- Lần đầu tiên nội dung Thi giảng trên lớp được đưa vào hội thi Nghiệp vụ sư phạm - văn nghệ - thể thao các trường sư phạm toàn quốc vừa diễn ta tại Hà Nội.

Những tiết học mơ ước

“Cô giáo” Chu Thị Kim Chi, sinh viên Trường CĐ Ngô Gia Tự, Bắc Giang dạy bài “Tính từ” lớp 4 cho 12 “học sinh”.

{keywords}

"Cô giáo" Trần Ngọc Lan, sinh viên Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, với bài giảng môn Văn (Ảnh Chi Mai)

Bắt đầu vào bài giảng, thay vì đọc một câu chuyện như hướng dẫn trong SGK, “cô giáo” Kim Chi lại cho học sinh hát bài hát về chú mèo con. Cả lớp sôi nổi hẳn lên. “Cô giáo” liên tục đặt câu hỏi, “học sinh” thi nhau trả lời. “Cô giáo” chia lớp thành hai nhóm, 4 nhóm, chia thành những đôi bạn để thực hiện các phần bài tập, làm sao cho các em phân biệt và sử dụng thành thạo tính từ như yêu cầu của bài học.

Đến cuối tiết học, “cô giáo” cho biết sẽ tặng quà cho “học sinh”, với điều kiện “học sinh” phải mở được 3 “ô cửa bí mật”: Điền tính từ vào câu “Đêm rằm trung thu….”, Gạch dưới các tính từ trong đoạn văn về Bác Hồ; Viết ít nhất một câu có sử dụng tính từ nói về người thân quen hoặc đồ vật thân quen….

Giờ học của “cô giáo” Trần Ngọc Lan, sinh viên Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, với bài giảng “Từ tượng hình, tượng thanh” môn Văn – Tiếng Việt lớp 8 lại diễn ra trong không khí khác hẳn. Cô giáo cao và xinh như… người mẫu, với giọng nói dịu dàng, tận tình hướng dẫn học sinh “chơi” trò tìm từ tượng hình gợi tả dáng đi của con người, từ tượng thanh mô phỏng âm thanh tiếng mưa rơi…

Trong các giờ học trên, ngoài bảng đen phấn trắng, “giáo viên” còn sử dụng nhuần nhuyễn máy chiếu. Học sinh không chỉ ngồi yên nghe giảng bài, mà còn được “túm năm tụm ba”, cùng trao đổi làm bài tập.

Đó là hai trong số gần 30 tiết giảng diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong tuần qua. Các tiết học từ mầm non, tiểu học cho dến bậc THPT, từ toán, lý, hóa, văn cho đến âm nhạc, nghề điện… Và “giáo viên” của các tiết học này là sinh viên của 29 trường ĐH, CĐ sư phạm trên toàn quốc về tham dự hội thi Nghiệp vụ sư phạm - văn nghệ - thể thao các trường sư phạm toàn quốc lần thứ V diễn ra từ ngày 20 – 27/10.

Đây là năm đầu tiên hội thi diễn ra 4 năm/ lần này có nội dung Thi giảng trên lớp.

Những giờ giảng của sinh viên được các giám khảo nhận xét rất thẳng thắn. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, giám khảo tiểu ban Chấm thi giảng, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận xét những tiết giảng được các thí sinh, và cả nhà trường, chuẩn bị rất công phu, sáng tạo, thường cho thấy sự linh hoạt trong tổ chức hoạt động của lớp – điều vẫn khá thiếu vắng trong những giờ học hiện nay. Tính thực tế và khả thi của các tiết học dự thi cũng khá cao.

Bên cạnh đó, cũng không ít những lời chê “thẳng thừng”. Các giám khảo sẵn sàng chỉ ra những điểm còn chưa ổn của tiết dạy.

Lỗi mà những sinh viên – giáo viên tương lai thường mắc phải là: Thường chỉ theo sự chuẩn bị của mình, không chấp nhận đáp án khác của học sinh, kiến thức chưa vững, hỏi những câu quá phức tạp, tổ chức tiết học bị rối…

Mô hình mới cho đào tạo giáo viên

PGS.TS Nguyễn Thị Phương, nhìn nhận, cuộc thi nghiệp vụ sư phạm củng cố thêm niềm tin cho sinh viên trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

{keywords}
"Cô giáo" Lan đang giảng bài cho học sinh (Ảnh Chi Mai)

Bà Nguyễn Thị Thu Anh nhận xét kết quả cuộc thi là những đối chứng để các trường sư phạm có sự so sánh, rút kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên thời gian tới, chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình và SGK năm 2015.

Riêng đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – “máy cái” đào tạo giáo viên phổ thông - từ năm học 2013 – 2014 tiến hành thí điểm mô hình mới đào tạo giáo viên, thay đổi cách tiếp cận cho đào tạo giáo viên. Trung tâm nghiên cứu phát triển nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã liên kết chặt chẽ bộ môn phương pháp giảng dạy của các khoa, rèn tay nghề cho sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương cho biết, hệ thống năng lực cần thiết đối với giáo viên hình thành bởi hệ thống kỹ năng tương ứng như kỹ năng chung, kỹ năng dạy học, kỹ năng giáo dục, tham gia hoạt động xã hội... Việc chuẩn bị cho sinh viên của trường thành thục hơn trước khi đi xuống các trường phổ thông thực tập sẽ được thực hiện trải dài suốt năm học, chứ không chỉ tập trung vào trước các đợt kiến tập như trước.

Hiện nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang thử nghiệm, nhưng tiến tới sẽ được chạy cho tất cả sinh viên sư phạm chính quy và áp dụng trong các chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện hành.

Những kỹ năng cơ bản phải có, còn ra đời áp dụng ở mức độ cao thấp như thế nào là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Bà Phương nêu ví dụ, “Như, một giáo viên vùng cao không chỉ đơn giản dạy các em đi về phía lề phải của đường. Vì đường núi, nhiều khi một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Nên dù có là trên đường đi tới trường hay từ trường về nhà, thì các em cũng phải đi ở cùng một phía”.

“Chúng tôi có bộ công cụ đánh giá về lý thuyết và thực hành. Đây là nội dung mới nên sinh viên còn đang hào hứng. Nhưng vấn đề phải kết hợp để giáo dục nhận thức cho sinh viên, làm cho các em nảy sinh nhu cầu rèn luyện nghề thực sự. Trung tâm tổ chức quẹt thẻ, in vân tay, tính thời gian vào thực hành của các em. Nhưng các em phải tự giác rèn luyện mới đạt hiệu quả cao nhất, hơn là những kiểm soát về mặt hành chính” – bà Phương chia sẻ.

  • Chi Mai