Từ chiếc máy tính Busicom LE-120A cho đến máy tính bảng siêu mỏng Apple iPad 2, vô vàn sản phẩm công nghệ đã ra đời với sứ mệnh giải thoát chúng ta khỏi bàn làm việc. Trong lịch sử hơn 30 năm qua, điện toán cầm tay đã trải qua rất nhiều cột mốc đáng nhớ.


Không ai có thể phủ nhận được rằng, thành công của điện toán di động trong thập niên này bắt nguồn từ nhiều công trình mang tính tiên phong xuất hiện từ hàng chục năm trước. Đó có thể là chiếc máy tính một con chip đầu tiên, những “cỗ laptop” nặng gần 24 pound (hơn 10kg), PDA….Hãy cùng VietNamNet điểm lại những khoảnh khắc khó quên đó:
 
2002: Acer TravelMate TM-100 Laptop/Tablet Hybrid




Cột mốc: Laptop/tablet lai dùng bút cảm ứng thời nguyên thủy.

TravelMate là một trong những thiết bị đầu tiên được cài đặt hệ điều hành Windows XP Tablet PC Edition. Nó cũng được chú ý vì là một trong những thiết kế cho phép người dùng xoay màn hình 180 độ và nằm “đè’ lên bàn phím. Tuy nhiên phải 8 năm sau, ý tưởng về máy tính bảng mới thực sự cất cánh nhờ sự ra tay của Apple.
 
2002: Điện thoại check e-mail cầm tay RIM BlackBerry 5810


 
Cột mốc: Mẫu smartphone hiện đại đầu tiên.

Không phải là sản phẩm đầu tiên của RIM, cũng không phải là thiết bị PDA có thể gọi điện đầu tiên trên thế giới, nhưng BlackBerry 5810 là cỗ máy E-mail cầm tay tích hợp điện thoại đầu tiên. Nó đã giúp RIM nhanh chóng thống trị thị trường smartphone doanh nghiệp toàn cầu và góp phần phổ biến nhiều công nghệ đáng giá sau này như push e-mail và mã hóa dữ liệu đầu cuối.
 
2006: Samsung Q1 Ultra-Mobile PC (UMPC)



Cột mốc: PC siêu di động đầu tiên.

Samsung Q1 sở hữu một màn hình 7 inch, vi xử lý 900 MHz, RAM 500MB và chạy phiên bản Windows XP đã được chỉnh sửa. Tuy nhiên, sự hào hứng dành cho thiết kế siêu gọn nhẹ của UMPC đã nhanh chóng tắt ngúm do giá thành quá cao (Q1 có giá 1100 USD), cũng như sự ra đời thành công hơn của smartphone và tablet màn hình cảm ứng.

Tuy nhiên, khả năng nhồi nhét sức mạnh điện toán lớn vào trong một hình hài nhỏ bé vẫn rất đáng khen ngợi. Một số hãng hiện vẫn sản xuất UMPC như OQO và General Dynamics.

2007: Netbook Eee PC 4G



Cột mốc: Netbook đầu tiên.

Rộ lên đình đám suốt năm 2007-2008 nhưng thành công của netbook sớm bị che khuất bởi sự ra đời của một loại thiết bị hoàn toàn mới là tablet. Giới chuyên gia, dù vậy, vẫn coi sự xuất hiện của netbook là một bước phát triển quan trọng của điện toán di động. Chúng cho phép người dùng chạm tay vào những cỗ máy tính xách tay có cấu hình vừa phải mà không phải tốn nhiều tiền. Cùng thời điểm Eee PC đáp xuống thị trường, chiến dịch Mỗi trẻ em một laptop (OLPC) cùng bắt đầu sản xuất laptop siêu bền, giá rẻ cho trẻ em các nước thứ ba. Còn tại các thị trường giàu có, netbook sớm có “hậu duệ” là những laptop siêu di động như MacBook Air hay Dell Adamo.

