Sử dụng lệnh trừng phạt như phong tỏa các mối quan hệ của con, ngăn cấm, chửi bới, xúc phạm; can thiệp, lùng sục thô bạo vào Facebook, điện thoại… của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là cách các phụ huynh thường làm. Tuy nhiên, đó lại không phải là cách hay.

“Mày mới tí tuổi đầu mà yêu đương thì từ nay tao từ mặt”

Một phụ huynh tại Quảng Trị có con học lớp 6. Cậu bé học rất giỏi, một người bạn cùng lớp tuyên bố yêu cậu này. Cha mẹ cậu bé biết được điều đó nên đã rất bức xúc, gọi mẹ của cô gái đó đến và trách móc vì sao cô bé lại dụ dỗ cậu bé, không để cậu học hành. Hai gia đình lời qua tiếng lại. Người mẹ của cô bé giận dữ về đánh con.

Các cháu tuyên bố nếu không cho hai cháu yêu nhau thì các cháu dọa sẽ tự tử. Sau lần đó, hai gia đình vẫn thấy hai cháu qua lại nên dọa bắt cháu gái vào đồn công an vì tội yêu sớm, nhưng “Cháu chẳng có tội gì cả”, cháu kiên quyết giải thích.

Nhưng tất cả sự việc đó bắt nguồn từ một nguyên nhân vô cùng đơn giản. Bố mẹ làm bên ngân hàng có điều kiện, đi học bằng ô tô. Đó là một chiếc ô tô có treo tivi ở phía trước và thường xuyên chiếu phim hoạt hình.

Nhà bạn nữ chỉ chỉ có điều kiện đi học bằng xe đạp, chính vì vậy, cô bé rất thích được ngồi trong ô tô và xem phim hoạt hình. Thì ra, cô bé thích xem phim hoạt hình chứ không phải là thích cậu bé, và cô bé nghĩ việc nói yêu cậu bé khiến cho cô bé được xem phim hoạt hình nhiều hơn mà thôi.

Bà nội Đặng Hương (65 tuổi) kể về cháu M đang học lớp 8 (14 tuổi), bà đã quan sát thấy những biểu hiện của tình yêu đầu tiên của cháu, không phải là từ cha mẹ cháu. Bà nội thấy, trước khi đi học, cháu thường đợi một bạn gái. Hai bạn thường đi xe đạp và đợi nhau. Thỉnh thoảng có đôi lần, bà thấy cháu gái sang hỏi bài. Dần dần, bà hay phát hiện ra cháu gái hay tặng quà cho cháu bà vào mỗi dịp sinh nhật, hay dịp Giáng sinh, Lễ tình yêu,…

Biết được điều đó, bà cũng chưa nói ngay với bố mẹ, mà chỉ khuyên nhủ: “Hai năm nữa, lớp 9, cháu phải thi vượt cấp. Nên cháu nên dừng lại ở mối quan hệ bạn bè quý mến nhau thôi, tập trung vào học hành cháu ạ”.

 Một hôm, đến 2 giờ sáng, bố mẹ nghĩ là em vẫn còn thức để học bài. Đến sáng sớm hôm sau, bố mẹ mở điện thoại, kiểm tra tin nhắn mới tá hỏa thấy 40 tin nhắn qua lại trong khoảng thời gian từ 11h đêm đến gần 2 giờ sáng của con và một bạn nữ tên N. Nội dung tin nhắn đều là những lời bày tỏ tình cảm ngọt ngào, rất trẻ con và cũng đầy cảm xúc: “I love you, I need you, I want you”. Ông bố tức giận đã đánh em mấy cái tát. Sau đó, cháu giận bố. Nghe bà nội kể lại, trong suốt khoảng mọt tháng sau đó, cháu vẫn ngày ngày đi học đều và về nhà đúng giờ, nhưng tuyệt nhiên không nói chuyện với bố mẹ.

