một chiếc sedan hay SUV đô thị nhỏ gọn. Trong khi đó cần chở nhiều người thường xuyên và hay về quê thì nên lựa chọn các dòng xe 7 chỗ.
Chỉ quan tâm đến sức mạnh động cơ
Một chiếc xe với "số chấm" cao không đồng nghĩa với việc mang đến sự thoải mái, an toàn cho người sử dụng. Ngoài yếu tố dung tích xy-lanh, người dùng cũng nên tìm hiểu thêm các công nghệ hỗ trợ và an toàn được trang bị trên xe.
Đa số xe không được trang bị "full-option" để giảm giá bán, các hãng sẽ tính toán để lắp đặt những trang bị ở mức tối ưu được giá bán nhưng vẫn thu hút được người mua. Điều này khiến cho các mẫu xe bán trong nước có thể bị mất đi các tính năng hỗ trợ cũng như công nghệ an toàn vốn có ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như các dòng xe đô thị cỡ nhỏ như Kia Morning khi bán trong nước đã bị giảm bớt số lượng túi khí, loại bỏ tính năng cruise control.
Người dùng cần cân nhắc tìm mua các mẫu xe có đủ công nghệ an toàn hỗ trợ phù hợp với việc sử dụng xe, ví dụ nếu có sử dụng xe đi đường dài, nên chọn xe có cân bằng điện tử, hỗ trợ lực phanh, cruise control. Dù những tính năng này không sử dụng thường xuyên, đây lại là những trang bị có thể cứu sống người ngồi trong khoang lái khi xảy ra những sự cố đáng tiếc, hoặc mang lại những sự thoải mái khi lái xe đường dài.
Không lái thử trước khi quyết định mua
Tìm hiểu kỹ các thông số kỹ thuật của xe có thể giúp so sánh trang bị, sức mạnh giữa các mẫu xe với nhau, tuy nhiên lái thử mới giúp bạn cảm nhận được chiếc xe nào phù hợp nhất với bản thân. Đa số các cửa hàng đều có xe lái thử cho những dòng xe phổ biến, bạn chỉ cần đề nghị với nhân viên bán hàng muốn lái thử trước khi mua.
Trong quá trình lái thử, cần trải nghiệm kỹ các yếu tố như cách âm, độ êm ái, khả năng hoạt động của phương tiện. Nếu có thể, bạn nên đề nghị cho lái thử trên cao tốc, điều khiển xe ở vận tốc cao giúp phát hiện ra các nhược điểm về cách âm cũng như đánh giá sức mạnh động cơ chính xác hơn.
Đọc qua loa hợp đồng
Không đọc kỹ hợp đồng dễ khiến bạn gặp rắc rối sau khi mua xe. Trước khi đặt bút ký hợp đồng, cần xem kỹ tất cả liên quan đến tình trạng xe, quyền lợi và trách nhiệm chung của 2 bên mua và bán, thông tin thanh toán, hậu mãi...
Người mua nên đọc thật kỹ về các thông số như số khung, số máy có trùng khớp với xe hay không, các trang bị có đúng với phiên bản cần mua. Nếu mua xe qua hình thức trả góp ngân hàng, thông tin thanh toán cũng cần xem xét kỹ và đề nghị nhân viên bán hàng tư vấn rõ ràng để tránh phát sinh rắc rối sau khi ký.
Mua những phụ kiện không cần thiết
Là chiếc xe đầu tiên nên nhiều người không tiếc tiền khi chi vài triệu đến vài chục triệu đồng cho những phụ kiện được nhân viên bán hàng gợi ý mua kèm. Thực tế, không phải phụ kiện nào cũng có ích và cần thiết cho nhu cầu của mọi người.
Thông thường, những phụ kiện cần thiết thường được các tài xế lâu năm khuyên mua là vè che mưa, lót sàn, camera hành trình... Ngoài những phụ kiện vừa kể, chủ xe nên cân nhắc khi được đề nghị mua thêm các phụ kiện chỉ mang tính chất trang trí là chính như ốp trần, lót sàn 4D/5D...
Chi phí cho những mòn đồ trang trí không quá lớn nhưng nếu cộng lại thì không phải là con số nhỏ. Phụ kiện cho ôtô khá dễ mua, người dùng có thể lấy xe trước để sử dụng, sau đó tìm hiểu tham khảo và mua thêm phụ kiện khi cần.
Không kiểm tra kỹ khi nhận xe
Không kiểm tra kỹ khi nhận xe có thể khiến chủ xe cảm thấy khó chịu bởi những lỗi nhỏ xuất hiện trên chiếc "xế cưng" của mình. Trong trường hợp phát hiện kịp thời các lỗi như trầy xước sơn hay thiếu phụ kiện, bạn có thể yêu cầu showroom giải quyết ngay vấn đề cho mình.
Những việc nên làm khi nhận xe là xem số khung, số máy có trùng với thông tin trong hợp đồng hay không, kiểm tra ngoại thất và nội thất xem có bị trầy xước hay không, kiểm tra các trang bị như lốp dự phòng, phụ kiện đi kèm có đầy đủ chưa...
Không tìm hiểu kỹ các tính năng trên xe
Không khó để nhận thấy các bài viết hỏi về các tín hiệu đèn xuất hiện trên bảng đồng hồ hay mức áp suất lốp trên các hội chơi xe, trong khi các thông tin này đều được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng. Nhiều người dùng quan niệm chỉ cần xe có thể nổ máy và chạy được là đủ, không quan tâm đến những vấn đề khác cho đến khi xe gặp sự cố.
Đọc sách hướng dẫn sử dụng giúp người dùng hiểu rõ hơn về phương tiện, đồng thời người lái cũng biết cách sử dụng xe bền bỉ hơn thông qua việc điều khiển cũng như bảo dưỡng đúng thời điểm.
Theo Zing
Có nên 'xuống tiền' mua ô tô đã làm lại máy hay không?
Với việc “tậu” một chiếc xe cũ trên 10 năm tuổi, có nên mua xe đã làm lại máy ngon lành hay nhất định phải tìm xe vẫn còn “zin”?