Tại nơi sâu nhất của đại dương người ta tìm thấy những con amip khổng lồ mà trước đây người ta chỉ nhìn thấy trên kính hiển vi. Ảnh minh họa. |
Các nhà hải dương học đã tìm thấy những sinh vật ở độ sâu 10,6 km. Đó là vực sâu nhất dưới đại dương, nơi hoàn toàn không có lấy một tia sáng mặt trời. Ngoài ra, tại đó lượng oxi hòa tan rất thấp và áp suất rất cao (tới 8 tấn trên 1 cm2), vô cùng bất lợi cho sự sống. Thế nhưng vực cũng là nơi cư trú của hàng ngàn sinh vật khác nhau.
Các nhà khoa học đã phát hiện ở đây những con amip khổng lồ, mà trước đây đã từng tìm thấy ở độ sâu 7,5 km.
Amip là một vi sinh vật vô cùng kỳ lạ về mọi mặt. Chúng ta đều biết đến loài amip từ những bài học ở nhà trường. Đó là loài sinh vật đơn bào nhỏ đến mức chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Nhưng khi sống dưới đáy đại dương, những con amip này đã có kích thước khó tin, chúng dài đến 10 cm.
Trưởng đoàn thám hiểm nhà vi sinh vật Dug Bartlett nhận xét: "Những nghiên cứu do giáo sư Viện Scripps là Lisa Levin đã cho thấy những sinh vật này dùng làm thức ăn cho các sinh vật đa bào khác nhau dưới vực. Chỉ riêng điều đó cũng đủ thấy dưới vực sâu của Thái Bình dương đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới hoàn toàn mới mẻ và bí ẩn để các nhà khoa học liên ngành tiếp tục nghiên cứu”.
Để tìm hiểu đáy sâu thẳm của đại dương các nhà khoa học phải sử dụng những công nghệ hiện đại nhất, trong số đó có những videocamera do Mỹ chế tạo. Nhờ chúng các nhà hải dương học mới có những bức ảnh đầy ấn tượng của các sinh vật ở nơi sâu nhất, mà trước nay người ta chưa hề biết đến. Những công bố sắp tới chắc chắn sẽ làm chúng ta hết sức ngạc nhiên.
Bảo Châu