Sau này, người bà nội đó đã nói chuyện với cha mẹ em rằng, ở tuổi của các cháu, ngoài “bạn bè” giống bao bạn trẻ khác, cháu có một cảm tính khác với bạn khác giới. Một bạn nữ có thể ngưỡng mộ vì bạn nam ấy học rất giỏi và tốt bụng

Bà cũng khuyên bảo cha mẹ nên gần gũi, quan tâm với các con hơn. " Quy chụp ngay cho cháu, và bảo rằng đó là yêu thì chưa đúng. Các em lứa tuổi cấp 2, cấp 3 còn hay gọi “vợ tớ, chồng tớ”. Nhưng thực chất có phải thế đâu, đó chỉ là cách nói cho vui của các em. Vậy mà chúng ta đã quy chụp thì vô hình chung dội một “gáo nước lạnh” vào đầu các em" - bà nói

Trò chuyện với con mỗi ngày

Chị Nguyễn Ngọc Xuân (Đống Đa, Hà Nội), có cô con gái đang học lớp 5 chia sẻ rằng không khó để chị phát hiện con thay đổi tâm tư tình cảm bởi con gái rất hay tâm sự với mẹ.

“Mẹ con mình luôn giữ thói quen chia sẻ từ lúc con còn nhỏ cho đến bây giờ. Mỗi ngày mình đều tranh thủ trò chuyện với con vào bất cứ lúc nào, trong bữa sáng, trong lúc nấu ăn hay trước khi đi ngủ và việc đó trở thành một thói quen bình thường mỗi ngày. Có những hôm con ngập ngừng băn khoăn không biết có nên nói với mẹ hay không, mẹ phải động viên con mới chịu nói”, chị chia sẻ.

{keywords}
Ảnh minh họa
 

Nói chuyện với con hằng ngày, thủ thỉ đủ thứ chuyện chính là cách chị tạo lòng tin với con. Con gái vẫn thỉnh thoảng tâm sự với mẹ những vấn đề khác giới như “mẹ ơi, dạo này con thấy lạ lắm, không hiểu sao bạn A, bạn B lại rất hay tâm sự với con hoặc thích chơi với con…Cả lớp không ai thích chơi với bạn A vì bạn ấy nghịch ngợm, nhưng dạo này giờ ra chơi bạn ấy lại hay chơi cùng con…”. Vì thế chị chắc rằng, khi có bạn nam nào để ý con sẽ kể với mình, còn khi con biết thích một ai đó chắc chắn con cũng sẽ hỏi chị nhưng câu hỏi có liên quan.

“Khi các con đã ở vào lứa tuổi bắt đầu thay đổi tâm lí, dù là trai hay gái thì các bậc phụ huynh càng phải chú tâm thường xuyên gần gũi, chia sẻ mọi tâm tư tình cảm với con mình nhiều hơn. Ở độ tuổi này, chúng thường có những suy nghĩ bất thường, thậm chí là ẩm ương, nếu bố mẹ chỉ biết áp đặt, phê phán mà không có phân tích, định hướng hoặc uốn nắn thì càng dễ làm cho chúng này sinh những suy nghĩ tiêu cực hay biểu hiện cực đoan. Nhất là khi bố mẹ không quan tâm khiến chúng dần có cảm giác rời xa bố mẹ, gia đình và dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng xấu dẫn đến lối sống và tư duy cũng bị ảnh hưởng xấu theo”, chị Xuân nói.

Theo chị, khi các con chia sẻ câu chuyện gì đó với cha mẹ, phụ huynh phải xem đó là một câu chuyện nghiêm túc và phải theo dõi thật sát diễn biến của câu chuyện. Đừng sai lầm cho rằng con trẻ tuổi cấp 1, cấp 2 chưa biết yêu mà mặc kệ chúng.

“Các con thích nhau, quý mến nhau ban đầu là trong sáng, là bình thường…Nhưng ngày nay có quá nhiều kênh thông tin tiêu cực tác động đến nhận thức và hành vi của các con, nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến những hậu quả không ngờ. Những yếu tố khách quan sẽ dần biến những tình bạn nam nữ trong sáng tuổi học trò thành những mối quan hệ yêu đương lệch lạc. Và thực tế đã cho thấy nhiều em ở độ tuổi lớp 5, lớp 6 thôi nhưng đã biết trốn bố mẹ hẹn hò và làm cả những việc ngoài sức tưởng tượng của người lớn, đến khi hậu quả xảy ra rồi thì đã muộn”, chị phân tích.