Ngoài ra, cũng nên nhớ đến Eee PC như một trong những thiết bị đầu tiên sử dụng bộ nhớ SSD (lưu trữ thể rắn) thay cho ổ cứng truyền thống. Ngày nay, nhiều thiết bị đã chuyển hẳn sang SSD, thí dụ như smartphone và iPad.
 
2007: Apple iPhone



Cột mốc: Giao diện màn hình cảm ứng đầy sáng tạo, đơn giản, trực quan, hấp dẫn, biến smartphone thành những cỗ máy tính tí hon.

Phiên bản iPhone đời đầu của Apple với giao diện độc đáo và sức mạnh điện toán đáng nể đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về smartphone. Sự tích hợp sâu sắc của iPhone với iTunes cũng khiến cho iPhone trở thành thiết bị lý tưởng để nghe nhạc, xem video trên từng cây số. Trước iPhone, smartphone thường khó sử dụng, màn hinh bé trong khi bàn phím thực lại quá khổ, khiến cho người dùng cảm thấy không mấy thoải mái.

2008: Quầy ứng dụng Apple iTunes



Cột mốc: Khuấy động cơn sốt về ứng dụng của bên thứ ba.

App Store không phải là một thiết bị, nhưng thật khó mà tưởng tượng smartphone hay máy tính bảng hiện đại sẽ như thế nào nếu như Apple chưa từng giới thiệu sân chơi tuyệt vời cho ứng dụng bên-thứ-ba này. Người dùng phát cuồng lên với sự phong phú, đa dạng, trên trời dưới biển của các ứng dụng viết riêng cho iPhone (sau này là iPad), bao gồm game, tiện ích, các ứng dụng công việc, sách điện tử và giao tiếp/kết nối. Nhiều đối thủ của Apple như Google, Microsoft, Nokia, Palm và RIM đều đang cố lặp lại thành công của App Store, dù hiện chưa có bất kỳ hãng nào thành công.

2010-2011: Apple iPad 1 và 2



Cột mốc: Máy tính bảng ăn khách đầu tiên.

Không một ai dám chắc về khả năng thành công của iPad khi nó mới ra mắt. Thiết bị này quá yếu để có thể thay thế laptop, nhưng lại quá to để làm “trợ lý” cho smartphone. Nhưng giờ đây, người dùng cảm thấy thật hoàn hảo nếu họ dùng nó ở nhà/văn phòng để đọc truyện, quản lý hòm thư, xem video mà không phải chịu đựng sức nặng của laptop.

Trong khi đó, giới chuyên môn lại dùng iPad để kiểm tra các phác đồ y tế, soạn bài giảng hoặc diễn thuyết. Thiết kế máy tính bảng cảm ứng này dù vẫn đang trong giai đoạn trứng nước nhưng đã hứa hẹn một tương lai lâu dài, sán lạn.

Bán được tổng cộng 15 triệu máy trong cả năm 2010, Apple iPad chiếm tới 83% thị phần nhờ một giao diện cảm ứng đặc sắc và thư viện ứng dụng khổng lồ. Appl mong muốn tiếp nối xu hướng này với việc tung ra iPad 2 mới đây.
 
2011: Smartphone Motorola Atrix 4G



Cột mốc: Thiết bị lai giữa smartphone với Webtop.

Atrix 4G có thể là đại diện xuất sắc cho tương lai của điện toán di động và desktop. Thiết bị này hoạt động như một smartphone thông thường, nhưng khi bạn kết nối nó với một màn hình bên ngoài, bàn phím và chuột, nó sẽ chạy được phiên bản hoàn chỉnh của trình duyệt Firefox cũng như bất cứ ứng dụng di động đã cài đặt nào. Người dùng doanh nhân còn có thể truy cập vào màn hình desktop Windows ảo trên Atrix 4G thông qua Citrix XenApp.

Atrix 4G còn quá mới để chúng ta có thể kết luận nó sẽ thành công hay thất bại, nhưng “con dế” này đã báo hiệu một kỷ nguyên mà smartphone của bạn có thể chạy được cả hệ điều hành desktop lẫn hệ điều hành di động.

Trọng Cầm (Theo PCWorld)