Các nạn nhân được nhập viện trong tình trạng "khu vực trung tâm" bê bết máu. Hàng chục trường hợp mất da bìu – dương vật do máy sục khí nuôi tôm, do máy tuốt lúa, tai nạn giao thông, bị động vật cắn, bị nhiễm trùng hoại tử và một dạng khác là do bơm silicon làm tăng kích thước dương vật.

Những lý do trời ơi

Đứng gần cánh quạt tạo ôxy trong ao tôm, người nông dân bị chiếc máy hút vào gây tổn thương vùng "hạ bộ". Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng "khu vực trung tâm" bê bết máu. Do tình hình quá nghiêm trọng, các bác sĩ lập tức chuyển lên bệnh viện Bình Dân TP.HCM.

Theo đó, nạn nhân đang ngâm mình dưới đìa tôm để sửa máy sục khí thì bị cánh quạt của máy sục khí quấn vào quần đùi, rồi cuốn luôn dương vật và lột hết toàn bộ da dương vật, da vùng bìu.

{keywords}

Hệ thống quạt tạo ôxy dưới ao nuôi tôm thường gây tai nạn cho nông dân. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học của BV Bình Dân, trường hợp trên không phải là trường hợp duy nhất. Tai nạn do cánh quạt máy đuôi tôm quấn vào quần còn khiến 2 bệnh nhân khác rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" tương tự. Hai bệnh nhân quê ở Bạc Liêu, trong đó một bệnh nhân 47 tuổi, và một bệnh nhân 44 tuổi.

Theo thống kê của BV Bình Dân, từ tháng 5-2013 đến nay, Khoa Nam học BV Bình Dân tiếp nhận hơn 12 trường hợp mất da bìu – dương vật. Ngoài 3 trường hợp do máy sục khí nuôi tôm, các tai nạn còn lại do máy tuốt lúa, tai nạn giao thông, bị động vật cắn, bị nhiễm trùng hoại tử và một dạng khác mất da dương vật là do bơm silicon làm tăng kích thước dương vật.

Với các trường hợp chỉ mất da thân dương vật thì được tái tạo bằng vạt da bìu để che phủ dương vật. Các trường hợp mất cả da dương vật và bìu thì ghép da mỏng lên thân dương vật và tạo hình bìu bằng vạt da thẹn - đùi là chọn lựa hợp lý.

Do vị trí tương đối đặc biệt của vùng bìu và dương vật, cho nên việc điều trị cũng có nhiều cách khác nhau. Việc điều trị không chỉ đơn thuần là tạo sự che phủ vùng khuyết hỏng da, đồng thời phải đảm bảo được thẩm mỹ cũng như chức năng sinh lý.

Chăm sóc "cậu nhỏ" sau phẫu thuật

Thành công của điều trị ngoài việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp của phẫu thuật viên chuyên ngành còn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc điều dưỡng đặc biệt sau phẫu thuật.

Theo cử nhân điều dưỡng Trương Thị Kim Thoa, BV Bình Dân, đối với người bệnh ghép da mỏng bộ phận sinh dục ngoài thì vấn đề nhiễm khuẩn được đặc biệt chú ý. Nhiễm khuẩn sẽ làm tan rã mảnh ghép.

Vì cơ quan này khá nhạy cảm, nhiều đầu dây thần kinh, mạch máu và nơi tăng tiết mồ hôi. Điều dưỡng chăm sóc phải luôn theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn như nhiệt độ người bệnh tăng cao, đau nhiều nơi vết thương, màu sắc tình trạn mảnh ghép, dịch tiết thấm băng đổi màu, có mùi hôi và sự thay đổi các chỉ số xét nghiệm công thức máu.

Ngoài ra, phải hướng dẫn người bệnh và gia đình hiểu được tình trạng của vết thương để chăm sóc và chấp hành việc bất động 48 giờ sau mổ. Việc đi lại sớm có thể gây nốt phồng, chảy máu và làm hư hại mảnh ghép.

Đối với vùng cho da, duy trì băng kín ẩm ép chặt với áp lực vừa phải giúp sẹp nhỏ hơn, nhẵn hơn và mềm mại hơn.

Chế độ dinh dưỡng, cần được cung cấp chế độ ăn giàu protein, chất xơ và nước. Protein giúp mảnh da ghép bám tốt, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Chất xơ giúp tiêu hóa tốt, tránh táo bón, ảnh hưởng đến vết thương ghép da.

Việc phẫu thuật ghép da và chăm sóc giúp bệnh nhân lấy lại phong độ rất được quan tâm. Các bệnh nhân đều tuân thủ các nguyên tác điều trị và chăm sóc, do đó về thẩm mĩ và chức năng (cương - xìu) đều được các bệnh nhân hài lòng sau khi xuất viện.

(Theo Công an TP.HCM)