Chị Xuân cho rằng, giáo dục giới tính nên bắt đầu với trẻ càng sớm càng tốt, ngay từ khi chúng biết quan sát, tìm hiều, tò mò và thắc mắc. Còn về vấn đề tình dục, có thể trang bị kiến thức cho con từ lớp 4 hoặc lớp 5, tuy nhiên đây là vấn đề tế nhị nên các bậc phụ huynh cũng cần phải hết sức khéo léo. “Lên lớp 5 con gái mình đã được học giáo dục giới tính và thực tế mình đã trang bị cho con một số kiến thức sơ đẳng về GDGT từ trước đó. Sau mỗi bài học, con vẫn thường đem những thắc mắc mà ở lớp con chưa hiểu hết về nhà hỏi mẹ. Và qua đó mình sẽ mở rộng thêm kiến thức cho con. Chẳng hạn khi con học bài về kinh nguyệt, mình sẽ nhân tiện nói với con rộng hơn về vấn đề sinh sản và quan hệ nam nữ…”, chị nói.

Đối với việc sử dụng mạng internet của các con, chị cho rằng cho các con tiếp xúc với internet từ sớm để học tiếng anh hay tìm hiểu thông tin bổ trợ cho những kiến thức trong SGK và trên lớp là rất tốt và nên như vậy. Tuy nhiên bố mẹ cần phải có sự kiểm soát và định hướng cho con chứ không nên phó mặc hoàn toàn. Chị chỉ cho con gái dùng điện thoại loại đơn giản nhất chỉ có chức năng nghe, gọi và nhắn tin.

Khi cần tìm hiểu thêm thông tin, các con phải xin phép mượn laptop (máy tính xách tay) của bố/mẹ hoặc khi muốn xem hoạt hình, các chương trình thiêu nhi cũng phải xin phép và bố mẹ chỉ cho phép sử dụng laptop trong một thời lượng nhất định. Vợ chồng chị thường tìm sẵn những chương trình hay để hướng cho các con xem mỗi khi cho các cháu dùng laptop, chẳng hạn chương trình học tiếng Anh, giải toán V-Olympic, quà tặng cuộc sống, thế giới động vật…

Đừng cấm, đừng xúc phạm!

Theo các chuyên gia y tế, tuổi dậy thì của trẻ đã sớm hơn trước. Trước con gái 13, con trai 16, nay các em bắt đầu dậy thì từ 10, 11 tuổi, thậm chí có em 7,8 tuổi. Theo đó, sự hấp dẫn giới tính mang tính bản năng con người cũng bắt đầu từ lúc này. Đó là một thực tế không thể thay đổi. Thêm vào đó, các em được tiếp cận nhiều với phim ảnh có nội dung người lớn thì chuyện yêu đương sớm cũng là dễ hiểu.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng, tình cảm ở lứa tuổi này xuất phát từ sự bồng bột, nhất thời; yêu thích vì những lý do rất ngô nghê như thấy bạn đẹp, bạn học giỏi; bạn hay nhìn mình... Tình cảm dễ đến, dễ đi song đủ sức dày vò, ảnh hưởng đến cuộc đời, tương lai người trong cuộc nếu không nhận được định hướng đúng.

Bà Linh khẳng định, sự rung động của các em ở tuổi này hoàn toàn tự nhiên, rất bình thường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận và có những xử trí thích hợp khi phát hiện con em yêu sớm. Nhiều bi kịch đau lòng, có thể nói nguyên nhân gián tiếp là do sự thờ ơ, thiếu quan tâm định hướng hoặc khởi nguồn từ cấm cản của gia đình.

“Sử dụng lệnh trừng phạt như phong tỏa các mối quan hệ của con; ngăn cấm, chửi bới, xúc phạm; can thiệp, lùng sục thô bạo vào Facebook, điện thoại… của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là cách các phụ huynh thường làm. Tuy nhiên, càng cấm cản, các em sẽ càng ức chế, bị cuốn sâu vào sự đau khổ, tuyệt vọng, dẫn đến tìm cách “vùng vẫy” đáp trả trong sự ngang bướng: yêu mãnh liệt hơn, cô lập với gia đình; tự hành hạ bản thân hoặc xa hơn là nghĩ đến điều dại dột”, bà Linh khuyến cáo.

Theo vị chuyên gia tâm lý này, phụ huynh cần lắng nghe con một cách nghiêm túc, thẳng thắn; thoải mái chia sẻ với con những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để giúp con nhận ra bản chất của tình cảm lứa tuổi học trò.

Kim Minh - Đỗ Dung

(còn tiếp)