- Ăn nhiều thịt hay thực phẩm đã chế biến chứa nhiều chất béo có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt: Có thể chữa khỏi
Đàn ông cao to dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến hơn
Làm sao để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt đang tấn công bạn?
Ung thư tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến nam giới trên 65 tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng liên quan đến nguy cơ mắc căn bệnh này. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, chế độ ăn chay giảm 35% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt so với những người ăn thịt.
Thịt đỏ
Những người ăn nhiều thịt đỏ được biết là có nguy cơ cao hơn bị ung thư tuyến tiền liệt. Khi thịt đỏ được nấu chín ở nhiệt độ cao, phản ứng hóa học có thể xảy ra bên trong tạo ra những hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy bạn nên hạn chế lượng tiêu thụ thịt đỏ, chỉ khoảng ba khẩu phần/tuần.
Sản phẩm sữa
Sử dụng các sản phẩm sữa hàng ngày làm giảm lượng 1,25-Dihydroxy-Vitamin D3. Phân tử này được cho là có tác dụng tích cực bảo vệ con người chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Các chế phẩm bổ sung kẽm
Nghiên cứu chứng minh rằng đàn ông không nên sử dụng quá nhiều kẽm. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Rượu
Uống nhiều hơn 20 cốc rượu mỗi tuần có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy bạn nên hạn chế sử dụng rượu.
Triệu chứng của bệnh là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển âm thầm và khi bệnh nhân phát hiện các dấu hiệu điển hình thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến việc tiểu tiện. Đó là đi tiểu nhiều hơn, khó khăn khi “đi nhẹ”, dòng chảy nước tiểu yếu, hay đi tiểu đêm. Những người nhịn đi tiểu có khả năng mắc bệnh rất cao.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm đau khi đi tiểu hoặc xuất tinh, cũng như máu trong nước tiểu và tinh dịch.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?
Có 2 cách chính để tìm ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt là định lượng PSA trong máu và khám trực tràng.
- Xét nghiệm PSA: PSA là chất do tuyến tiền liệt tạo ra. Ung thư tuyến tiền liệt có thể làm cho lượng PSA trong máu tăng lên. Mức PSA trong máu nói lên nhiều điều về tuyến tiền liệt. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để biết chắc bị ung thư hay không.
- Khám trực tràng: Thăm trực tràng bằng tay là động tác đơn giản nhưng có giá trị chẩn đoán cao. Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể sờ thấy được các khu vực vùng niệu đạo, phát hiện khối u, kích thước...
Ung thư tuyến tiền liệt có thể ngăn ngừa được không?
Mặc dù, khoa học chưa chứng minh việc thay đổi chế độ ăn và tập thể dục có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy, bệnh béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Vì thế, chúng ta nên thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực vận động để phòng ngừa mọi căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt.
Phạm Thành Luân